Thực đơn cỗ tết 16 món mặn của chàng trai trẻ gây tranh cãi

10/02/2021 - 05:31

PNO - Mâm cỗ tết cổ truyền cùng danh mục nguyên liệu phải mua và lịch trình chuẩn bị rất quý giá với các chị em đang bối rối không biết mua gì, mua bao nhiêu. Nhưng cùng đó là những ý kiến phản bác...

Một trong những nỗi lo và gánh nặng lớn nhất của các gia đình trong ngày tết là việc chuẩn bị thực phẩm, mâm cỗ. Nhưng cũng từ chủ đề này mà có các luồng ý kiến khác nhau, như có nhà thích chuẩn bị thật nhiều những món ăn cho ngày tết, có nhà lại muốn coi nhẹ và không sắm sửa, bày biện gì nhiều để thảnh thơi hơn. 

Đó là lý do vì sao khi anh Xuân Bách  (ở thành phố Auckland, New Zealand) chia sẻ danh sách dài những món ăn sẽ chuẩn bị cho ngày tết, hội chị em chia thành nhiều “phe”.

Anh Xuân Bách du học cử nhân ở Úc và thạc sĩ ở New Zealand. Hiện anh đang làm việc và sinh sống ở thành phố Auckland, New Zealand

Anh Xuân Bách cho biết, năm nay anh quyết định ăn tết lớn hơn mọi năm, từ bình thường cỗ 6 hay 8 món, tăng hẳn lên 16 món mặn (thêm 4 món ăn kèm, 4 món tráng miệng, 2 món bánh). Năm nay cũng là năm đầu làm bố nuôi nên "cho thằng cu tí mới biết bò tập gói bánh cho nó đỡ quên gốc gác Việt Nam".

Thực đơn của anh Xuân Bách đủ Bắc, Nam nên cỗ luôn phải đủ các món hai miền như: canh măng, bóng thả, bóng xào của miền Bắc và thịt kho, canh khổ qua, dưa giá của miền Nam. Anh còn chuẩn bị thêm 2 món ngày xưa mẹ anh hay làm là hủ tiếu xào hẹ với tôm, đậu xanh và khoai môn ngào bà (ngào với mỡ và đường).

Danh sách thực đơn, các nguyên liệu cần sắm cỗ tết của anh Xuân Bách gỡ bí khâu tính toán, khiến nhiều chị em reo vui

Vì phải đi làm đến 27 tết mới nghỉ, nên anh phân chia việc chuẩn bị mọi việc theo từng ngày, để không quên việc phải làm trước hay làm sau. Anh cũng chia sẻ, để mua đủ đồ trong bản danh sách kia, anh đã phải đi qua… 10 cái chợ.

Bản danh sách dài cũng chỉ dừng ở phần nguyên liệu, chế biến đồ ăn, chứ chưa bao gồm những công việc khác của tết như: dọn bàn thờ, cắm hoa, bày mâm ngũ quả, cỗ cúng. Anh Xuân Bách cho biết, anh tự tay làm hết mọi thứ mà không nhờ ai. 

Dưới chia sẻ và chi tiết thực đơn ngày tết của anh Xuân Bách, nhiều chị em tếu táo: “May nhà chồng mình không ăn tết kiểu này chứ không mình đã bỏ chồng chạy lấy người”, “Ăn tết như thế này thì áp lực quá, không ăn tết còn hơn…”, “Mình nhìn mà đã thấy vất vả quá. Mình thích kiểu nhẹ nhàng thong dong còn đi du xuân, chứ nhìn danh sách menu như thế kia mà cho mình vào bếp thì đã muốn quạu. Không biết có ăn được hết không, thừa lại thành ra lãng phí…”.

Nhưng bên cạnh những chị em cho rằng danh sách của anh Xuân Bách là quá áp lực thì cũng không ít người ủng hộ. “Mình xin phép lưu lại để tham khảo”, “Giống mình quá, tết năm nào cũng có danh sách ghi thực đơn 3 ngày tết, mỗi ngày đều đổi món. Danh sách mua đồ và danh sách công việc phải làm trước tết… Mọi người kêu suy nghĩ nặng đầu nhưng mình lại thích”...

“Mình khâm phục “chủ top” vì cái tỉ mỉ, cẩn thận. Mình không thấy bạn sợ tết như nhiều người bình luận mà đó là niềm vui, là tình yêu với nấu nướng và tấm lòng người xa quê hương…”, một chị viết.

 

Mâm cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp của anh Bách
Mâm cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp của anh Bách

Chia sẻ thêm, anh Xuân Bách bộc bạch rằng việc chuẩn bị mâm cao cỗ đầy và chi li từng hạng mục trong ngày tết không phải anh tự làm khổ, tự tạo ra áp lực cho mình. Bởi đó là việc anh yêu thích, tìm thấy niềm vui trong gian bếp, tạo ra không khí tết. Anh cũng đã có “thâm niên” trong ngành nấu bếp cả chục năm nay nên không lúng túng.

“Nói về sắm tết thì chắc chắn là mình bị ảnh hưởng bởi ba má. Ba má mình rất quan tâm về mâm cỗ, cúng kiếng vào dịp tết nên tuy cỗ miền Nam không cầu kỳ như cỗ miền Bắc, nhưng năm nào cũng phải chỉn chu, đủ đầy. Các món ăn như thịt kho, canh khổ qua, củ kiệu tôm khô, món xào chay, gà cúng, bánh tét không năm nào không có. Cứ đến đúng trưa ngày 30 là cả nhà thay quần áo chỉnh tề, cùng thắp nhang cúng tất niên, mời ông bà về cùng đón tết với con cháu. Đến giao thừa thì sẽ lại cúng một mâm nhỏ để tiễn năm cũ, tiễn ông bà, mời Táo quân về”, anh Xuân Bách kể.

Anh vốn từ bé đã rất thích nấu ăn, thích bày biện nên để ý từng chút một, nên theo như anh nói là “tự nhiên mọi thứ đã ngấm vào máu”. Những cái tết xa quê đều tùy nơi chốn, tùy điều kiện từng năm, nhưng anh chưa hề thấy vất vả.

Anh Bách cho rằng nấu bếp là cách tạo ra không khí tết- Ảnh minh họa

Anh Bách vốn thích tết, lại là đầu bếp nên anh có điều kiện ăn tết lớn. Anh cũng giữ cách lễ lạc, cúng kiếng như từ những cái tết xưa. Ngày 23, anh thức dậy sớm tiễn ông Táo. Tất niên, anh cúng vào giữa ngọ, đến khuya lại cúng giao thừa.

Tết với anh không phải gắng sức để mệt mỏi vì những áp lực, mà đó là cách giúp anh có được cảm giác ấm áp, đủ đầy và vơi bớt nỗi nhớ nhà.

Linh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI