Thủ tướng Hà Lan xin lỗi về vai trò của nước này trong buôn bán nô lệ

20/12/2022 - 06:15

PNO - Ngày 19/12, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thay mặt chính phủ xin lỗi về vai trò của Hà Lan đối với chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ.

 

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, phải, thay mặt chính phủ xin lỗi về vai trò lịch sử của Hà Lan đối với chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia ở The Hague
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thay mặt chính phủ xin lỗi về vai trò lịch sử của Hà Lan đối với chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ. Sự kiện diễn ra tại Cơ quan lưu trữ quốc gia ở The Hague

Ông Rutte nói trong bài phát biểu dài 20 phút tại Cơ quan lưu trữ quốc gia: "Hôm nay tôi xin lỗi vì những hành động của Hà Lan trong quá khứ. Xin lỗi tất cả những người nô lệ trên toàn thế giới đã phải chịu đựng những hành động đó, cho con gái và con trai của họ, và cho tất cả con cháu của họ ở đây và bây giờ".

Trước bài phát biểu, Waldo Koendjbiharie - người sống nhiều năm ở Hà Lan  - cho biết 1 lời xin lỗi là không đủ. Ông Koendjbiharie khẳng định: “Mọi vấn đề đều liên quan tiền bạc. Lời xin lỗi không thể giúp bạn mua được bất cứ thứ gì”.

Dù vậy, ông Rutte nói với các phóng viên sau bài phát biểu rằng chính phủ sẽ không bồi thường cho "hậu duệ của những người bị bắt làm nô lệ".

Thay vào đó, họ đang thành lập một quỹ trị giá 200 triệu euro (212 triệu USD) cho các sáng kiến giúp giải quyết hệ lụy của chế độ nô lệ ở Hà Lan và các thuộc địa cũ của nước này, đồng thời thúc đẩy giáo dục về vấn đề buôn bán nô lệ.

Mô tả về việc hơn 600.000 nam giới, phụ nữ và trẻ em châu Phi đã bị những kẻ buôn bán nô lệ người Hà Lan chuyển đến Suriname - thuộc địa cũ của Hà Lan ở Nam Mỹ, ông Rutte nói rằng “xấu xí, đau đớn và thậm chí hết sức đáng xấu hổ”.

Ông Rutte nói rằng lịch sử buôn bán nô lệ của Hà Lan là “xấu xí, đau đớn và thậm chí hết sức đáng xấu hổ”.
Thủ tướng Rutte nói rằng lịch sử buôn bán nô lệ của Hà Lan là “xấu xí, đau đớn và thậm chí hết sức đáng xấu hổ”

Bài phát biểu được Thủ tướng Hà Lan đưa ra vào thời điểm mà lịch sử thuộc địa tàn bạo của nhiều quốc gia đang bị chỉ trích gay gắt, theo sau phong trào Black Lives Matter và việc cảnh sát giết chết George Floyd - 1 người Mỹ gốc Phi ở thành phố Minneapolis của Mỹ vào ngày 25/5/2020.

Bài phát biểu của Thủ tướng là phản hồi đối với 1 báo cáo được công bố vào năm 2021 bởi ban cố vấn do chính phủ Hà Lan chỉ định.

Các khuyến nghị của báo cáo bao gồm lời xin lỗi của chính phủ và công nhận rằng việc buôn bán nô lệ và chế độ nô lệ từ thế kỷ XVII cho đến khi bị bãi bỏ “xảy ra trực tiếp hoặc gián tiếp dưới thời chính quyền Hà Lan là tội ác chống lại loài người”.

Người Hà Lan lần đầu tiên tham gia buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương vào cuối những năm 1500 và trở thành 1 nhóm thương nhân lớn vào giữa những năm 1600. Cuối cùng, Công ty Tây Ấn Hà Lan trở thành nhà buôn nô lệ xuyên Đại Tây Dương lớn nhất.

Các thành phố của Hà Lan, bao gồm thủ đô Amsterdam và thành phố cảng Rotterdam đã đưa ra lời xin lỗi về vai trò lịch sử của những người dân thành phố trong việc buôn bán nô lệ.

Vào tháng 6/2022, Vua Philippe của Bỉ đã bày tỏ “sự hối tiếc sâu sắc nhất” về những vụ ngược đãi ở Congo. Năm 2018, Đan Mạch đã xin lỗi Ghana, quốc gia mà họ cai trị như thuộc địa từ giữa thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX. Năm 1992, Giáo hoàng John Paul II đã xin lỗi về vai trò của nhà thờ trong chế độ nô lệ.

Đạo luật được ký vào ngày 8/8/1862, bãi bỏ chế độ nô lệ từ ngày 1/7/1863, hiện đang trưng bày tại Cơ quan lưu trữ Quốc gia ở The Hague, Hà Lan
Đạo luật được ký vào ngày 8/8/1862, bãi bỏ chế độ nô lệ từ ngày 1/7/1863, hiện được trưng bày tại Cơ quan lưu trữ quốc gia ở The Hague, Hà Lan

Tấn Vĩ (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI