Chuyên gia chia sẻ bí quyết đặt nguyện vọng đại học "chống trượt"

13/07/2025 - 09:41

PNO - Từ ngày 16/7 đến ngày 28/7, thí sinh trên cả nước đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT.

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM - đã chia sẻ với bạn đọc của Báo Phụ nữ TPHCM những bí quyết đặt nguyện vọng đại học phù hợp, dễ đậu. Mời quý phụ huynh, học sinh tham khảo:

Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng
Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng

Phóng viên: Thưa ông, thí sinh nên đặt nguyện vọng như thế nào để tăng cơ hội vào đại học?

Ông Bùi Hoài Thắng: Việc đăng ký nguyện vọng đại học thực hiện hoàn toàn trên cổng tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Trong mỗi nguyện vọng, học sinh chọn trường, ngành và không cần qquan tâm đến phương thức, tổ hợp xét tuyển.

Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT quy định không có sự phân biệt giữa các nguyện vọng, thí sinh đủ điều kiện thì đều xét trúng hết. Tuy nhiên, sau quá trình lọc ảo thì bộ sẽ chỉ giữ lại nguyện vọng có thứ tự ưu tiên cao nhất. Điều này thể hiện tinh thần các em thích ngành gì nhất thì đưa lên đầu tiên. Với cách làm này thì khuyến khích học sinh nên dùng 3 nhóm nguyện vọng sau để tăng cơ hội trúng tuyển:

Nhóm thứ nhất là nhóm cực kỳ yêu thích, trúng tuyển là đi học không phải suy nghĩ nữa. Kể cả dự báo điểm số của mình không cao so với điểm chuẩn năm trước thì vẫn cứ đặt. Vì mỗi năm phổ điểm sẽ thay đổi, và số lượng nguyện vọng đăng ký cũng sẽ khác biệt. Các em phải nhớ rằng không đăng ký là không thể trúng tuyển, có đăng ký là vẫn có cơ hội trúng tuyển.

Nhóm thứ hai là nhóm tự tin cao, điểm xét tuyển so với điểm chuẩn các năm cũng ổn. Nhóm cuối cùng là nhóm hết sức chắc ăn, điểm dự báo của mình cao hơn, hoặc cao hơn rất nhiều so với điểm chuẩn năm trước.

Clip: Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng chia sẻ bí quyết đặt nguyện vọng cho học sinh

* Theo ông, thí sinh nên đặt tối đa bao nhiêu nguyện vọng là phù hợp?

- Vì Bộ GD-ĐT không giới hạn số lượng nguyện vọng nên các em có thể đặt từ 5-7 nguyện vọng cho mỗi nhóm. Lưu ý, các em phải đặt theo nguyên tắc ưu tiên những ngành thích hơn, đừng sợ không trúng tuyển nên để xuống cuối cùng.

Đồng thời, các trường đại học có thể có một số quy định riêng như phải thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT, hoặc yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là đủ. Nếu có thông tin phù hợp với quy định riêng, thí sinh phải trình bày với trường để được cộng điểm.

* Vậy làm sao để thí sinh xác định được ngành học phù hợp với bản thân?

- Việc chọn ngành nghề không đơn giản, nhưng các em có thể tập trung vào sở trường và lĩnh vực nghề nghiệp tương lai mà các em muốn hướng đến. Một nghề có thể xuất phát từ nhiều ngành, nếu chúng ta xác định được vị trí, lĩnh vực, dạng nghề thì có thể định ra những ngành học phù hợp.

Nếu băn khoăn rằng mình thích nhưng chưa biết có phù hợp hay không thì các em có thể thử. Ví dụ, nếu thích làm báo nhưng chưa từng viết bài báo nào thì có vẻ các em vẫn chưa sẵn sàng. Hay như nghề bác sĩ thì không thể thử phẫu thuật, nhưng có những dấu hiệu khác như: không sợ máu, biết chăm sóc sức khỏe… thì có thể phù hợp.

Ngoài ra, các em nên xem xét đến môi trường học và sinh sống của sinh viên, liệu môi trường đó có giúp chúng ta phát huy năng lực cá nhân. Người ra trường không chỉ cần kiến thức, mà còn cần kỹ năng chuyển tải những năng lực đó vào hoạt động nghề nghiệp.

Đồng thời, hãy lắng nghe thêm bạn bè, thầy cô, báo chí truyền thông để biết thêm những ngành nghề phù hợp.

* Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Loan - Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI