Taxi Driver - 'giáo trình' giết người hay nỗi hoang mang của nước Mỹ thời hậu chiến

03/10/2019 - 19:00

PNO - 'Taxi Driver' một lần nữa “đếm” lại con số những cựu binh trở về như một cái cây không còn rễ, sẵn sàng ngã đổ và kéo theo những ngã đổ.

Tháng 3/1981, Tổng thống Ronald Reagan đã bị bắn một phát đạn ngoài khách sạn Washington Hilton ở thủ đô Washington. Kẻ giết người lúc này mới 25 tuổi, và cho biết “cảm hứng” ám sát của mình đến từ Taxi Driver - bộ phim giành giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 1976.

Nước Mỹ yếu đuối trong Taxi Driver

Cho đến bây giờ, Taxi Driver vẫn là phim mà người ta nhắc mỗi khi nói đến Robert De Niro và thậm chí là Jodie Foster - dù khi đó cô chỉ mới 12 tuổi. Dĩ nhiên, đây là tên phim không thể thiếu trong bảng xếp hạng của những tín đồ hay chuyên gia điện ảnh. Tuy nhiên, “đứng thứ 17 trong danh sách 500 phim hay nhất mọi thời đại của Empire”, “có mặt trong danh sách 100 phim hay nhất của Viện phim Mỹ”… cũng chỉ là những bình chọn cơ học. Tiếng nói của Taxi Driver, thực tế chạm sâu vào nước Mỹ ở giai đoạn hoang mang nhất, khi những chàng trai vạm vỡ của nước Mỹ trở về từ các chiến trường, đặc biệt là chiến trường Việt Nam, với một cơ thể chằng chịt vết thương và trái tim hoang phế.

Taxi Driver -  'giao trinh' giet nguoi hay noi hoang mang cua nuoc My thoi hau chien

Như bao nhiêu nhân vật là người lính đã được thấy trong phim về hậu chiến của nước Mỹ, Travis Bickle trong Taxi Driver gặp nhiều khó khăn khi trở về với cuộc sống không có tiếng súng, không có những trận càn, không có tiếng kêu khóc và mất mát. Anh hầu như không thể thiết lập được các mối quan hệ, dù là với người mình quan tâm, và có khuynh hướng bạo lực…

Nhưng, sự khó khăn lớn nhất mà anh gặp phải là anh không thể nào chịu nổi thói giả dối ở những con người mà anh gặp hằng ngày, thông qua công việc lái taxi. Anh càng không chịu nổi lớp ngôn từ giả trá mà các chính khách đang mơn trớn người dân nước Mỹ hòng tìm thêm một phiếu trong kỳ bầu cử sắp tới. Một cách nào đó, xã hội Mỹ nhơ nhớp ẩn sâu dưới vẻ hào nhoáng của ánh đèn chói lòa New York về đêm ám ảnh anh không thua gì chiến trường đầy những bộ phận cơ thể người mà anh vừa đi qua. Travis Bickle giải tỏa mình bằng cách tìm đến gái điếm, để rồi thêm một lần nữa chứng kiến bộ mặt giả tạo của nước Mỹ thông qua cô bé 12 tuổi kiếm sống bằng cách đứng chờ khách mỗi đêm. Anh ám sát ứng cử viên tổng thống, để kết thúc những giả trá và kết thúc nỗi cô đơn, hoang phế đang gặm anh sâu từng tế bào.

Chỉ với kinh phí 1,3 triệu USD, Taxi Driver thu về 28,3 triệu USD mà theo nhận định của các nhà phân tích, là vì phim đã lật được bộ mặt nước Mỹ dưới lớp hóa trang đầy nhấn nhá và màu sắc. Nước Mỹ khi ấy ra rả những luận điệu của một siêu cường và chính nghĩa, sẵn sàng “tham gia” để tái thiết hòa bình thế giới nhưng bên trong thật yếu ớt với hàng triệu trái tim tổn thương. Taxi Driver một lần nữa “đếm” lại con số những cựu binh trở về như một cái cây không còn rễ, sẵn sàng ngã đổ và kéo theo những ngã đổ. 

Taxi Driver -  'giao trinh' giet nguoi hay noi hoang mang cua nuoc My thoi hau chien

Đâu chỉ các cựu binh. Nỗi hoang mang của nước Mỹ hiện rõ trên cả những chàng trai của thời bình, mà Taxi Driver là nút chạm. Năm 1981, Tổng thống Ronald Reagan trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên thoát chết trong một vụ mưu sát khiến nước Mỹ chấn động, và khi bị bắt, John Hinckley - khi ấy 25 tuổi - cho biết mình bị ám ảnh bởi Taxi Driver. Lời khai của John Hinckley gây rúng động và các nhà nghiên cứu xã hội cho rằng thực chất nước Mỹ đang tồn tại một mồi lửa từ việc một thế hệ thanh niên đang mất phương hướng, mà Taxi Driver là “giáo trình” cho những kẻ đang chơi vơi cần khẳng định sự tồn tại của mình bằng một cách gây chú ý nhất.  

Robert De Niro và lần nói chuyện như khóc với Jodie Foster

Một trong những phân cảnh kinh điển của Taxi Driver, và của Robert De Niro, là cảnh Travis Bickle nói chuyện với chính mình qua gương. Mãi sau này, khi không biết bao nhiêu lời ca ngợi đã dành cho Robert De Niro, không biết bao nhiêu giải thưởng danh giá đã gọi tên anh trong trang trọng với hàng loạt vai diễn khác, thì đây vẫn là cảnh “siêu đỉnh” của cái tên Robert De Niro. 

Đạo diễn Martin Scorsese sau này tiết lộ, tài năng của Robert De Niro không chỉ nằm ở diễn xuất mà ở chỗ anh thấu hiểu nhân vật đến tận cùng, như thể anh mới chính là người vừa trở về từ chiến trường Việt Nam sau bao nhiêu năm đằng đẵng. Mặc áo thủy quân lục chiến, hai bên sườn là hai khẩu súng, một mình đối diện với chiếc gương, Travis nói: "You talkin' to me? You talkin' to me? You talkin' to me? Then who the hell else are you talkin' to? You talkin' to me? Well I'm the only one here. Who the fuck do you think you're talking to?" (tạm dịch: mày nói với tao đấy à? Mày nói với tao đấy à? Mày nói với tao? Mày nói với tao? Vậy thì mày đang nói với thằng quái quỷ nào? Mày nói với tao? Ồ tao là người duy nhất ở đây. Mày nghĩ là mày đang nói với thằng nào?).

Taxi Driver -  'giao trinh' giet nguoi hay noi hoang mang cua nuoc My thoi hau chien
 

Cảnh phim đó gây sửng sốt đến mức rất nhiều phim sau này đều sử dụng câu thoại “You talkin' to me?” cho phim của mình. Đây cũng là câu thoại có mặt trong danh sách Những câu thoại đáng nhớ nhất của lịch sử điện ảnh, do Viện phim Mỹ bình chọn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, vào ngày quay phân cảnh đó, Robert De Niro chỉ nhận được kịch bản với câu diễn đạt ngắn gọn: “Travis tự nói với mình trong gương”. Chính Robert De Niro đã sáng tạo ra đoạn thoại ấy, tạo thành cảnh phim gây ám ảnh nhất ấy.  

Dù đã được chú ý với vai bố già Vito Corleone ở Bố già II (giúp Robert De Niro đoạt Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất Oscar) nhưng cho đến Taxi Driver, Robert De Niro mới thật sự bước lên vũ đài hạng A của điện ảnh Hollywood. 

Dĩ nhiên không thể không đề cập đến trường hợp diễn viên Jodie Foster bởi những đấu tranh đòi tẩy chay phim sau cuộc ám sát tổng thống thực chất chỉ là nối dài những tranh cãi  trước đó về phim, mà nữ diễn viên là đối tượng chính: cô đóng vai gái điếm khi chỉ mới 12 tuổi. Khi biết Jodie Foster phải ăn mặc hở hang và ra “đứng đường” để có thể nhập vai, cũng như phải có những động tác “người lớn” trong phim, nhiều nhà nhân quyền đã phẫn nộ.

Thực tế, dù Jodie đã phải chờ một thời gian không ngắn để có được sự cho phép của Ủy ban phúc lợi Los Angeles cũng như phải trải qua một cuộc phỏng vấn với bác sĩ tâm lý kéo dài 4 tiếng để xác nhận đủ sức vào vai Iris, nhưng quả như những gì mà các nhà nhân quyền, chuyên gia tâm lý phân tích, đây thật sự là điều không nên dành cho một đứa trẻ. 

Taxi Driver -  'giao trinh' giet nguoi hay noi hoang mang cua nuoc My thoi hau chien
 

Năm 2016, trong một cuộc phỏng vấn, Jodie lần đầu tiên nhắc về khoảng thời gian đó với những từ “khủng khiếp”, “tồi tệ”, “ám ảnh”. Cô kể, và tả lại nỗi sợ hãi của mình khi ấy ra sao, những cảnh quay đã ám ảnh cô mãi đến sau này như thế nào: “Tôi chẳng muốn giao tiếp với chú ấy thêm lần nào nữa, tôi đã như hóa đá vì sợ”. Cũng theo cô, “chú” Robert De Niro khi đó đã 33 tuổi, và việc phải hướng dẫn một đứa bé những động tác làm tình gây khó khăn cho chính anh. Đến mức, cả hai “chú cháu” không thể có một cuộc trò chuyện tử tế trong suốt quá trình hoàn thành phim. Đến ngày cuối cùng, chính Robert De Niro đã đến trước Jodie và nói như thể đang khóc: “Không phải chỉ cháu đâu, chú cũng rất sợ”.

Vai diễn này đã giúp Jodie Foster nhận một tượng vàng Oscar vào năm đó, cũng như trở thành bàn đạp cho hàng loạt vai diễn nặng ký mà các đạo diễn luôn tin tưởng trao cho cô sau này. 

Cho đến bây giờ, Taxi Driver vẫn là đỉnh cao của Robert De Niro, và của điện ảnh Mỹ. 

Taxi Driver -  'giao trinh' giet nguoi hay noi hoang mang cua nuoc My thoi hau chien

Nguyễn Thương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI