Đừng khiến sân khấu “lạc đường” bằng sự dễ dãi

13/07/2025 - 18:59

PNO - Sân khấu TPHCM đang đối mặt với không ít khó khăn: thưa vắng khán giả, thiếu kinh phí, không gian biểu diễn eo hẹp, nghệ sĩ trẻ ít mặn mà… Trong bối cảnh ấy, việc vẫn còn những sân khấu sáng đèn, những vở diễn mới được dàn dựng là nỗ lực đáng trân trọng của những người bám trụ với sân khấu.

Lời khen dễ dãi: “cái bẫy” nguy hiểm

Xã hội, công chúng, thậm chí cả giới phê bình cũng chia sẻ với những nỗ lực này. Sự khắt khe khi đánh giá một vở diễn, vai diễn gần như đã nhường chỗ cho sự cảm thông và khích lệ. Những lời nhận xét, đánh giá ngày nay không chỉ căn cứ vào chất lượng nghệ thuật của vở diễn, mà còn cân nhắc đến tâm huyết, sự cố gắng và lòng yêu nghề của người làm sân khấu.

Lệ Chi Viên- Bí mật vườn Lệ Chi, tác phẩm không cần nhiều lời hoa mỹ nhưng vẫn nhận được công chúng đón nhận và yêu thích
Lệ Chi Viên - Bí mật vườn Lệ Chi, tác phẩm không cần nhiều lời hoa mỹ nhưng vẫn được công chúng đón nhận và yêu thích

Nhưng chính trong sự cảm thông ấy, người làm nghề lại càng cần phải tỉnh táo.

Giới phê bình, những người được xem là người phản ánh trung thực đời sống sân khấu, cần giữ cho mình một cái nhìn khách quan, trong sáng và xây dựng. Thương nghệ sĩ không có nghĩa là tô hồng mọi tác phẩm, diễn viên… và dành tặng những lời khen có cánh cho những vở diễn, vai diễn còn nhiều hạn chế. Bởi điều đó, vô hình trung, lại là sự tiếp tay cho sự “ảo tưởng” nghề nghiệp rất nguy hiểm: ảo tưởng về năng lực, tài năng và sự nỗ lực phấn đấu cần phải có.

Không ít trường hợp cho thấy, một số vở diễn dù không được đánh giá cao khi duyệt, thậm chí có vở từng tưởng như sẽ không được cấp phép, nhưng chỉ sau vài ngày chỉnh sửa đã bất ngờ nhận được lời tán dương như thể đó là tác phẩm đỉnh cao, như hiện tượng của sân khấu… Nhưng nếu đủ tỉnh táo, nhiều người sẽ nhận ra rằng vì đó là lời khen có cánh nên nó sẽ vụt bay rất nhanh!

Thương nghệ sĩ kiểu đó là hại nghệ sĩ. Nghệ sĩ khi được bọc trong những lớp vỏ khen ngợi quá mức sẽ rất dễ rơi vào trạng thái tự mãn, không còn thấy được những điểm yếu của chính mình và không kịp thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của khán giả.

Dễ dãi thoả hiệp sân khấu khó đi xa

Với nghệ sĩ, tỉnh táo là điều không thể thiếu. Không chỉ trước những lời khen, mà cả trước những bằng khen, giải thưởng. Nhiều năm qua, các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu vẫn thường khép lại với “cơn mưa” huy chương, bằng khen. Thế nhưng, rất hiếm trong số các tác phẩm ấy có đời sống thật sự lâu bền sau hội diễn. Rất hiếm hoi những vở diễn đủ sức lôi kéo khán giả đến rạp hay để lại ấn tượng đặc biệt cho người xem. Dựng vở, lãnh giải rồi… cất kho từ lâu đã là chuyện “thường ngày ở huyện”.

Một nghệ sĩ có tâm và có tầm là người biết nhìn rõ thực lực của mình qua dư luận, qua lời góp ý khen chê, qua phản ứng của khán giả. Họ không để bản thân bị ru ngủ trong những lời tung hô, không phản ứng gay gắt với lời góp ý, mà luôn tự hỏi: Mình đã chạm đến cảm xúc thật của khán giả chưa? Mình có khiến khán giả muốn quay lại sân khấu lần nữa không?

Bởi sau tất cả, không ai khác ngoài khán giả mới là những nhà phê bình công tâm và chính xác nhất. Họ có thể mua vé xem vì tin vào những lời quảng bá, những trích dẫn ngợi ca từ truyền thông. Nhưng nếu những gì họ nhận được không xứng đáng với kỳ vọng, họ sẽ mất lòng tin, không chỉ với sân khấu đó, mà có khi là với cả một lớp nghệ sĩ.

Làm nghệ thuật là hành trình dài, đòi hỏi người nghệ sĩ phải biết tỉnh táo lắng nghe cả những lời khen, chê. Nghệ thuật không thể được xây dựng từ những sự thỏa hiệp dễ dãi, những cú “bắt tay” với truyền thông để lăng xê, quảng bá không dựa trên chính thực lực của người làm nghề.

Muốn sân khấu sống được và sống khỏe thì cả người làm nghề lẫn những người có nhiệm vụ phản ánh đời sống sân khấu phải tỉnh táo. Sân khấu càng khó khăn, càng thưa vắng khán giả thì những giá trị thực chất càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Minh Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI