Trồng lúa phát thải thấp ở miền Tây đang giúp nông dân tăng thu nhập

13/07/2025 - 17:06

PNO - Ngày 13/7, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm; đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp vùng ĐBSCL.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho hay, từ năm 2024 đã thực hiện 7 mô hình thí điểm triển khai quy trình canh tác giảm phát thải với diện tích 50ha mỗi mô hình tại các địa phương vùng ĐBSCL. Kết quả bước đầu cho thấy, mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường. Giảm lượng giống từ 30-50%, giảm lượng phân bón hóa học 30-70kg/ha, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm 30-40% lượng nước tưới so canh tác truyền thống.

Đồng thời, năng suất tăng 2,4-7%, tăng thu nhập của nông dân thêm 12-50% (tương đương lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha). Ngoài ra, giảm phát thải khí nhà kính trung bình 2-12 tấn CO2 /ha. Giá lúa được các doanh nghiệp bao tiêu cao hơn bên ngoài 200-300 đồng/kg. Từ vụ hè thu 2025, tiếp tục triển khai 6 mô hình và mở rộng thêm 5 mô hình mới để tiếp tục thực hiện quy trình canh tác giảm phát thải.

Canh tác lúa phát thải thấp ở ĐBSCL mang lại nhiều lợi ích thiết thực... Ảnh: Huỳnh Trọng
Canh tác lúa phát thải thấp ở ĐBSCL mang lại nhiều lợi ích thiết thực - Ảnh: Huỳnh Trọng

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, ngoài các mô hình của Trung ương triển khai thì các địa phương đã chủ động thực hiện 101 mô hình thí điểm với tổng diện tích 4.518ha. Đến nay đã xác định 620 HTX tham gia đề án giai đoạn 1 và gần 200 doanh nghiệp tham gia, trong đó khoảng 40% là các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản quy mô liên kết từ 200ha trở lên. Mới đây, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam và Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An xuất khẩu lô hàng 500 tấn "Gạo Việt xanh phát thải thấp" đầu tiên sang Nhật Bản, với giá xuất khẩu tại kho là 820 USD/tấn, đây là mức giá rất cao mở ra triển vọng mới cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ, năm 2025 địa phương có hơn 104.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp; hầu hết các diện tích này đều được liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, nhờ đó giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa trên 40%… Mục tiêu đến năm 2030, TP Cần Thơ sẽ nâng qui mô canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp đạt trên 166.000ha…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc rà soát đề án “phát triển bền v
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Huỳnh Trọng

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc rà soát đề án “phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, nhằm đảm bảo nguồn lúa gạo ổn định, chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Vừa qua, đã có những tín hiệu tích cực thúc đẩy thương mại gạo ổn định, lâu dài của Việt Nam với các thị trường như Brazil, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore…; tuy nhiên để bảo đảm ổn định đầu ra cho nông dân thì cần có các giải pháp căn cơ nhằm không để xảy ra tình trạng "được mùa, mất giá".

Từ những kết quả trên, các bộ ngành chức năng và địa phương cần phát triển thêm các thương hiệu mới, cùng với các thương hiệu nổi tiếng đã có như ST25. Ngân hàng Nhà nước triển khai chính sách ưu đãi về tín dụng; Bộ Tài chính giải quyết các vấn đề nguồn vốn của các tổ chức quốc tế liên quan đề án 1 triệu ha lúa ở ĐBSCL; Bộ Công thương đàm phán, ký kết, triển khai ngay các hiệp định về lúa gạo; Bộ Khoa học và Công nghệ góp phần xây dựng thương hiệu, mẫu mã, bao bì hấp dẫn, dễ nhận diện; thúc đẩy liên kết 4 nhà. Các địa phương ở ĐBSCL chủ động hướng dẫn, triển khai các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn… nhằm thực hiện thành công đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp vùng ĐBSCL, mang lại thu nhập tốt cho nông dân.

Huỳnh Trọng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI