Thoát chết trở về từ Trung Đông

17/07/2015 - 08:52

PNO - PN - Trưa 10/7, chúng tôi nhận được một cuộc gọi với giọng phụ nữ yếu ớt: “Nhà báo ơi! Tôi đã về đến Hà Nội ba ngày rồi”. Chúng tôi vui mừng nhận ra tiếng của bà Cao Thị Non, nhân vật trong bài Tuyệt vọng tìm dấu tích vợ...

Thoat chet tro ve tu Trung Dong

Ông Lâm Văn Kiệt mừng vui khi vợ trở về

TRONG RỦI CÓ MAY

Trước đó, vào cuối tháng 6/2015, ông Lâm Quang Vinh, cán bộ Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Ả rập Xê út có thông báo qua email của chúng tôi cho ông Lâm Văn Kiệt (SN 1954, ngụ ấp Trường Phú, xã Trường Đông, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) - chồng bà Non biết về tình hình của vợ ông: “Ngày 28/6, chúng tôi còn liên lạc được với bà Non qua điện thoại…

Ngày 30/6, gọi vào số của bà Non thì một người phụ nữ Ả rập cầm điện thoại của vợ anh trả lời đã đưa cô ấy đi lăn dấu vân tay, có thể hiểu rằng đi làm thủ tục xuất cảnh”. Tuy vậy, sau đó cả người nhà và ĐSQ Việt Nam tại Ả rập Xê út đều mất liên lạc với bà Non. Bà Non có hẹn trước với người em họ cũng đang bị bỏ rơi tại Ả rập Xê út là Tạ Kim Hồng rằng: “Khi nào gọi điện cho chị không được tức là chị chết rồi”. Tin bà Non chết đưa về Việt Nam khiến chồng con bà vô cùng hoảng loạn. Trong khi người nhà đang bấn loạn tìm cách đưa xác bà Non về nước thì chúng tôi nhận được tin bà đã về tới Hà Nội.

Trao đổi với chúng tôi, bà Non nói mình bị chủ đuổi ra khỏi nhà vào giữa tháng 6/2015 vì bệnh tim tái phát, không làm việc được nữa và chủ còn nợ tiền lương 20 ngày, thậm chí cả chiếc card điện thoại 10 rian mới mua cũng bị thu mất. Không một đồng trong túi, điện thoại không còn tài khoản, bà bị Trung tâm (TT) môi giới việc làm Đôn Nan gom về trại.

Sau mấy ngày bị bỏ nằm một chỗ, không có thuốc men, khi bà tỉnh dậy, những người ở TT lại kéo bà lên xe chở đến gia đình khác để bà tiếp tục làm thuê. Bà nằm xỉu tại nhà chủ ba ngày nên họ lại đem trả về TT Đôn Nan. Bị vứt trước sân TT giữa trời nắng nóng, bà Non sắp gục vì khát, bèn liều ôm túi đồ lết ra đường, hy vọng trốn thoát và nhờ người đưa đi tìm ĐSQ Việt Nam.

Một tốp cảnh sát đã giữ bà lại, mua cho mấy chai nước rồi điện thoại đi đâu đó. Lát sau họ chở bà đi. Tưởng được tới ĐSQ, bà Non chưa hết mừng đã lo thót tim khi thấy bị đưa về nhà bà chủ ban đầu. Cảnh sát bàn giao bà Non, chủ nhà người Ả rập Xê út nhận, nhưng khi cảnh sát đi khỏi thì chủ nhà khóa cửa, bỏ mặc bà Non ngoài trời. Đêm hôm đó, ĐSQ Việt Nam đã tìm được số điện thoại của chủ nhà. Chủ nhà kêu bà Non vào nhà lúc nửa đêm, sáng hôm sau họ đưa bà đi lấy dấu vân tay, làm thủ tục xuất cảnh. Đó là ngày 29/6.

Thoat chet tro ve tu Trung Dong

Thoat chet tro ve tu Trung Dong

Giấy tờ xuất nhập cảnh của bà Non đều là giả

NHỮNG NGÀY KINH HOÀNG Ở XỨ NGƯỜI

Tháng 10/2014, bà Cao Thị Non (SN 1961) được bà Lâm Thị Huỳnh Anh (Tây Ninh) môi giới sang Ả rập Xê út lao động giúp việc nhà. Tuy đã cao tuổi, lại mắc bệnh tim, nhưng vì thấy lương cao (tám triệu đồng/tháng) nên bà quyết định giấu chồng đi làm, trong khi vốn ngoại ngữ, phong tục tập quán các nước Ả rập là con số không, thậm chí hộ chiếu xuất, nhập cảnh từ Việt Nam sang Ả rập Xê út của bà đều làm giả với tên người khác (Thái Thị Kim Xuân, SN 1969).

Sau khi được TT môi giới tại Ả rập Xê út đưa vào làm giúp việc cho một gia đình Hồi giáo, bà Non mới biết mình bị lừa. Không những lương tháng thấp hơn thỏa thuận mà giờ giấc lao động nhiều hơn, không được nghỉ cuối tuần. Vì không quen với thổ nhưỡng, khí hậu Trung Đông, ăn uống thiếu thốn và vốn sức khỏe yếu, bà Non liên tục bị đau tim, khó thở, ngất xỉu. Cuối cùng không thể làm việc được nữa, bà bị chủ nhà tống ra đường.

Chúng tôi gặp vợ chồng bà Non vào ngày 15/7/2015 tại Tây Ninh, khi bà vừa được xuất viện. Với khuôn mặt thất thần, giọng nói yếu ớt, bà Non kể lại những ngày cuối cùng kinh hoàng ở sa mạc Trung Đông.

Thoat chet tro ve tu Trung Dong

Bà Cao Thị Non may mắn tìm được đường về

Gia đình người chủ thuê bà Non giúp việc nhà, theo đạo Hồi, có lúc hai ngày họ mới ăn một bữa, các bữa khác bổ sung bằng bánh kẹo hoặc sữa. Vì ăn cùng với chủ, nên sinh hoạt khác biệt này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của bà. Bà Non cố gắng tìm cách nấu ăn, nhưng thực phẩm thiếu thốn, lại không được ra khỏi nhà, nên thường xuyên bị đói.

Thêm vào đó, thời tiết khắc nghiệt, thời gian làm việc hơn 12 tiếng một ngày, bệnh tim của bà Non tái phát. Tháng 4/2015, sức khỏe bà Non sa sút nghiêm trọng, thường xuyên bị ngất xỉu, khó thở. Chủ nhà hai lần mua thuốc cho bà nhưng chỉ là thuốc hạ sốt, họ còn nghi ngờ bà giả vờ ốm nên đưa tới điểm y tế để kiểm tra. Gần hai tháng trời bà bị sốt ở mức 39-39,50C. Sợ bị đuổi, không có lương nên bà vẫn gắng gượng làm việc. Chìa bàn tay trái có ngón cái bị cong, bà Non nói: “Một lần thằng bé con chủ nhà lấy trộm của mẹ nó 500 rian (khoảng hơn hai triệu đồng), tôi bị nghi là thủ phạm, bị chủ nhà bẻ ngón tay, còn kéo xuống bếp định chặt tay…”.

Một ngày Chủ nhật, chủ nhà gọi xe tới chở bà Non ra sân bay, làm thủ tục xuất cảnh. Họ chỉ đưa cho bà tấm vé máy bay mà không cho một đồng nào, còn tiền lương 20 ngày chưa lĩnh thì chủ nhà nói “trừ vào 500 rian tiền bị mất”. Xuống đến sân bay Nội Bài, bà Non ngất xỉu, tỉnh lại thì thấy đang nằm trong bệnh viện.

Về tới nhà, niềm vui chưa hết nỗi lo lại đến với bà Non vì nguy cơ mất nhà. Chồng bà đã phải thế chấp nhà để lấy 46 triệu đồng nộp cho người môi giới là bà Lâm Thị Huỳnh Anh để lo thủ tục cho bà về nước. Bà Non cho rằng chi phí về nước là do chủ nhà nơi bà làm thuê cấp sau khi ĐSQ Việt Nam tại Ả rập Xê út can thiệp, nên hành vi của bà Anh có dấu hiệu lừa đảo. Hiện bà Non tiếp tục làm đơn tố cáo bà Lâm Thị Huỳnh Anh về việc lừa đưa người đi xuất khẩu lao động.

Bà Non đã gian nan trở về nhà từ sự can thiệp của ĐSQ Việt Nam tại Ả rập Xê út. Còn biết bao thân phận phụ nữ bị lừa, đang lay lắt xứ người vì không biết liên lạc, bám víu vào đâu?

 PHÙNG HOÀNG CHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI