Sự thật tượng cổ mặc vest, ngồi tư thế lạ

18/11/2016 - 06:30

PNO - Bức tượng có dáng ngồi thiền nhưng lại mặc vest, áo sơ mi, thắt cà vạt có thể chỉ là do một dòng tộc nào đó tạc ra để thờ cúng.

Chiều ngày 17/11, khi chứng kiến bức tượng được ông Nguyễn Trọng Thái (ngụ xã Quảng Phú, TP. Thanh Hóa) phát hiện lúc đào vuông tôm, TS. Nguyễn Gia Đối - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam không khỏi bất ngờ.

Theo nhận định của ông Đối, đây không phải là bức tượng cổ như nhiều người đang nghĩ. Trong lịch sử văn hóa Phật giáo, không có bức tượng nào lại mặc vest, thắt cà vạt. Ngoài ra, các nền văn hóa cũng không ghi nhận hình tượng nào giống như bức tượng mà gia đình ông Thái phát hiện.

Su that tuong co mac vest, ngoi tu the la
Pho tượng được gia đình ông Thái phát hiện khi múc đất ngăn đầm nuôi tôm (Ảnh NLĐ).

"Đây có thể chỉ là hình tượng cá nhân nào đó được dòng tộc tạc để tiện thờ cúng hoặc trưng bày. Xem qua ảnh thì có thể bức tượng chỉ có niên đại 200 năm chứ không thể hơn được", ông Đối cho biết.

Ông Đối nói thêm: "Thanh Hóa cũng là một trong những nơi có lịch sử phát triển lâu đời ở Việt Nam. Người dân xứ Thanh rất khéo tay, họ có thể đúc được cả trống đồng thì bức tượng này họ cũng hoàn toàn có thể làm ra được".

Cùng ngày, ông Hồ Tuấn Minh - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cùng đoàn công tác đã xuống trực tiếp nhà văn hóa thôn 2, xã Quảng Phú để khảo nghiệm bức tượng đang khiến người dân trong vùng quan tâm.

Ông Minh cho biết: "Khi chúng tôi xuống kiểm tra, ghi nhận bức tượng làm bằng gỗ bên ngoài sơn màu vàng. Lớp sơn xung quanh bức tượng đã bong tróc nham nhở, mắt tượng được làm bằng nhựa trắng bình thường".

Từ đó, ông Minh cũng có cùng nhận định với TS. Nguyễn Gia Đối rằng bức tượng chỉ là hình tượng của một dòng tộc nào đó tạc ra. "Bức tượng được khai phá gần vuông tôm, gần khu vực sông Mã nên chúng tôi nhận định có thể một dòng họ nào đó đã "làm mát" bằng cách thả bức tượng trôi sông. Qua thời gian, bức tượng này trôi dạt vào vùng đất nhà ông Thái, được phù gia bồi đắp lấp đi" - ông  Minh cho hay.

Su that tuong co mac vest, ngoi tu the la
Cận cảnh bức tượng nhiều người đến chiêm bái (Ảnh NLĐ).

Ông Minh khẳng định, bức tượng này không có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử. Cũng khó có thể khẳng định bức tượng có niên đại hàng trăm năm như người dân đang đồn thổi. Sau khi kiểm tra xong, đoàn chức năng đã bàn giao lại bức tượng cho ông Nguyễn Trọng Thái - người phát hiện ra bức tượng toàn quyền xử lý.

Trong khi đó, ông Thái cho biết, kể từ hôm phát hiện ra bức tượng (8/11), nhiều người dân quanh vùng đã tìm đến thắp hương khấn vái. Ai cũng nói: "Đôi mắt của ngài nhìn theo chúng tôi".

Các cụ cao tuổi trong làng có nói bức tượng này không phải bình thường đâu vì địa phương cũng nằm trên phần đất có lịch sử lâu đời, có nền văn hóa cổ đại phát triển. Mọi người muốn giữ lại ở địa phương để thờ cúng, mỗi người có dịp đi về thắp cho "cụ" nén hương.

Ông Thái có nguyện vọng bàn giao lại bức tượng cho cơ quan nhà nước nếu có ích cho việc nghiên cứu lịch sử văn hóa. Nếu không, ông Thái sẽ giữ lại, đem về vuông tôm dựng để mọi người đến chiêm bái.

Đông Tẩu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI