Tàu sân bay Roosevelt trở lại khi Trung Quốc tăng cường quấy rối ở Biển Đông

20/05/2020 - 09:35

PNO - Các quan chức hải quân Mỹ hôm 19/5 cho biết, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt sẽ trở lại Biển Đông vào cuối tuần này, sau gần hai tháng thả neo tại Guam do có hơn 1.000 thủy thủ nhiễm virus SARS-CoV-2.

Từ khi tàu sân bay Mỹ neo đậu tại cảng do đại dịch, Trung Quốc dường như đã lợi dụng tình hình để tăng cường quấy rối các máy bay, tàu do thám của Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực Biển Đông.

Tàu sân bay Mỹ hoạt động trở lại ở Biển Đông khi Trung Quốc lợi dụng đại dịch tăng cường quấy rối các tàu, máy bay Mỹ và đồng minh - Ảnh: Fox News
Tàu sân bay Mỹ sẽ trở lại ở Biển Đông vào cuối tuần này - Ảnh: Fox News

Kênh truyền hình Fox News dẫn lời một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết, khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt về neo đậu ở đảo Guam, Thái Bình Dương, các lực lượng Trung Quốc đã tăng cường “hành vi mạo hiểm và leo thang” ở Biển Đông.

Trả lời Fox News, ông Reed B. Werner - Phó trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Nam Á - cho biết, kể từ giữa tháng Ba, khi tàu ​​USS Theodore Roosevelt về đảo Guam, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã quấy rối máy bay do thám của Mỹ “ít nhất 9 lần” ở Biển Đông. Các hành vi khiêu khích của Bắc Kinh không chỉ giới hạn trên bầu trời.

Ông Werner cũng đề cập đến vụ quấy rối tàu khu trục tên lửa đạn đạo USS Mustin hồi tháng trước khi tàu này gặp nhóm tàu tấn công, hộ vệ trong biên đội của tàu sân bay Trung Quốc trên Biển Đông. Một tàu hộ vệ của Trung Quốc đã di chuyển “một cách thiếu chuyên nghiệp và không an toàn” gần tàu Mỹ.

Ông Werner cho biết, các cuộc “đối đầu” gần đây giữa quân đội Trung Quốc và Mỹ trước đó chưa từng được báo cáo. Đây là một xu hướng rất đáng lo ngại.

Chính phủ Mỹ đã gửi khiếu nại chính thức cho Trung Quốc về “các tương tác không an toàn” ở Biển Đông. Ông Werner nói thêm, Trung Quốc cũng tăng cường quấy rối các đồng minh của Mỹ trong khu vực, trong đó có các quốc gia ASEAN, khi cả thế giới đang phải tập trung chống dịch.

Tuần trước, hải quân Mỹ đã phái tàu chiến đấu duyên hải Gabrielle Giffords đến gần một giàn khoan dầu khí ngoài khơi Malaysia sau khi nơi này bị tàu nghiên cứu và các tàu chiến khác của Trung Quốc quấy rối.

Mặc dù Trung Quốc đã thảo luận với các thành viên ASEAN về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), các quan chức quân sự Mỹ vẫn nghi ngờ về sự chân thành của Bắc Kinh tại các cuộc đàm phán.

Ông Werner nói, “họ tiếp tục đe dọa và bắt nạt các nước khác”, vi phạm các cam kết của mình trong quá khứ, bao gồm cả cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Nhà Trắng năm 2015, rằng Trung Quốc không quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Ông Werner cho biết, trong 5 năm qua các đội tàu đánh cá của Trung Quốc bắt đầu hướng xa hơn về phía Nam, xuống đến quần đảo Natuna gần Malaysia và Indonesia.

Sau khi tàu sân bay Theodore Roosevelt vắng mặt, hải quân Mỹ đã gửi thêm tàu ​​chiến đến Biển Đông và không quân đã điều máy bay ném bom B-1 đến khu vực này. Tàu tấn công đổ bộ của Mỹ mới đây cũng tham gia hoạt động ở Biển Đông cùng tàu tuần dương tên lửa đạn đạo Bunker Hill thuộc nhóm tấn công TR và tàu khu trục của Úc.

Khi được hỏi liệu Lầu Năm Góc có ủng hộ kế hoạch của dân biểu Mac Thornberrys - ra mắt một quỹ mới chống Trung Quốc có giá trị 6 tỷ USD mỗi năm hay không, tương tự như Sáng kiến ​​Răn đe Châu Âu được lập năm 2014 để chống lại Nga, ông Werner nói, Lầu Năm Góc đang thảo luận về vấn đề này.

Quế Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI