Thấp thỏm chờ “nơi hoạt động”
Năm 2011, UBND thị xã Cửa Lò (nay là phường Cửa Lò) trình UBND tỉnh Nghệ An và Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm quản lý hoạt động xe điện 4 bánh để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách du lịch tại địa phương và được chấp thuận. Từ năm 2016, tỉnh Nghệ An đồng ý cho phép xây dựng quy chế quản lý xe điện từng năm một, với số lượng xe hoạt động là 558 chiếc.
 |
Cửa Lò hiện có 278 xe điện du lịch đang hoạt động - Ảnh: Phan Ngọc |
Cuối năm 2022, do không đủ điều kiện để đăng ký, đăng kiểm theo thông tư 86/2014 của Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) và thông tư 58/2020 của Bộ Công an nên xe điện du lịch ở Cửa Lò phải dừng hoạt động. Để hành nghề, hàng trăm chủ xe điện phải bán tháo xe với giá rẻ mạt rồi mua xe mới để chở khách.
Tháng 8/2023, có 278 xe điện, hầu hết là xe mới của người dân đăng ký, đăng kiểm và được phép hoạt động chở khách du lịch trở lại ở Cửa Lò. “Mỗi xe điện này mua mới tầm 250-300 triệu đồng. Những tưởng xe mới có đủ điều kiện lưu hành sẽ làm ăn được lâu dài. Ai ngờ chưa kịp hoàn vốn thì giờ lại có quy định mới, không biết sẽ như thế nào nữa” - ông Nguyễn Khánh Hồng (60 tuổi, trú phường Cửa Lò) buồn bã nói.
Mới đây, lực lượng CSGT địa bàn phối hợp với UBND phường Cửa Lò đã tổ chức buổi gặp gỡ các hộ kinh doanh xe điện, nhằm phổ biến quy định mới và ký cam kết chấp hành quy định về trật tự, an toàn giao thông. Theo Nghị định 165/2024 của Chính phủ, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ (thường gọi là xe điện du lịch) chỉ được phép hoạt động trên các tuyến đường có biển báo tốc độ khai thác tối đa 30km/giờ, áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện.
Theo ông Hồng, hiện ở Cửa Lò chưa có tuyến đường nào có đặt biển báo tốc độ dưới 30km/giờ để đáp ứng quy định trên. “Xe này tôi mới mua 300 triệu từ cuối mùa du lịch 2023 nên vẫn chưa hoàn vốn. Thực tế hoạt động du lịch tại Cửa Lò chỉ tập trung khoảng 3 tháng cao điểm mùa hè nên thu nhập từ xe điện không cao. Chỉ mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp hợp lý để chúng tôi yên tâm tiếp tục làm nghề” - ông Hồng nói.
 |
Ông Hồng thấp thỏm lo xe điện du lịch sẽ phải dừng hoạt động nếu không tìm được tuyến đường phù hợp để hoạt động - Ảnh: Phan Ngọc |
Ông Nguyễn Tiến Lợi - Phó giám đốc HTX Lữ hành du lịch Cửa Lò - cho biết, để quản lý và đưa xe điện vào quy củ, mới đây các chủ xe điện đã thành lập HTX Lữ hành du lịch Cửa Lò. HTX có nội quy hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, quy định về cách ứng xử với khách, mức giá cước chung để áp dụng cho toàn bộ các xã viên.
“Nếu dừng hoạt động xe điện thì người dân rất khó khăn, ngoài ra khách du lịch khi đến Cửa Lò cũng không có phương tiện để đi lại. Xe điện rất thuận lợi cho việc chở khách du lịch ở Cửa Lò so với xích lô hoặc xe taxi. Không chỉ để di chuyển, xe điện còn phù hợp để khách dạo chơi, ngắm cảnh, đi mua sắm theo đoàn” - ông Lợi nói.
Tuyến đường chính của Cửa Lò là đường Bình Minh, dài hơn 7km, chạy song song với bãi biển mới được nâng cấp, mở rộng năm 2024. Theo ông Lợi, đây là tuyến đường xe điện du lịch hoạt động nhiều nhất, bởi du khách thường lựa chọn xe điện để đi dạo, ngắm cảnh dọc bãi biển buổi tối.
“Tuyến đường này có 6 làn xe, chúng tôi nghĩ nếu không thể cắm biển báo 30km/giờ ở tuyến đường này thì có thể dành 2 làn xe cơ giới 2 bên cho xe điện. Thực tế tuyến đường này du khách đi lại rất nhiều nên hầu như phương tiện cũng không thể chạy nhanh được” - ông Lợi nói.
Tiếp tục nghiên cứu phương án
Trả lời về nội dung này tại Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Nghệ An hôm 9/7, ông Phạm Hồng Quang - Giám đốc Sở xây dựng tỉnh Nghệ An - cho biết, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp, trên cơ sở bám sát quy định của pháp luật và điều kiện thực tiễn tại địa phương để đề xuất giải pháp tối ưu nhất.
 |
Đường Bình Minh chạy song song với bãi biển Cửa Lò được du khách lựa chọn đi dạo, ngắm cảnh bằng xe điện du lịch - Ảnh: Phan Ngọc |
Qua rà soát, khó khăn vướng mắc đối với xe điện hoạt động ở phường Cửa Lò là việc lựa chọn tuyến đường để cắm biển báo tốc độ khai thác tối đa 30km/giờ, vì sẽ ảnh hưởng đến những phương tiện khác.
“Nếu cắm biển 30km/giờ trên đường Bình Minh thì sẽ gây ùn tắc giao thông. Còn nếu làm một làn đường riêng để xe điện chạy thì cũng rất khó bố trí. Sở sẽ phối hợp với lãnh đạo phường Cửa Lò, cơ quan chức năng để đưa ra giải pháp tối ưu nhất” - ông Phạm Hồng Quang nói.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị Sở Xây dựng cùng các sở, ngành và địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu, tháo gỡ vướng mắc đối với hoạt động xe điện tại Cửa Lò, đảm bảo vừa đúng quy định, vừa phù hợp với đặc thù của địa phương. Theo ông, các cơ quan chức năng cũng lưu ý cần tham khảo kinh nghiệm của một số địa phương có mô hình tương tự để có giải pháp linh hoạt, hiệu quả hơn.
Mới đây, tỉnh Thanh Hóa đã cắm biển giới hạn 30km/giờ trên 13 tuyến đường, đoạn đường ở phường Sầm Sơn để phù hợp với quy định cho 474 xe điện du lịch hoạt động 24/24. Sau mùa du lịch hè, các đơn vị liên quan sẽ tổng hợp, đánh giá hiệu quả thực hiện để tiếp tục hoàn thiện phương án tổ chức giao thông cho loại hình vận tải này.
Phan Ngọc