Tại sao chùm ca bệnh ở Bình Dương không ăn pate chay vẫn ngộ độc Botulinum?

02/04/2021 - 11:27

PNO - Thời gian qua nhiều người yếu liệt tay chân, sụp mi mắt,... thậm chí tử vong do trúng độc Botulinum, bác sĩ chỉ cách đơn giản để nhận biết và phòng tránh.

Không chỉ pate chay, các loại thực phẩm đóng hộp, hút chân không, quấn ni lông,... nếu bị phồng, biến dạng phải vứt bỏ ngay mặc dù còn hạn sử dụng (ảnh internet)
Không chỉ pate chay, các loại thực phẩm đóng hộp, hút chân không, quấn ni lông... nếu bị phồng, biến dạng phải vứt bỏ ngay mặc dù còn hạn sử dụng (ảnh minh họa).

Theo TS.BS. Vũ Đình Thắng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM, cảnh báo: "Nguy hiểm nhất là ai cũng lầm tưởng ăn pate chay mới bị ngộ độc Botulinum, kể cả người thân của những bệnh nhân ăn bún riêu chay ở Bình Dương đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Khi chúng tôi khai thác bệnh sử, món bún riêu chay mà các bệnh nhân đã ăn không sử dụng pate chay để chế biến nhưng có chả chay. Loại chả chay này được bảo quản bằng cách quấn bịch ni lông xung quanh, trong số đó có một cây chả bị phồng lên nhưng vẫn được sử dụng ăn kèm. Rất có thể cây chả chay này mới là nguyên nhân gây ngộ độc lần này".

Bác sĩ Thắng nói thêm, không phải pate chay mà tất cả các đồ hộp, thức ăn đóng gói, hút chân không, hay quấn kín bởi bịch ni lông,… khi bị phồng lên đều có nguy cơ nhiễm độc tố Botulinum. Lúc này, mọi người nên vứt bỏ ngay chứ đừng đợi thức ăn đổi màu, thay vị, tuy nhiên phần lớn người dân vô tình, tiếc thức ăn, hay chủ quan đã cố gắng ăn nên trúng độc.

Về vấn đề này, có lần bác sĩ Thắng cũng từng làm khảo sát với người xung quanh khi mang một hộp thức ăn bị phồng, biến dạng hỏi có ăn được không, gần như ai cũng đồng ý ăn được, bởi cho rằng hộp đồ ăn còn hạn sử dụng chứ không quan tâm chúng bị phồng khá lớn.

Tính đến hiện tại, thuốc giải độc tố Botulinum tại Việt Nam đã hết
Tính đến hiện tại, thuốc giải độc tố Botulinum tại Việt Nam đã hết

Thêm phần hiện nay, trên thị trường bán các dụng cụ, túi hút chân không tại nhà nên tâm lý của mọi người lại nghĩ khi hút chân không rau củ, thịt, cá… sẽ bảo quản được lâu hơn. Ít ai nghĩ đến chuyện nếu chẳng may, chúng theo thức ăn vào trong túi, khi hút chân không và bảo quản sai cách, vi khuẩn yếm khí sẽ sinh sôi và tạo ra độc tố Botulinum. 

Bác sĩ Thắng nói thêm: “Có rất nhiều người dùng hút chân không bảo quản thức ăn nhưng vì sao không trúng độc? Bởi nếu được nấu trong nhiệt độ trên 1000C trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, độc tố Botulinum sẽ mất đi hiệu lực. Nhưng nếu ăn sống thì hậu quả khó lường. Trường hợp của các bệnh nhân nhiễm Botulinum ở Bình Dương, cây chả bị phồng không được nấu kỹ mà chỉ cắt lát, để lên trên tô bún rồi chan nước dùng lên. Đây là nguyên nhân được nghĩ đến nhiều nhất bởi có đủ các yếu tố nghi ngờ. 

Ngoài việc đóng gói đảm bảo vệ sinh, vô trùng thì việc hút chân không phải có chất bảo quản Nitri để ức chế sự phân hủy của vi khuẩn gây độc tố Botulinum, nhất là trong đồ hộp, thịt nguội, xúc xích, pate… Tuy nhiên, hiện nay người dân có tâm lý sợ ung thư nên không cho chất bảo quản vào khi hút chân không sẽ rất nguy hiểm”.

Tốt nhất, người dân không tự đóng gói, hút chân không mà nên sử dụng đồ ăn tươi mới, bảo quan tủ lạnh trong thời gian quy định để đảm bảo an toàn.

Nếu thấy những sản phẩm đóng hộp, đóng bao ni lông, hút chân không… bị phồng, màu sắc, mùi vị thay đổi thì phải bỏ ngay, tuyệt đối không sử dụng. Không may, nếu vẫn sử dụng những sản phẩm đóng kín sau khoảng 24 đến 48 tiếng có cảm giác buồn nôn, chóng mặt, khó mở mắt, nhìn một hóa hai, nói khó… lập tức phải nhập viện. Đồng thời, báo ngay với bác sĩ để rút ngắn thời gian chẩn đoán, hoặc không bị chẩn đoán điều trị nhầm. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI