Chuẩn bị đầy đủ nhân sự cho năm học 2025-2026
Phóng viên: Thưa ông, với những đổi mới về mô hình hoạt động và địa giới hành chính, ngành GD-ĐT TPHCM sẽ được quản lý và vận hành ra sao?
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Việc sáp nhập địa giới hành chính và thực hiện chính quyền 2 cấp đã giúp tinh gọn bộ máy, tăng tính tập trung và hiệu quả trong công tác quản lý cho ngành GD-ĐT. Đồng thời rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính khi giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục.
 |
Ông Nguyễn Văn Hiếu |
“Sau hợp nhất, thành phố đặt mục tiêu trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á. Tầm nhìn trở thành trung tâm giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu ASEAN, phấn đấu đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045” - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu. |
Trong đó, Sở GD-ĐT sẽ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TPHCM, tiếp nhận nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc và các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ. Với nguyên tắc đảm bảo thông suốt, nâng cao hiệu quả điều hành và tối ưu hóa nguồn lực giáo dục, ngành đã chủ động đẩy nhanh tiến độ cập nhật dữ liệu toàn ngành, để hoạt động của các đơn vị sự nghiệp được liên tục, không bị gián đoạn, ảnh hưởng đến những nhiệm vụ đang thực hiện.
Kể từ tháng 7/2025, phòng GD-ĐT cấp quận, huyện không còn hoạt động. Nhằm đảm bảo sự ổn định, hiệu quả trong công tác quản lý giáo dục và quyền học tập của học sinh, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan đã được điều chỉnh phù hợp. Cụ thể, việc tiếp nhận và xử lý các thủ tục hành chính, thắc mắc liên quan đến giáo dục sẽ do UBND phường, xã tiếp nhận và giải quyết theo thẩm quyền.
Phụ huynh, học sinh cũng có thể nhận sự hỗ trợ trực tiếp từ các cơ sở giáo dục. Các trường tiểu học và THCS tiếp tục đóng vai trò là đầu mối thông tin quan trọng, có trách nhiệm hỗ trợ phụ huynh trong các vấn đề liên quan trực tiếp đến học sinh. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TPHCM luôn sẵn sàng hỗ trợ phụ huynh giải đáp các thắc mắc, phản ảnh, kiến nghị qua công tác tiếp dân, xử lý thông tin đường dây nóng. Phụ huynh có thể tìm hiểu thêm thông tin qua Cổng thông tin điện tử Sở GD-ĐT (hcm.edu.vn) để biết thêm chi tiết.
* Một vấn đề của ngành giáo dục luôn được xã hội quan tâm là chất lượng giáo viên. Với mô hình mới, công tác tuyển dụng sẽ thực hiện như thế nào?
- Mô hình mới đã mở ra cơ hội rà soát, điều chỉnh lại mạng lưới cán bộ quản lý và giáo viên theo hướng tổng thể, giúp giải bài toán thừa - thiếu giáo viên giữa các địa bàn. Nhất là với các môn đặc thù như: tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật, tin học - vốn đang thiếu chủ yếu ở cấp tiểu học và THCS.
Việc hợp nhất đã tạo thuận lợi cho việc luân chuyển, sử dụng nguồn nhân lực chuyên môn cao trên phạm vi rộng và phù hợp với định hướng dạy liên trường, liên cấp của nhà giáo. Từ đó góp phần sử dụng hiệu quả đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo dục.
Thực hiện chỉ thị của UBND thành phố, Sở GD-ĐT TPHCM chịu trách nhiệm hướng dẫn, bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập. Xây dựng kế hoạch đảm bảo đủ trường lớp, phòng học, giáo viên phục vụ năm học mới. Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Nhà giáo, trước mắt, sở xin ý kiến UBND được tổ chức tuyển dụng viên chức giáo dục cho toàn ngành để chuẩn bị đầy đủ nhân sự cho năm học 2025-2026.
Phân bổ cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu học tập
* Những thay đổi trên sẽ tạo ra cơ hội phát triển như thế nào cho ngành GD-ĐT TPHCM?
- Sau hợp nhất, thành phố đặt mục tiêu trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á. Tầm nhìn trở thành trung tâm giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu ASEAN, phấn đấu đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
 |
Học sinh tham gia hội thi Tên lửa nước TPHCM năm 2025 |
Bởi lẽ, mô hình, địa giới mới mang đến cho ngành nhiều điều kiện thuận lợi để tiệm cận mục tiêu. Cụ thể, cung cấp thêm nguồn lực đất đai để thực hiện quy hoạch tổng thể và dài hạn các công trình giáo dục bền vững. Hướng đến phân bổ đều cơ sở vật chất trên toàn địa bàn, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Với quy mô học sinh, giáo viên và trường học lớn nhất nhì cả nước, thành phố có thể phát triển đa dạng các loại hình giáo dục khác nhau như: công lập, tư thục, quốc tế, nghề nghiệp…
Ngoài ra, thành phố có thể khai thác thế mạnh của các trường THPT chuyên, thu hút học sinh giỏi từ khắp nơi để tập trung phát triển đào tạo mũi nhọn và nguồn nhân lực chất lượng cao. Hệ thống quản lý chất lượng đồng bộ, áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại và công nghệ tiên tiến trên quy mô lớn sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục tổng thể, đảm bảo sự công bằng và nhất quán trong trải nghiệm học tập của học sinh.
Ngày 12/6/2025, chính phủ đã ban hành Nghị định số 142/2025/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT. Trong đó, nghị định quy định rất rõ trách nhiệm của sở GD-ĐT đối với các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.
Nghị định đã mở ra cho lãnh đạo ngành giáo dục quyền chủ động, đề ra nhiều giải pháp khác nhau để thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các khu vực phát triển và các vùng còn khó khăn. Bao gồm việc xây dựng thêm trường học ở những khu vực thiếu thốn, triển khai các chương trình hỗ trợ đặc biệt cho học sinh yếu thế, và đảm bảo chất lượng giáo viên đồng đều trên toàn địa bàn. Đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong giáo dục, thu hút các chương trình đào tạo tiên tiến, từ đó nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nguồn nhân lực TPHCM trên trường quốc tế.
Thời gian tới, ngành vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành các nghị quyết về chính sách phát triển ngành giáo dục trên địa bàn.
* Trong tiến trình phát triển này, mỗi nhà trường, giáo viên và học sinh cần nỗ lực như thế nào?
- Trong tiến trình phát triển chung của cả nước, ngành giáo dục thành phố cũng bước vào một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, đòi hỏi sự đồng hành và nỗ lực từ tất cả thành phần trong hệ thống giáo dục.
Trước hết, mỗi nhà trường cần nắm vững chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý không chỉ là thay đổi về mặt hành chính, mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính đồng bộ. Vì thế, các trường cần chủ động tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương để đảm bảo hoạt động giáo dục diễn ra liên tục, hiệu quả và đúng quy định. Tập trung chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý và giảng dạy. Phấn đấu thực hiện lộ trình từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh và xây dựng trường học hạnh phúc.
Đội ngũ giáo viên cần không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tinh thần sáng tạo, nỗ lực tìm tòi, học hỏi, trau dồi để theo kịp bước phát triển của thời đại. Đồng thời tăng cường kết nối với phụ huynh và cộng đồng để hỗ trợ học sinh một cách toàn diện.
Về phía người học, bao gồm học sinh, học viên là trung tâm của quá trình chuyển đổi, cần chủ động hơn trong học tập, rèn luyện kỹ năng thích ứng với môi trường học tập hiện đại. Song song đó, cần chú trọng rèn luyện thể thao, phát huy năng khiếu âm nhạc, nghệ thuật để phát triển cả về kiến thức, kỹ năng, nhân cách và thể chất.
* Xin cảm ơn ông.
Quy mô giáo dục 2,6 triệu học sinh Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, sau sáp nhập, thành phố có khoảng 2,6 triệu học sinh và 110.000 giáo viên. Về quy mô trường lớp, địa phương có khoảng 3.500 trường học từ mầm non tới THPT. Trong đó, có 5 trường chuyên, gồm: THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM, THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa - Vũng Tàu cũ), THPT chuyên Hùng Vương (Bình Dương cũ). Trong số này có 3 trường tuyển sinh trên cả nước là: THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường phổ thông Năng khiếu. Ban giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM có 10 thành viên, gồm 1 giám đốc và 9 phó giám đốc. Cơ cấu bộ máy gồm các phòng chức năng: Văn phòng, Phòng Kiểm tra - Pháp chế, Tổ chức cán bộ, Kế hoạch - Tài chính, Học sinh - Sinh viên, Quản lý chất lượng cùng các phòng chuyên môn: Giáo dục mầm non, Giáo dục phổ thông, Giáo dục thường xuyên - nghề nghiệp và đại học, Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập. |
Trang Thư (thực hiện)