Thành phố Thủ Đức cần chính sách thu hút đầu tư và quản lý hiệu quả

20/01/2021 - 06:24

PNO - TP. Thủ Đức hội tụ nhiều tiền đề để phát triển vượt bậc. Nếu tiếp tục bổ sung chính sách phù hợp, đặc thù thì nơi này sẽ bứt phá, trở thành mô hình kinh tế mới, nền kinh tế lớn thứ ba của cả nước, chỉ sau TPHCM và TP.Hà Nội.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, theo dõi và chỉ đạo Đảng bộ TP.HCM - tại hội nghị báo cáo chuyên đề “Xây dựng TP.Thủ Đức thành đô thị sáng tạo tương tác cao, thành phố tri thức, hạt nhân phát triển vùng kinh tế 4.0 phía Nam” diễn ra chiều 19/1.

Những cấu phần quan trọng

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM lâu nay là trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ lớn của cả nước. Trong quá trình phát triển, thành phố đạt được nhiều kết quả vượt trội như năng suất lao động gấp 2,6 lần cả nước, đóng góp 22% GDP và thu ngân sách chiếm 27% cả nước trong khi dân số chỉ chiếm 9% và diện tích đất chỉ chiếm 0,6% cả nước. 

TP.Thủ Đức được kỳ vọng sẽ phát triển vượt bậc ẢNH: ĐỖ MINH
TP. Thủ Đức được kỳ vọng sẽ phát triển vượt bậc - Ảnh: Đỗ Minh

Trong giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM gấp 1,65 lần cả nước, nhưng năm 2011 chỉ còn 1,17 lần. Sự tụt dốc đó khiến năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết yêu cầu TPHCM phấn đấu trở lại tăng trưởng kinh tế gấp 1,5 lần cả nước. Thế nhưng, tốc độ tăng trưởng bình quân của TPHCM trong 5 năm qua cũng chỉ hơn cả nước 1,2 lần, tức không hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. 

Trong mười năm gần đây, ngành tăng trưởng mạnh mẽ nhất của TPHCM là công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông. Cụ thể, năm 2000, khi thành phố bắt đầu đặt vấn đề phát triển công nghệ thông tin, ngành này chỉ chiếm 0,5% tổng sản phẩm, không được liệt kê là ngành công nghiệp quan trọng. Sau 20 năm, công nghệ thông tin bứt tốc vượt bậc, doanh số tăng 400 lần và đóng góp cho kinh tế đất nước từ 0,5% lên 14,3% (tức tăng 28 lần). Cùng với quá trình phát triển, môi trường đầu tư của TPHCM đã được cải thiện, thu hút đầu tư nước ngoài và chính ngành công nghệ thông tin, truyền thông lại là lĩnh vực thu hút được đầu tư cao nhất. 

Sau 17 năm hình thành và phát triển, khu công nghệ cao thu hút khoảng 8 tỷ USD đầu tư nước ngoài và hiện có 42.246 lao động. TPHCM có 4,7 triệu lao động, năng suất lao động gấp 2,6 lần cả nước thì riêng khu công nghệ cao với hơn 42.000 lao động, đã tạo ra sản phẩm tương đương 3,3 triệu người.

“Hiện nay, khu công nghệ cao đã đóng góp khoảng 28% kinh tế TP.HCM, cho nên nếu thêm khu chế xuất Linh Trung và các đơn vị khác ở TP. Thủ Đức hiện nay thì TP. Thủ Đức thực sự đóng góp không dưới 30% kinh tế toàn thành phố. Mà đó là trạng thái còn rời rạc” - ông Nhân nhận định.

Ông Nguyễn Thiện Nhân trồng cây phát động phong trào tạo mảng xanh cho TP.Thủ Đức nhân sự kiện công bố chính thức thành lập TP.Thủ Đức - Ảnh: Đỗ Minh
Ông Nguyễn Thiện Nhân trồng cây phát động phong trào tạo mảng xanh cho TP.Thủ Đức nhân sự kiện công bố chính thức thành lập TP.Thủ Đức - Ảnh: Đỗ Minh

Ông dẫn chứng về sự “rời rạc”: khu công nghệ cao thành công nhất cả nước, nhưng thuộc địa bàn quản lý của Q.9. Trong khi đó, Q.2 có khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng lại không phục vụ khu công nghệ cao. Q.Thủ Đức có Đại học Quốc gia TPHCM với năm trường thành viên nhưng Q.Thủ Đức chỉ lo quản lý hạ tầng, trật tự an toàn cho khu đại học hoạt động. 

Từ đó ông Nhân khẳng định: “Tiền đề của ba quận nếu tích hợp lại, tạo tương tác cao, sẽ trở thành một vùng động lực phát triển mới. Tuy nhiên, về mặt hành chính, nó phải là một đô thị duy nhất để tích hợp, hội tụ các tiền đề lại với nhau. Từ đó, TPHCM đã đặt vấn đề phải thành lập TP. Thủ Đức”. Cũng theo ông Nhân, từ nhiều mô hình trên thế giới, có thể thấy, TP.Thủ Đức có xấp xỉ 50% điều kiện để trở thành thành phố công nghệ 4.0, nếu quy hoạch tốt và tập trung đầu tư đúng hướng. 

TP.HCM và các tỉnh hiện nay đang là nơi ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo. Nhưng riêng TP. Thủ Đức, với những tiền đề và tiềm năng của mình, sẽ là nơi tạo ra giải pháp công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo. Nơi này sẽ là không gian sống xanh, trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, cung cấp các giải pháp 4.0 cho sự phát triển của TPHCM, các tỉnh lân cận và cả nước, hướng mạnh mẽ tới xuất khẩu các giải pháp và sản phẩm 4.0.

TP. Thủ Đức cần cơ chế mạnh mẽ 

Ông Nhân dẫn chứng, với tất cả những tiền đề tương tự TP. Thủ Đức, TP. Montréal (Canada) đã trở thành một thủ đô trí tuệ nhân tạo của Bắc Mỹ và thế giới. Montreal có diện tích 431km2 (gấp hai lần TP. Thủ Đức), dân số 1,7 triệu người (gấp 1,5 lần TP. Thủ Đức). Montréal đã cất cánh thành thủ đô của trí tuệ nhân tạo nhờ các điều kiện hạ tầng và chính sách như: có 11 trường đại học tổng hợp, 60 trường cao đẳng với 155.000 sinh viên, trong đó 11.000 sinh viên và 250 nghiên cứu sinh tiến sĩ các lĩnh vực liên quan trí tuệ nhân tạo; thu hút các doanh nghiệp nổi tiếng thành lập các phòng thí nghiệm, nhất là về trí tuệ nhân tạo, bên cạnh các viện nghiên cứu của Montréal. Thành phố này có điều kiện môi trường tốt, có chi phí thuê nhà không cao, có các chính sách khuyến khích về thuế, chi phí vận hành của các công ty vào loại thấp nhất ở các thành phố lớn của Canada và Mỹ.

TP. Thủ Đức chính là mục tiêu đột phá, nhiệm vụ đột phá và cũng là giải pháp đột phá phát triển của TPHCM - Ảnh: Đỗ Minh
TP. Thủ Đức chính là mục tiêu đột phá, nhiệm vụ đột phá và cũng là giải pháp đột phá phát triển của TPHCM - Ảnh: Đỗ Minh

Về hạ tầng cho TP. Thủ Đức, ông Nhân cho hay, tại TPHCM, hạ tầng phát triển chậm đã cản trở rất nhiều đến sự phát triển. Do đó, TP. Thủ Đức được thiết kế với các loại hạ tầng đặc thù và tương tác mạnh mẽ: hạ tầng kinh tế 4.0, liên quan đến công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo; hạ tầng giao thông và dịch vụ đô thị, thoát nước; hạ tầng về tài chính và thương mại, cụ thể là trung tâm tài chính, ngân hàng tại Thủ Thiêm; hạ tầng về văn hóa, xã hội với nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch, trung tâm thể thao Rạch Chiếc… Trong đó, nhà ở, dịch vụ được quy hoạch theo hướng “đô thị 15 phút” - tức thời gian đi từ nhà ở đến sở làm, trường học, chợ, nơi vui chơi, giải trí trong 15 phút; trở thành nơi sống và làm việc tốt nhất, thu hút lao động trình độ cao trong và ngoài nước đến sinh sống và làm việc. 

Theo ông Nhân, “hạ tầng” cuối cùng là chính sách thu hút đầu tư và việc quản lý TP. Thủ Đức hiệu quả, đúng như kỳ vọng. Ông cho rằng, cần dựa trên nhiều giải pháp, trong đó có tính toán chính sách ưu đãi về thuế để thu hút đầu tư, áp dụng các cơ chế chính sách đặc thù (theo Nghị quyết 54 của Quốc hội) và triển khai nhanh chóng chính quyền số (thành phố thông minh), lập hội đồng phát triển TP. Thủ Đức với sự tham gia của đại diện các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà văn hóa, người dân, chính quyền, cấp ủy, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Ông Nhân nói: “Để TP. Thủ Đức phát triển, cấp ủy ở đây phải chịu trách nhiệm. Cấp ủy phải báo cáo cho người dân những nhiệm vụ mình làm và chịu trách nhiệm trước người dân về mọi quyết định của mình”.

Hiện TPHCM đang sắp xếp, kiện toàn nhân sự bộ máy TP. Thủ Đức, sau đó sẽ triển khai các quy hoạch của TP. Thủ Đức nhằm thu hút đầu tư. “Cách đây 5 năm, chưa ai có thể trả lời được TPHCM làm thế nào từ tăng trưởng kinh tế gấp 1,2 lần cả nước lên 1,5 lần như Bộ Chính trị yêu cầu. Bây giờ thì có thể trả lời ngay, đó là TPHCM có vùng động lực để thực hiện điều này. Đó là vùng phía đông, tức TP. Thủ Đức” - ông Nhân quả quyết.

Ông nhận định, TP. Thủ Đức chính là mục tiêu đột phá, nhiệm vụ đột phá và cũng là giải pháp đột phá phát triển của TPHCM. Việc sáp nhập ba quận không phải là sáp nhập cơ học mà để hình thành một mô hình, hệ thống phát triển kinh tế. 

TP. Thủ Đức bao gồm tám trung tâm: Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo, Trung tâm Đại học và Khoa học công nghệ, Trung tâm Sản xuất và Ứng dụng công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh thái, Trung tâm Giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng Cát Lái, Trung tâm Tài chính khu đô thị Thủ Thiêm, Trung tâm Thể thao và Sức khỏe Rạch Chiếc, Trung tâm đô thị Trường Thọ. TP.Thủ Đức được kỳ vọng đóng góp 30% GRDP cho TP.HCM và 7% GDP cả nước. 

Theo lộ trình tổ chức và vận hành TP. Thủ Đức, từ ngày 1/1 đến 7/2/2021, TP. Thủ Đức kiện toàn bộ máy và chính thức đi vào hoạt động để lập các ban, tổ bầu cử kịp ngày bầu cử cùng cả nước. Từ ngày 7/2 đến 23/5/2021, TP. Thủ Đức tiếp tục kiện toàn bộ máy để tiến hành công tác bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp. Từ ngày 23/5 trở đi, các cơ quan chức năng của TPHCM và TP. Thủ Đức tiếp tục hoàn thiện bộ máy, chính sách để TP. Thủ Đức đi vào hoạt động.

Tuyết Dân - Tam Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI