"Mệt quá thân ta này..."

13/07/2025 - 11:30

PNO - Tìm kiếm ý nghĩa trong những điều đơn giản đôi khi không tạo ra giá trị về kinh tế nhưng có thể mang lại những giá trị sâu sắc về mặt tinh thần.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Một trưa hè, chị nhắn tôi: “Dạo này, chị không còn thấy cuộc sống tự do, vui vẻ. Thậm chí, mới 1 năm trước, khi lâm bệnh nặng, chị vẫn cảm thấy hạnh phúc vì còn được sống. Giờ lành bệnh rồi, chị lại thấy mệt mỏi liên tục, kéo theo đó là tính tình nóng nảy, ai làm gì trái ý là cáu gắt ngay lập tức”.

Là bạn thân, từng đồng hành và chia sẻ với chị trong nhiều giai đoạn thăng trầm, có lẽ tôi biết được một phần nguyên nhân sự căng thẳng chị đang trải qua.

Chị đang tự rút cạn năng lượng và sự tươi vui của bản thân để hướng đến mục tiêu đảm bảo cho gia đình một cuộc sống đầy đủ ở hiện tại và cả trong tương lai. Tổng thu nhập của gia đình chị mỗi tháng dao động từ 25-30 triệu đồng. Ngoài chi phí dành cho những khoản cơ bản như ăn uống, điện nước, đi lại, học phí cho con, gia đình chị còn gánh khoản lãi ngân hàng.

Trước đây, anh chị từng vay tiền mua đất rừng, đất rẫy ở quê trồng cây, mở trang trại. Chị lý giải, khi dám bỏ ra khoản tiền lớn đầu tư, về già, vợ chồng chị sẽ có được lợi tức từ cây cối, chủ động cuộc sống mà không cần dựa dẫm, trông chờ vào con cái.

Ngoài ra, khoản tiền bảo hiểm nhân thọ hằng tháng phải đóng cho 2 đứa con đến khi chúng đủ 18 tuổi cũng ngốn một khoản kha khá. Số tiền tích lũy đó chính là “của để dành” tối ưu. Khi đủ thời gian, hợp đồng bảo hiểm sẽ hoàn cho các con chị một số tiền đủ lớn, tạo nền tảng tài chính vững vàng để các con khởi nghiệp hoặc học lên cao hơn.

Vì liệu tính xa xôi, vì những mục tiêu lớn lao trong tương lai, chị đã tự đẩy mình vào thế vắt kiệt bản thân ở hiện tại. Con chị bây giờ, đứa lớn nhất mới 9 tuổi, thế nên quãng đường gia đình chị phải chạy đua còn rất xa. Vợ chồng chị đều làm việc tự do, việc kiếm tiền phụ thuộc rất nhiều vào sự lên xuống của thị trường. Mới tháng này chuyện kinh doanh, buôn bán còn suôn sẻ, nhưng chắc gì tháng sau còn thuận lợi như dự tính.

Chưa kể, tình hình sức khỏe, nguồn năng lượng của mỗi người sẽ bị hao mòn theo thời gian khi phải gồng gánh quá nhiều trách nhiệm, áp lực trên vai. Năm 30 tuổi, dù bận rộn đến mấy ta vẫn thấy nhịp nhàng, phấn khởi nhưng đến năm 40 tuổi, sức khỏe tâm lý và thể chất sẽ không còn dồi dào, tươi mới.

Đi một chặng đường dài với những gánh nặng thì ai cũng mệt. Khi mệt, hãy dừng lại nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi không phải ù lì, bê trễ mà là để tái tạo sinh lực.

Tôi hỏi thêm: “Dạo này chị có yêu thích điều gì không? Em nhớ trước đây, chị thích cắm hoa, thích thời trang, thường xuyên ngẫu hứng cùng các loại phụ kiện. Chị còn thích đọc sách trước giờ đi ngủ không?”. Chị bảo, bây giờ, đến cả thú ăn ngon chị còn không quan tâm. Việc chế biến một món ăn chuẩn vị, cầu kỳ sẽ khiến chị cuống lên vì cảm giác hoang phí thời gian.

Lắng nghe lời chị, tôi nhớ đến tác phẩm Tôi nói gì khi nói về chạy bộ của tác giả Haruki Murakami. Trong cuốn tự truyện này, nhà văn đã chân thành thú nhận, điều tuyệt nhất của việc chạy bộ không phải là sự thỏa mãn hay hài lòng sau hành trình kỷ luật, kiên trì rèn luyện cả thể chất lẫn tinh thần để vượt qua giới hạn bản thân, mà là cảm giác được nghỉ ngơi sau một quãng đường dài.

Thông qua môn thể thao chạy bộ, tác giả truyền tải thông điệp về phương pháp giúp mỗi người đối mặt với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống để tìm thấy sự bình yên. “Tôi không phải chạy nữa, thật tuyệt” - câu nói nghe thật hài hước nhưng lại rất thuyết phục.

Tôi không khuyên chị từ bỏ những giấc mơ, mục tiêu to lớn chị đã đặt ra, theo đuổi suốt thời gian dài. Tuy nhiên, tôi mong chị chậm lại để yêu lấy những thói quen tích cực, những điều nhỏ bé quanh mình. Tìm kiếm ý nghĩa trong những điều đơn giản đôi khi không tạo ra giá trị về kinh tế nhưng có thể mang lại những giá trị sâu sắc về mặt tinh thần. Và chính sự thư thái, cân bằng đó giúp mỗi người có thêm sức mạnh để đi tiếp quãng đường dài hơn.

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI