 |
Hệ thống dây điện chằng chịt treo lơ lửng trong chung cư 137 Lý Thường Kiệt |
Nỗi lo cháy rình rập
Cư dân chung cư Bàu Cát 1 (phường Tân Bình) luôn lo lắng về nguy cơ cháy nổ. Theo ghi nhận, mỗi tòa nhà (block) chung cư đều có cầu thang bộ lên xuống nhưng hệ thống phòng cháy, chữa cháy (PCCC) lại gần như tê liệt. Đường ống nước chữa cháy bám đầy bụi bẩn, bảng tiêu lệnh đặt ở chân cầu thang hoen gỉ theo thời gian, trong khi hệ thống dây điện do người dân tự kéo và đấu nối lại chằng chịt, nguy cơ chập mạch, xẹt lửa bất cứ lúc nào.
Đặc biệt, chân cầu thang bị tận dụng làm chỗ để xe máy khiến lối thoát hiểm bị thu hẹp đáng kể. Cửa lên sân thượng ở các tòa đều bị khóa, trong khi hầu hết đều lắp khung sắt cố định ở ban công căn hộ để chống trộm.
Cư dân Nguyễn Trần Mai Hiên nói: “Sống ở đây 4-5 năm rồi nhưng mãi đến năm ngoái, tôi mới thấy người ta gắn bình chữa cháy, nhưng cũng chỉ để cho có. Nhà nào cũng cơi nới ban công, hàn khung sắt kiên cố. Một số hộ còn tận dụng ban công làm nơi chứa đồ, phơi quần áo nên càng khó thoát hiểm khi xảy ra sự cố”.
Cư dân Mai Thị Diệu Linh nói: “Đa số hộ hàn khung sắt để chống trộm, riêng nhà tôi bắt ốc vít để khi cần còn tháo ra được”. Bà cho biết, cách đây vài năm, một hộ dân trong chung cư này nấu thuốc rồi quên tắt bếp, khiến cả tòa nhà chìm trong khói mù, ai cũng hú vía.
Chung cư 137 Lý Thường Kiệt (phường Tân Sơn Nhất) đang xuống cấp trầm trọng: những mảng tường bong tróc, trần nhà thấm nước, hệ thống dây điện đen kịt bụi bẩn, giăng chằng chịt khắp nơi. Toàn bộ khu nhà chỉ có một lối ra vào duy nhất. Chung cư này đã được xếp cấp D (cấp nguy hiểm), cần di dời khẩn cấp từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Cư dân Trịnh Thị Phương Trang cho biết, lối thoát hiểm nằm ngay cầu thang nhưng nhiều hộ đem đồ đạc ra chất kín, thậm chí còn làm kho chứa hàng. Chung cư hiện chỉ còn khoảng 30 hộ sinh sống, số còn lại bỏ trống do quá xuống cấp. “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, mẹ già nằm một chỗ, chồng thất nghiệp. Nếu chưa thể di dời, tôi mong chính quyền sửa chữa tạm để sống an toàn hơn” - chị nói.
Được đưa vào sử dụng hơn 50 năm qua, chung cư Ngô Gia Tự (phường Vườn Lài) cũng xuống cấp nghiêm trọng, hành lang bị lấn chiếm để bày bàn ghế, chậu cây, vật dụng sinh hoạt khiến lối đi càng thêm chật hẹp. Hệ thống dây điện, cáp viễn thông giăng kín khắp các tầng, tạo thành mạng nhện chằng chịt, làm tăng nguy cơ chập cháy. Nhiều chiếu nghỉ ở cầu thang bị biến thành bếp nấu. Nhiều hộ cơi nới ban công bằng lưới B40, khung sắt, tạo thành các “chuồng cọp” kín bưng phía sau nhà.
Sống ở đây hơn 10 năm nay, bà Trúc Lý cho biết: “Mỗi tầng có lắp bình chữa cháy nhưng tôi chưa từng được hướng dẫn cách dùng, cũng chẳng thấy ai kiểm tra hay bảo trì. Nếu có cháy, tôi cũng không biết xoay xở ra sao. Ở đây không có hệ thống nước dập lửa, cũng không có đèn hay còi báo cháy”.
 |
Hệ thống dây điện chằng chịt treo lơ lửng trên đầu cư dân chung cư 137 Lý Thường Kiệt |
Nghiêm cấm cơi nới, cản trở lối thoát hiểm
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng - Phó giám đốc Công an TPHCM - cho biết, phần lớn chung cư cũ ở TPHCM được đưa vào sử dụng hơn 20 năm, đã xuống cấp nghiêm trọng cả về kết cấu kỹ thuật lẫn hệ thống PCCC. Thậm chí, có chung cư hư hỏng đến mức không thể tiếp tục sử dụng được.
Theo ông, công tác quản lý PCCC ở các chung cư cũ gặp nhiều khó khăn, trong đó có tình trạng thiếu hụt quỹ bảo trì và kinh phí cải tạo. Nhiều chủ đầu tư hoặc ban quản lý không có nguồn tài chính ổn định để duy trì, sửa chữa hệ thống PCCC, trong khi phần lớn cư dân không có điều kiện đóng góp. Tình trạng cơi nới, che chắn trái phép vẫn diễn ra phổ biến. Người dân tự ý mở rộng diện tích sinh hoạt, vô tình gây cản trở lối thoát hiểm và làm gia tăng nguy cơ cháy, nổ.
Ông cho hay, Công an TPHCM đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền về PCCC. Riêng từ đầu năm đến nay, công an đã phối hợp tổ chức 270 lớp huấn luyện PCCC với hơn 79.000 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, công an cũng triển khai phát hành tờ rơi, sử dụng loa truyền thanh và các kênh truyền thông đa phương tiện để đưa thông tin PCCC đến từng khu dân cư.
Theo ông, để đảm bảo an toàn, người dân cần hiểu rõ nguyên nhân gây ra cháy, cách cháy lan, chủ động kiểm soát nguồn nhiệt, nguồn lửa và các chất dễ cháy trong sinh hoạt hằng ngày.
Theo ông, việc cơi nới, che chắn trái phép gây cản trở đáng kể cho công tác cứu hộ khi xảy ra cháy. Ông khuyến cáo, người dân nên chủ động trang bị đồ dùng chữa cháy, duy trì lối thoát hiểm nơi ở và làm việc, xử lý các vật dụng dễ cháy như mạng nhện, bụi tích tụ, rèm, tranh ảnh, đồng thời tích cực tham gia các lớp huấn luyện, diễn tập PCCC do địa phương hoặc ban quản lý chung cư tổ chức.
Ông Bùi Xuân Thái - Phó chủ tịch Hiệp hội PCCC và Cứu nạn cứu hộ Việt Nam - cũng nhận định, nhiều chung cư cũ trên cả nước mất an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Các công trình này được xây dựng từ nhiều chục năm trước, không còn đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.
Hệ thống điện đã xuống cấp, thiết bị chữa cháy tại chỗ hư hỏng, hạ tầng giao thông phục vụ công tác chữa cháy và cứu hộ cũng chưa đảm bảo. Một vấn đề đáng lo ngại là hệ thống điện trong các chung cư cũ không đáp ứng được công suất sử dụng hiện tại. Dây dẫn, ổ cắm, công tắc đều đã cũ kỹ, dễ chập cháy. Do đó, cần khẩn trương kiểm tra, đánh giá tổng thể hệ thống điện, thay thế bằng vật tư đạt chuẩn, phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế của hộ dân.
Ông cho rằng, việc hàn, lắp khung sắt, lưới sắt để mở rộng diện tích và chống trộm vô tình làm mất đi lối thoát nạn trong tình huống khẩn cấp. Nếu không thể tháo dỡ hoàn toàn, người dân nên chủ động bố trí cửa thoát hiểm có kích thước phù hợp, có khóa và đặt chìa ở nơi dễ thấy, dễ sử dụng.
Ngoài ra, cần thường xuyên phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC và thoát nạn cho cư dân. Ông lưu ý, việc các hộ dân tự ý cải tạo hệ thống điện, gas dễ gây quá tải, chập cháy hoặc rò rỉ khí gas, dẫn đến tai nạn nghiêm trọng. Việc thiết kế, thi công cần tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật và phù hợp với kết cấu, nhu cầu sử dụng thực tế của từng chung cư.
 |
Nhiều hộ ở cư xá Độc Lập (phường Phú Thọ Hòa) cơi nới ban công thành “chuồng cọp” kín mít, khiến lối thoát hiểm gần như bị bịt kín |
4 giải pháp đảm bảo an toàn tại chung cư cũ Các chung cư cũ thường được xây dựng từ lâu, hệ thống PCCC không còn đáp ứng tiêu chuẩn hiện hành. Để đảm bảo an toàn phòng cháy, cứu nạn, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Bố trí lối thoát nạn hợp lý: Căn hộ cần có đủ 2 lối thoát nạn, gồm cửa chính và lối khẩn cấp ra ban công, cửa sổ, mái nhà. Tuyệt đối không để xe cộ, vật dụng cản trở hành lang, cầu thang thoát hiểm. Nếu có điều kiện, nên trang bị thiết bị cảnh báo cháy sớm, dây hạ chậm, mặt nạ phòng khói… Kiểm soát nguồn gây cháy: Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, thay thế thiết bị không đạt chuẩn. Quản lý an toàn các nguồn nhiệt như bếp, hương, hóa vàng. Đặc biệt, không sạc pin điện thoại, xe máy điện, đèn sạc qua đêm. Chủ động chữa cháy ban đầu: Mỗi hộ cần có ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay và tất cả thành viên (kể cả trẻ em) nên được hướng dẫn sử dụng bình thành thạo. Phát huy vai trò tổ liên gia PCCC: Tổ liên gia cần tập huấn thường xuyên, diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn tại chỗ, sẵn sàng hỗ trợ cư dân khi có sự cố xảy ra. Ông BÙI XUÂN THÁI - Phó chủ tịch Hiệp hội PCCC và Cứu nạn cứu hộ Việt Nam |
Thanh Tâm