Nền quốc phòng Nhật Bản trỗi dậy giữa căng thẳng Mỹ - Trung

18/05/2020 - 06:00

PNO - Nhật Bản đang âm thầm nổi lên như một đối trọng đáng gờm của Trung Quốc trong hệ thống quân sự ở châu Á.

Giữa lúc hai nền kinh tế lớn trên thế giới là Mỹ và Trung Quốc gia tăng căng thẳng, thay nhau đổ lỗi về nguồn gốc SARS-CoV-2, Nhật Bản lại âm thầm nổi lên như một đối trọng đáng gờm của Trung Quốc trong hệ thống quân sự ở châu Á.

Tháng 4/2020, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng lớn nhất ở nước này kể từ Thế chiến II, mọi sự chú ý đổ dồn vào tình hình căng thẳng, sự lây lan rộng của vi-rút Corona tại đây. Chính điều này khiến thế giới lại bỏ sót chi tiết quan trọng: lần đầu tiên, Quốc hội Nhật Bản phê duyệt ngân sách quốc phòng cực lớn, trị giá 46,3 tỷ USD.

Tàu Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ trong cuộc tập trận Malabar 2015
Tàu Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ trong cuộc tập trận Malabar 2015

Gói ngân sách này sẽ giúp Nhật triển khai, nâng cấp các tàu sân bay, cho phép mang theo máy bay chiến đấu tàng hình F-35B (do tập đoàn Mỹ Lockheed Martin chế tạo) và phát triển đầy đủ các loại tên lửa chống hạm mới.

Việc Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng được xem là điều khá bất ngờ bởi trước đây, việc chi tiêu chủ yếu nhằm chống lại các mối đe dọa hạt nhân của nước láng giềng Triều Tiên. Theo những người trong quân đội Nhật Bản chia sẻ với Asia Times, việc Trung Quốc ngày càng bành trướng thế lực và quyết liệt hơn trong khu vực là lý do chính khiến chính phủ tăng đầu tư nguồn lực cho quốc phòng. “Mối quan tâm chính là Trung Quốc, không phải Triều Tiên” - một quan chức Nhật Bản yêu cầu giấu tên, cho biết.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích chiến lược đang lo ngại những bất đồng, tranh cãi dai dẳng về nguồn gốc COVID-19 cùng những hành động ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc gây nguy cơ tạo nên một cuộc xung đột vũ trang. Sự tiến bộ quân sự của Nhật Bản cùng những trợ giúp mà Nhật có thể cung cấp cho Mỹ trong bất kỳ kịch bản xung đột tiềm tàng nào sẽ có khả năng tác động không nhỏ đến tính toán của Trung Quốc. 

Hiện Nhật Bản đang phát triển tên lửa hành trình siêu vượt âm thế hệ mới mang tên Hypersonic Cruising Missile (HCM) với những thiết kế chuyên biệt để chống lại các thiết bị quân sự tối tân của Trung Quốc, bao gồm cả tàu sân bay.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng chú trọng củng cố năng lực hải quân, cho phép triển khai các biện pháp giám sát từ xa, ngăn chặn các lực lượng thù địch xâm phạm lãnh hải nếu có xung đột xảy ra. Một số nhà quan sát tin rằng, hải quân Nhật Bản hiện vượt trội hơn bất kỳ lực lượng nào ở Thái Bình Dương, kể cả Trung Quốc.

Cùng với đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) từ lúc được thành lập (năm 1954) đã âm thầm phát triển thành một trong những quân đội hùng mạnh bậc nhất thế giới, với gần 250.000 thành viên, được trang bị vũ khí và công nghệ mới nhất chủ yếu từ Mỹ.
Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Nhật Bản hiện có ngân sách quân sự lớn thứ tám thế giới, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Ả rập Saudi, Pháp, Đức và Vương quốc Anh. Dự báo, ngân sách Nhật Bản chi tiêu cho quốc phòng sẽ tăng lên 48,4 tỷ USD trong năm 2021 và tăng tiếp lên 56,7 tỷ USD vào năm 2024.

Những năm qua, Tokyo tăng cường phối hợp các chính sách quốc phòng với Mỹ và Ấn Độ, hai quốc gia cũng đang lo lắng không kém về tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Kể từ năm 2015, cuộc tập trận chung Malabar giữa Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ một mặt chứng tỏ tiềm lực hải quân, đồng thời gửi gắm thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc vào thời điểm Bắc Kinh mở rộng phạm vi hoạt động của mình ở Ấn Độ Dương. 

Chung Thu Hương (theo Asia Times)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI