Tăng cường mối quan hệ giữa hiệu trưởng và chuyên viên tư vấn tâm lý học đường

24/08/2023 - 19:13

PNO - Đây là một trong những giải pháp được đưa ra tại Hội thảo “Tăng cường các giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường” do Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục TPHCM tổ chức ngày 24/8.

Sau đại dịch COVID-19 và trong bối cảnh chuyển đổi số, nhu cầu tư vấn tâm lý ở các trường phổ thông ngày càng trở nên cấp thiết nhưng vẫn tồn tại không ít khó khăn. Tại hội thảo, nhiều ý kiến và giải pháp đã được đưa ra nhằm hướng đến phát huy tốt nhất công tác tư vấn và chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường. 

Hội thảo đã đón tiếp 134 đại biểu là các nhà khoa học, quản lý, nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy Tâm lý học, Giáo dục học, Công tác xã hội.. .cùng các sinh viên đến dự và chia sẻ.
Có hơn 130 đại biểu là các nhà khoa học, quản lý, nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy tâm lý học, giáo dục học, công tác xã hội... và các sinh viên đã đến tham dự chương trình

Theo ông Ngô Minh Uy - Giám đốc Trung tâm Tâm lý chuyên nghiệp WELink, cần phải đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa chuyên viên và hiệu trưởng. Việc này sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động của chuyên viên tư vấn; chuyên viên có thể tham gia vào các nhóm lãnh đạo trường học, từ đó tạo sự tin tưởng, tôn trọng và hướng đến tầm nhìn chung là sự thành công của học sinh. Để làm được điều này, chuyên viên và hiệu trưởng cần tăng cường phát triển sự hợp tác, giao tiếp, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.

Thạc sĩ tâm lý Đoàn Bắc Việt Trân đề xuất các trường cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, bệnh viện. Khi phát hiện các vấn đề tâm lý nằm ngoài khả năng tư vấn, chuyên viên và nhà trường cần hỗ trợ phụ huynh đưa các em đến nơi chuyên trách về tâm lý lâm sàng để kiểm tra, đưa ra liệu pháp tốt nhất cho việc phục hồi sức khỏe tâm lý của các em. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa chuyên viên, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh cũng cần được quan tâm.

Các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp và kiến nghị nhằm phát huy tối đa vai trò của công tác tư vấn tâm lý học đường
Các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp và kiến nghị nhằm phát huy tối đa vai trò của công tác tư vấn tâm lý học đường

Trước tình trạng công việc tư vấn tâm lý diễn ra chưa đồng nhất giữa các nơi, các  chuyên viên thường nghĩ sao làm vậy, bà Nguyễn Thị Hồng Thúy - nguyên Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Tâm thần TPHCM - đề xuất cần có một công việc cụ thể, làm cái gì và làm như thế nào cho chuyên viên tâm lý làm công tác tại trường học. Đồng thời, đề xuất một tư cách pháp nhân cho những cá nhân này để họ yên tâm làm việc. 

Thạc sĩ Vũ Thị Nga - chuyên viên tư vấn tại trường THPT Yersin (Đà Lạt) - cho rằng “nếu học sinh không thể học theo cách mình dạy thì hãy dạy theo cách mà học sinh có thể học”. Có nghĩa là thầy cô nên hướng dẫn học sinh sử dụng chính mình, giúp các em tự nhận diện, gọi tên vấn đề của bản thân và tìm cách ứng phó. 

Nhiều ý kiến cũng yêu cầu nên có quy định rõ ràng về giờ làm việc, khung làm việc cho chuyên viên tâm lý để đảm bảo công việc diễn ra một cách tốt nhất. Đặc biệt, những người làm công tác tâm lý nên hạn chế việc dán nhãn "bệnh'' hay "không bệnh" cho học sinh khi chưa thực hiện đánh giá chuyên sâu bằng những công cụ chuẩn xác nhất.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI