Tan hoang vì bão lũ

16/10/2013 - 07:14

PNO - PN - Hội An, bão tan, hoang tàn xơ xác. Cây, bảng hiệu, đèn đường, dây điện ngã đổ kéo dài từ đầu phố cổ đến tận vùng Cửa Đại sát biển, dọc ra bờ biển các xã Điện Dương, Điện Ngọc, Điện Nam (huyện Điện Bàn). Giao thông...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tan hoang vi bao lu

Phố cổ Bao Vinh (Huế) ngập trong biển nước

Các khách sạn dọc đường Cửa Đại vắng tanh vì trước đó đã sơ tán gần 2.000 khách lưu trú. Nhiều nhà ven đường này chỉ còn bộ khung tả tơi. Tại khu vực đồn biên phòng Cửa Đại, sóng xé đôi bờ kè dài, hình thành cả một cồn đất mới. Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch TP. Hội An nói: “Kinh hoàng! Đến 4g sáng, bỗng nhiên gió im. Nhưng đó là mắt bão chuẩn bị áp sát. Sau đó là dữ dội, kéo dài đến hơn 9g mới tạm yên. Cũng may chúng tôi đã đề phòng kỹ nên không có người chết”. Phải nhiều ngày nữa, hệ thống điện tại Hội An mới được khôi phục. Chiều tối 15/10, Hội An phải di dời khẩn cấp thêm 1.500 hộ vì nước lũ dâng cao.

Tại Điện Bàn, 250 nhà bị sập, chủ yếu ở Điện Dương và Điện Ngọc, phần lớn là nhà tạm, vì nằm trong vùng dự án không được sửa chữa làm mới. Trước đó, chính quyền địa phương đã di dời toàn bộ dân. Ông Nguyễn Tấn Thanh, thôn 2, xã Điện Ngọc nói: “Còn chi nữa đâu! Không biết lấy chỗ mô mà núp qua ngày đây”.

Các địa phương khác trong tỉnh cũng bị ngã đổ cây, ách tắc giao thông, thiệt hại nặng về hoa màu. Hệ thống đường điện, viễn thông bị tê liệt. Đến chiều tối ngày 15/10, chỉ có TP. Tam Kỳ là có điện cục bộ. Theo Công ty Cao su Quảng Nam, diện tích cao su bị gãy lên đến 300 ha. Tại Đại Lộc, bão làm ngã sập trụ ăng ten cao 40m của đài truyền thanh huyện, các thiết bị ăng ten phát hình và sóng phát thanh FM hư hỏng hoàn toàn. Cảnh hỗn độn hiện ra khắp ngõ, xóm. Đứng trước ngôi nhà chỉ còn bốn bức tường, bà Phạm Thị Xuân ở thôn Mỹ Liên (xã Đại Nghĩa) giọng chưa hết kinh hoàng: “Khoảng hơn 5g sáng, tôi nghe cái rào, rứa là mấy cây đòn tay cõng toàn bộ mái nhà bay mất”.

Tan hoang vi bao lu

Trụ ăng ten bị đánh gãy hoàn toàn

Bão chưa tan thì lũ tới. Các thủy điện Đăk Mi 4 và A Vương xả lũ khiến vùng Hội An bị ngập, lại giữa lúc triều cường ở đây đang rất cao. Vùng Tam Kỳ, chiều ngày 15, nước đã băng qua QL 1A. Các xã vùng thấp các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên nước đã lên gần đến đường huyện lộ, tỉnh lộ. Ngập nặng nhất là vùng Đại Lộc ven sông Vu Gia. Nước lên đến báo động 2, dự báo trong đêm 15, sẽ lên báo động 3. Tại vùng Điện Bàn nước đang lên nhưng việc thông báo cho dân biết rất khó khăn vì hệ thống truyền thanh tê liệt do không có điện.

Phường Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng là nơi đón nhận tâm bão, bị thiệt hại nặng nề. Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND phường, trên địa bàn có hơn 200 căn nhà bị tốc mái. Gia đình bà Nguyễn Thị Dai (SN 1953, trú tổ 6, P.Hòa Hiệp Bắc) vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại giây phút cả mái nhà bị gió bốc lên. Bà Dai nói, căn nhà kiên cố vừa xây xong, mái tôn lợp rất chắc chắn. Khi nghe tin bão vào, bà Dai còn thuê người chằng chống lại cẩn thận, vậy mà... “Đến 6g sáng, qua cả đêm gió lớn mà căn nhà vẫn không sao, chúng tôi yên tâm chợp mắt sau một đêm thức trắng. Bảy giờ, chúng tôi nghe tiếng mái tôn kêu loạn xạ. Căn nhà chợt bừng sáng, mưa ướt dầm dề, mái tôn bị tốc hoàn toàn bay lên cây cổ thụ trước nhà. Tôi cùng các con bỏ chạy tán loạn sang nhà hàng xóm ẩn nấp”, bà Dai kể.

Cả ngày 15/10, vợ chồng ông Phạm Văn Thanh (SN 1950) và bà Đặng Thị Sáu (SN 1954, trú tổ 3, P.Hòa Hiệp Bắc) khóc ngất vì toàn bộ tài sản đã bị bão tàn phá. Ông Thanh cho biết, tối 14/10, vợ chồng ông được di tản đến nơi an toàn. Đến khoảng 8g sáng 15/10, hàng xóm thông báo, căn nhà của ông bị tốc mái nên vội vã trở về. Toàn bộ tài sản trong nhà bị ướt, hư hại hoàn toàn. “Tôi nghe kể gió cuốn mái nhà khoảng 6g45 sáng. Mấy tấm lợp bị gió quật bay tận sang bên kia đường. May mà vợ chồng tôi được di tản, không thì không biết chuyện gì xảy ra. Đêm nay, chúng tôi lại phải ra phường ẩn nấp. Không biết sau bão chúng tôi phải sống sao nữa”, bà Sáu khóc nói.

Tại P.Xuân Hà, Q.Thanh Khê, hàng chục gia đình cũng lâm cảnh màn trời chiếu đất. Phường nằm sát bờ biển nên bị gió bão đánh dữ dội. Bà Huỳnh Thị Thu Hoa (tổ 15) nhớ lại: “Bão đổ bộ, nằm trong nhà chúng tôi nghe tiếng gió rít cả đêm. Mọi người đều không ngủ được nên tập trung ở tầng một. Đến 5g30, gió đánh mạnh ầm ầm. Chúng tôi đang ngồi thì nghe tiếng đổ sập trên tầng hai. Toàn bộ mái nhà đã bị bão thổi bay, đồ đạc, áo quần bị mưa ướt sạch, hư hại hết. May mà người ở tầng dưới, nếu không, không biết chuyện gì xảy ra”.

Tan hoang vi bao lu

Sân nhà một hộ dân bị sóng đánh dạt xuống biển

Không chỉ gây thiệt hại cho người dân, bão số 11 còn làm tuyến bờ biển thuộc P.Hòa Hiệp Bắc bị sạt lở nghiêm trọng. Tại tổ 3, P.Hòa Hiệp Bắc, tám hộ dân với 40 nhân khẩu đang sống trong sợ hãi. Anh Hoàng Anh Đông (SN 1978) cho biết, trong cơn bão số 10, sóng đã đánh sạt bờ biển sâu vào đất liền gần 5m. Bão số 11 lại khoét sâu thêm 10m. Hiện, bờ biển chỉ còn cách chân móng nhà của tám hộ dân khoảng 5m. “Nếu có thêm một cơn bão nữa, chắc chắn nhà cửa chúng tôi sẽ bị đánh sập xuống biển. Chúng tôi rất cần được bố trí nơi ở mới, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng và tài sản”, anh Đông nói.

Theo anh Đông, trước đây khu vực này không xảy ra tình trạng sạt lở, nhưng từ khi có đoạn đê biển chắn sóng cho Tổng kho xăng dầu Petrolimex Liên Chiểu, hiện tượng này mới xảy ra. Chiều 15/10, tại cuộc họp khẩn của Ủy ban Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã đề nghị các tỉnh tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân. Ông Phát cũng yêu cầu các tỉnh không được lơ là, chủ quan vì sẽ có lũ lớn xảy ra sau bão.

Tại Thừa Thiên-Huế, từ sáng 14/10, các tuyến đường đi thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền đã bị ngập sâu từ 1 - 1,5m. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB huyện, đã có ba người bị thương; toàn huyện có gần 200 nhà bị tốc mái, hư hỏng, trong đó nhiều nhà sập đổ hoàn toàn. Nhiều vùng thấp trũng như Quảng Phước, Quảng Thành, Quảng An bị ngập sâu từ 1 - 2m, cá biệt có tuyến đường dẫn vào khu dân cư ngập sâu 2 - 3m, nên giao thông rất khó khăn, người dân phải di chuyển bằng thuyền.

Tan hoang vi bao lu

"Không biết lấy chỗ mô mà núp qua ngày đây?" (Ảnh chụp tại Quảng Nam)

Tại các thôn Mai Dương, Khuôn Phò, Thủ Lễ, Phước Lập của xã Quảng Phước, địa phương bị ngập sâu nhất của huyện Quảng Điền, theo ghi nhận của chúng tôi, sáng 15/10, giao thông gần như tê liệt. Ông Lê Đức Ưa - Chủ tịch UBND xã Quảng Phước cho biết, toàn xã có 60 căn nhà bị tốc mái, ngập sâu. Nhiều nhà ở các thôn Mai Dương, Phước Lâm, Phước Lý... bị ngập sâu từ 1 - 2m, chia cắt hoàn toàn với bên ngoài.

Sau hơn một tiếng lội vào khu vực thôn Khuôn Phò, xã Quảng Phước, chúng tôi chứng kiến cảnh bà con xóm Rào đang cùng chằng chống nhà cửa. Do trước mặt thôn là sông Diên Hồng nên nhiều con đường trong thôn bị ngập ngang bụng, việc đi lại rất khó khăn. Ở khu vực xóm Rào, nước lũ ngày một dâng cao, gió lớn, bà con rất khó đi lại. Do nước sông Diên Hồng đang trên mức báo động 3, kết hợp với hoàn lưu bão, nên xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền có bốn thôn bị cô lập do bão và lũ, nặng nhất là thôn Mai Dương, đến ca nô và ghe lớn cũng không thể tiếp cận được vì nước lớn, sóng to.

Tan hoang vi bao lu

Cây ngã đổ la liệt trên nhiều tuyến phố ở Đà Nẵng

Ông Nguyễn Khôi, trưởng thôn, cho biết 240 hộ dân thôn Mai Dương bị cô lập do bão và lũ từ hai ngày nay, chỉ tận dụng nguồn lương thực và nước uống dự trữ. Sau bão, theo thống kê chưa đầy đủ cả thôn có 13 nhà tốc mái. Chị Hồ Thị Phượng nhà ở thôn Khuôn Phò cho biết: “Tui ở đây gần 30 năm rồi mà chưa khi mô phải đối diện vừa bão số 11 vừa lũ kép như ri. Cả ba mẹ con đều là nữ, ở nhà lo quá. Chừ mái tôn trước nhà gió bão sắp cuốn đi cả rồi, mà chồng đi phụ hồ chưa về kịp, không biết lũ kéo dài ri mấy mẹ con phải sống ra sao”.

Tính đến lúc này, các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã có 25 người bị thương, bốn người chết, ba người mất tích do bão số 11.

 TRUNG VIỆT - ĐÌNH THỨC - THUẬN HÓA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI