Thế giới đứng trước nỗi lo mất an ninh lương thực

14/08/2023 - 06:51

PNO - Chiến tranh, lạm phát, thiên tai khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt với tình trạng thiếu lương thực hoặc giá gạo, ngũ cốc tăng nhanh. Hiện tượng El Niño đe dọa làm trầm trọng thêm vấn đề này trong những tháng tới.

Giá gạo và ngũ cốc tăng cao

Việc Nga chấm dứt Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen (BSGI) với Ukraine vào ngày 17/7 đã khiến giá lúa mì tăng mạnh ở thị trường bán buôn của châu Âu và Mỹ. 3 ngày sau đó, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng không phải loại basmati (gạo hạt dài) cho đến khi có thông báo mới. Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm hơn 40% lượng gạo giao dịch toàn cầu vào năm 2022. Tác động từ lệnh cấm này đã nhanh chóng đẩy giá gạo quốc tế lên mức cao nhất trong 15 năm. 

Nitin Gupta - Phó chủ tịch cấp cao của Olam Agri Ấn Độ, một trong những nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - cho biết: “Thái Lan, Việt Nam và các nước xuất khẩu gạo khác đang sẵn sàng ứng phó nhằm giảm thiểu sự thiếu hụt do quyết định của Ấn Độ. Tuy nhiên, khả năng xuất khẩu của các nước đều có mặt hạn chế, dễ tạo tiền đề cho quyết định tăng giá ồ ạt, tương tự đợt tăng giá đáng chú ý vào năm 2007, 2008”.

Năm 2008, giá gạo đạt mức cao kỷ lục trên 1.000 USD/tấn sau khi Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh, Ai Cập, Brazil và các nhà sản xuất nhỏ khác tuyên bố hạn chế xuất khẩu. Thái Lan, Việt Nam và Pakistan - lần lượt là các nhà xuất khẩu lớn thứ hai, thứ ba và thứ tư trên thế giới - đều rất muốn tăng doanh số bán hàng do nhu cầu đối với lúa gạo tăng sau lệnh cấm của Ấn Độ.

Một cánh đồng bắp bị nước lũ nhấn chìm ở TP Hạc Bích, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc vào ngày 5/8 - Nguồn ảnh: GETTY IMAGES
Một cánh đồng bắp bị nước lũ nhấn chìm ở TP Hạc Bích, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc vào ngày 5/8 - Nguồn ảnh: Getty Images 

Dù vậy, các quốc gia đều nhấn mạnh nguyên tắc trước tiên phải đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước. Trước tình hình trên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã yêu cầu Ấn Độ xem xét lại quyết định cấm xuất khẩu gạo, vì điều này đe dọa làm trầm trọng thêm tình trạng biến động giá lương thực toàn cầu, ảnh hưởng xấu đến các nước nghèo hơn và có thể gây mất an ninh lương thực.

Trong khi đó, lũ lụt đã gây thiệt hại nặng nề cho các vùng trồng bắp và lúa ở vành đai sản xuất ngũ cốc quan trọng phía bắc của Trung Quốc. Một thương nhân Singapore làm việc cùng các đối tác kinh doanh ngũ cốc Trung Quốc cho biết: “Khu vực bị lũ lụt ở phía bắc chắc chắn sẽ chịu thiệt hại về sản lượng. Chúng tôi đang đợi một bức tranh rõ ràng hơn về mức độ thiệt hại sau khi nước lũ rút đi”.

Ước tính ban đầu cho thấy khoảng 4-5 triệu tấn bắp, tương đương 2% sản lượng của cả nước, đã bị ảnh hưởng. Lũ lụt cũng có khả năng làm giảm sản lượng gạo tại quốc gia tiêu thụ nhiều gạo nhất thế giới này. Ma Wenfeng - nhà phân tích cấp cao tại công ty tư vấn nông nghiệp Beijing Orient Agribusiness Consultant - nói với hãng tin Reuters: “Lũ lụt dự kiến sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất lúa gạo ở phía đông bắc và có thể làm giảm sản lượng lúa gạo từ 3 - 5%”.

Kết hợp những tin tức không mấy khả quan về nguồn cung gạo và ngũ cốc, ngày 4/8, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO) tiết lộ: chỉ số giá lương thực toàn cầu đã tăng 1,3% trong tháng 7/2023.

Tác động từ biến đổi khí hậu và El Niño

Alain-Richard Donwahi - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Bờ Biển Ngà, Chủ tịch Hội nghị chống sa mạc hóa của Liên hiệp quốc - cảnh báo thế giới có khả năng phải đối mặt với sự gián đoạn lớn về nguồn cung lương thực trước khi nhiệt độ toàn cầu đạt mức tăng 1,5 độ C. Đây là kết quả của các tác động kết hợp từ khủng hoảng khí hậu (như sóng nhiệt, hạn hán và lũ lụt ngày càng nghiêm trọng), cùng với tình trạng khan hiếm nước và những phương thức canh tác kém.

Theo các nhà khoa học, hiện tượng thời tiết El Niño chỉ mới nổi lên vào tháng 7/2023, có khả năng kéo theo nhiệt độ cao hơn và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác trong 1 năm vốn đã chứng kiến quá nhiều thiên tai. Sự nóng lên tự nhiên của nhiệt độ ở Thái Bình Dương thường kéo dài từ 9-12 tháng và dự kiến sẽ trở nên mạnh hơn vào cuối năm 2023. Chuyên gia Walter Baethgen từ Viện Nghiên cứu quốc tế về khí hậu và xã hội (Mỹ) cho biết: “Trong năm El Niño, nguy cơ mất mùa ở nhiều quốc gia tăng lên, chẳng hạn như ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á”.

Sau khi lượng mưa đạt dưới mức bình thường vào tháng Sáu và tháng Bảy, Thái Lan đã khuyến cáo nông dân hạn chế diện tích trồng lúa vụ thứ hai để tiết kiệm nước. Ở Ấn Độ, lượng mưa gió mùa phân bố thất thường dẫn đến lũ lụt ở một số bang trồng lúa phía bắc, trong khi một số bang phía đông thiếu mưa để bắt đầu gieo trồng. Ông B.V. Krishna Rao - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ - cho biết lượng mưa gió mùa tốt là yếu tố cần thiết để sản xuất nông nghiệp bình thường, từ đó có thể cho phép chính phủ đảo ngược lệnh cấm xuất khẩu gạo. 

Tấn Vĩ (theo Guardian, IPS, Manila Times, Reuters, Financial Express)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI