Thế giới học được gì từ các quốc gia đang bị Omicron tấn công mạnh mẽ?

18/12/2021 - 06:00

PNO - Nam Phi, Anh và Đan Mạch là ba trong số các quốc gia có trường hợp nhiễm biến thể Omicron hiện đang tăng mạnh, chưa đầy một tháng sau khi nó được phát hiện lần đầu tiên.

Ngày 16/12, Anh đã ghi nhận con số kỷ lục với 88.376 trường hợp nhiễm mới SARS-CoV-2, mức tăng cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Để đối phó với tình trạng này, Anh đang tìm cách đẩy mạnh tiêm phòng để cung cấp liều vắc xin COVID-19 thứ 3 cho tất cả những người trưởng thành đủ điều kiện.

Trong khi đó ở Nam Phi, các nhà nghiên cứu cho biết dữ liệu ban đầu cho thấy Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn - nhưng vẫn chưa rõ là nhờ khả năng miễn dịch do tiêm chủng hay nhiễm bệnh trước đó. Riêng Đan Mạch đang cân nhắc những hạn chế mới trong nỗ lực kiểm soát sự gia tăng ca nhiễm... Vậy các nước khác có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm của những quốc gia này?

Một người dân đăng ký thông tin chi tiết của cô ấy tại một địa điểm thử nghiệm di động Covid-19 ở quận Milnerton của Cape Town, Nam Phi, vào ngày 2 tháng 12.
Một người dân đăng ký xét nghiệm COVID-19 tại xe di động ở Cape Town, Nam Phi

Đã quá muộn để ngăn chặn Omicron

Bất chấp nhiều quốc gia áp đặt hàng loạt hạn chế đi lại, biến thể Omicron đã lan truyền nhanh chóng trên toàn cầu. Trong một cuộc họp báo ngày 15/12, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hơn 77 quốc gia đã báo cáo các trường hợp mắc Omicron và thực tế là Omicron có thể xuất hiện ở hầu hết các quốc gia, ngay cả khi nó chưa được phát hiện.

Ông Tedros nhận xét: "Omicron đang lan truyền với tốc độ mà chúng tôi chưa từng thấy với bất kỳ biến thể nào trước đây" và đồng thời cho hay: "Chúng tôi lo ngại rằng mọi người đang xem Omicron là nhẹ, điều này rất nguy hiểm".

Ông cũng nói thêm, ngay cả khi Omicron gây ra bệnh nhẹ hơn thì số ca mắc bệnh tăng vẫn có thể một lần nữa khiến các hệ thống y tế quá tải.

Mọi người xếp hàng để được tiêm các mũi tăng cường bên ngoài trung tâm tiêm chủng tại Bệnh viện St. Thomas ở London vào ngày 15 tháng 12 năm 2021.
Người dân London xếp hàng tiêm các mũi tăng cường bên ngoài trung tâm tiêm chủng tại Bệnh viện St. Thomas

Không mất nhiều thời gian để Omicron trở thành dòng nổi trội

Theo Cơ quan An ninh y tế Anh, ngày 27/11, nước này phát hiện hai trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron nhưng đến ngày 15/12, nó đã vượt Delta để trở thành biến thể chiếm ưu thế ở London. "Bây giờ, hơn bao giờ hết, tiêm vắc xin và cả liều tăng cường sớm là vô cùng quan trọng. Xin đừng tạo cơ hội để Omicron tấn công", Giám đốc khu vực y tế công cộng Kevin Fenton nói.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid đánh giá sự gia tăng các trường hợp nhiễm Omicron ở Anh tương tự như cách nó xảy ra ở Nam Phi - tâm chấn của biến thể mới này.

Viện Huyết thanh Statens của Đan Mạch (SSI) dự báo Omicron ​​sẽ trở thành biến thể SARS-CoV-2 chiếm ưu thế trong tuần này. Thủ tướng Đan Mạch Mette Fredricksen cho rằng các trường hợp mắc bệnh là rất cao và "sẽ cần đến các biện pháp mới cứng rắn, nghiêm ngặt để phá vỡ chuỗi lây nhiễm".

Trong khi đó, người đứng đầu Ủy ban EU, Ursula von der Leyen, dự đoán biến thể Omicron sẽ trở thành biến thể thống trị trong khối 27 quốc gia vào giữa tháng 1/2022.

Trong đánh giá rủi ro mới nhất của mình, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cảnh báo Omicron có nguy cơ rất cao sẽ lan rộng hơn nữa trong khu vực, đồng thời nói thêm rằng nó "có khả năng gây ra các trường hợp nhập viện và tử vong bên cạnh những ca nặng do biến thể Delta".

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ ước tính tại Mỹ, Omicron chiếm 2,9% virus lưu hành, so với 96,8% của Delta.

Quá sớm để biết liệu nhiễm Omicron có nhẹ hơn hay không?

Dữ liệu từ Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm của Nam Phi (NICD) đã đưa ra một tín hiệu lạc quan nhưng vẫn rất thận trọng rằng: "Mặc dù dữ liệu vẫn đang được thu thập, nhưng bằng chứng cho thấy làn sóng hiện tại có thể nhẹ hơn".

Discovery Health - một công ty bảo hiểm y tế lớn ở Nam Phi - khảo sát từ 3,7 triệu người cho thấy vắc xin ít có khả năng chống lại biến thể mới nhưng đưa ra dấu hiệu rằng Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn so với các biến thể trước đó.

Các nhà nghiên cứu cho biết hai liều vắc xin Pfizer có tác dụng bảo vệ 33% chống lại nhiễm virus nhưng 70% hiệu quả trong việc ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm cả việc nhập viện. Tuy nhiên, mũi thứ 3 bổ sung thì tăng khả năng bảo vệ trước Omicron lên hơn 70%.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Y tế Anh Chris Whitty, cần có thêm dữ liệu, thời gian thực trước khi các nhà khoa học có thể bắt đầu đánh giá mức độ nghiêm trọng của Omicron như thế nào, đặc biệt là những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. "Ở nhiều quốc gia trên thế giới sẽ có những người không được tiêm chủng hoặc tiêm một liều; trên khắp châu Phi cận Sahara hầu hết mọi người chưa tiêm liều thứ 2. Vì vậy, chúng ta cần phải xem xét về việc liệu có bất kỳ sự bảo vệ nào và Omicron hoạt động ở những khu vực đó ra sao", ông nói. 

Người dân Nam Phi đang chờ làm xét nghiệm
Người dân Nam Phi đang chờ làm xét nghiệm

Vắc xin không thể làm chậm Omicron lây lan

Các chuyên gia y tế khuyến cáo khi Omicron lan rộng, các quốc gia tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó vốn đã được biết đến từ trước như giãn cách xã hội và cải thiện hệ thống thông gió trong nhà, mang khẩu trang...

"Các quốc gia có thể và phải ngăn chặn sự lây lan của Omicron bằng các biện pháp có hiệu quả hiện nay. Ngoài vắc xin, hãy tiếp tục bằng khẩu trang, rửa tay, hệ thống thông gió... Hãy làm tất cả điều này và làm một cách triệt để", Tổng giám đốc WHO đề nghị.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi Joe Phaahla cũng kêu gọi mọi người nên có trách nhiệm và tuân thủ các biện pháp hạn chế mạnh mẽ hơn để ngăn chặn sự gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh, đặc biệt là lễ Giáng sinh sắp tới.

Thảo Nguyễn (theo CNN)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI