Thế giới đánh mất hơn một năm tuổi thọ vì COVID-19

23/06/2022 - 14:32

PNO - Phân tích do tổ chức ONE Campaign công bố phát hiện ra rằng tuổi thọ toàn cầu đã giảm 1,64 năm trong giai đoạn từ 2019 đến 2021.

 

COVID-19, ô nhiễm, biến đổi khí hậu và khủng hoảng lương thực có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ toàn cầu
COVID-19, ô nhiễm, biến đổi khí hậu và khủng hoảng lương thực có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ toàn cầu

Phân tích được công bố bởi ONE Campaign - một tổ chức vận động và đấu tranh phi lợi nhuận quốc tế chống lại nghèo đói cùng cực và bệnh tật có thể phòng ngừa - phát hiện ra rằng tuổi thọ toàn cầu đã giảm 1,64 tuổi từ năm 2019 đến năm 2021.

Đây là lần giảm đầu tiên của tuổi thọ toàn cầu kể từ những năm 1950, dưới tác động từ đại dịch COVID-19. Tổ chức cũng cảnh báo rằng tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn do cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu và tác động của biến đổi khí hậu.

Romilly Greenhill - Giám đốc ONE Campaign tại Anh - cho biết: “Mọi người đều hiểu rằng đại dịch này vẫn chưa kết thúc. Họ hiểu rằng sự hội tụ của các cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.

Nếu chúng ta muốn bảo vệ bản thân và nền kinh tế, chính phủ phải lắng nghe công chúng và dẫn đầu phản ứng toàn cầu để chấm dứt đại dịch".

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng 64% người trưởng thành ở Anh đồng ý rằng việc chấm dứt đại dịch COVID-19 trên khắp thế giới vào năm 2022 nên là “ưu tiên hàng đầu của chính phủ”. Ngoài ra, 72% phản đối việc tiếp cận vắc xin không đồng đều giữa các nước thu nhập cao và thu nhập thấp.

Trong khi đó, theo đánh giá mới của Viện Chính sách Năng lượng Đại học Chicago về Chỉ số Chất lượng cuộc sống không khí (AQLI), ô nhiễm không khí là mối đe dọa lớn nhất đối với cuộc sống con người trên toàn cầu.

Chỉ số phát hiện ra rằng ô nhiễm không khí dạng hạt làm giảm tuổi thọ trung bình toàn cầu 2,2 năm, cao hơn cả mức giảm từ thói quen hút thuốc, sử dụng rượu bia, HIV/AIDS và khủng bố.

Những người sống ở Nam Á có thể mất trung bình khoảng 5 năm cuộc đời trừ khi chất lượng không khí được cải thiện đến mức theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Bất chấp những kế hoạch đầy tham vọng nhằm kiểm soát các chất ô nhiễm, khoảng 510 triệu cư dân của vùng đồng bằng miền bắc Ấn Độ có thể mất tới 7,6 năm tuổi thọ, nếu mức độ ô nhiễm cao như hiện nay vẫn tiếp diễn.

Hầu như toàn bộ Đông Nam Á hiện được coi là có mức độ ô nhiễm không an toàn. Người dân sống ở những khu vực ô nhiễm nhất và ở các thành phố lân cận như Mandalay, Hà Nội và Jakarta dự kiến ​​sẽ giảm tuổi thọ trung bình từ 3-4 năm.

Tương tự, hầu như toàn bộ Trung và Tây Phi được coi là không an toàn, với những người sống trong những khu vực ô nhiễm nhất dự kiến ​​sẽ bị rút ngắn tuổi thọ trung bình 5 năm.

Linh La (theo Bloomberg, News-medical)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI