Giới doanh nhân lạc quan khi TPHCM thành siêu đô thị

14/07/2025 - 06:58

PNO - Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp xem việc thành lập TPHCM mới bao gồm cả diện tích và dân số của Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là thời cơ để định hình lại chiến lược phát triển, mở rộng thị trường, đón đầu những cơ hội đầu tư mới.

Ông Lý Huy Sáng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long (gốm sứ Minh Long) - cho rằng, việc hình thành siêu đô thị TPHCM là dịp để doanh nghiệp (DN) mở rộng không gian phát triển, kết hợp sản xuất với văn hóa, nghệ thuật để xây dựng thương hiệu gắn với lối sống đô thị hiện đại.

Ông Trần Văn Chín - Chủ tịch sàn thương mại điện tử B2B Arobid - nhận định, sự mở rộng địa giới hành chính tạo điều kiện tái thiết kinh tế vùng theo hướng tích hợp và hiệu quả. TPHCM mới sẽ hình thành chuỗi liên kết liền mạch từ sản xuất, cảng biển, thương mại đến đổi mới sáng tạo. Đây là nền tảng quan trọng cho sự tăng trưởng bền vững.

Ngành vận tải, logistics TPHCM được dự báo sẽ phát triển bùng nổ trong thời gian tới - ẢNH: NGỌC THÙY (ảnh chụp cảng Thị Vải - Cái Mép)
Ngành vận tải, logistics TPHCM được dự báo sẽ phát triển bùng nổ trong thời gian tới - Ảnh: Ngọc Thùy (ảnh chụp cảng Thị Vải - Cái Mép)

Theo ông Phạm Hùng Quốc Kha - Tổng giám đốc Công ty TNHH Vina Logis - khi hình thành TPHCM mới rộng lớn, sự đồng bộ trong quy hoạch và chính sách sẽ tạo cú hích tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút mạnh các nhà đầu tư quốc tế. Các đầu mối hạ tầng như cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép, ICD Sóng Thần sẽ phát huy vai trò trung chuyển, giảm tải cho hệ thống logistics vùng Đông Nam Bộ. Ông dự báo trong thời gian tới, ngành vận tải, logistics TPHCM sẽ bùng nổ.

Tuy nhiên, cùng với cơ hội, việc hình thành TPHCM mới đặt ra yêu cầu rất cao đối với năng lực nội tại của cộng đồng doanh nhân. Theo ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - DN phải “làm mới mình” để thích ứng với môi trường phát triển đô thị hiện đại. Với ngành xây dựng, việc nâng cấp năng lực thiết kế, thi công là yếu tố tiên quyết để thành công. Muốn vậy, phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ.

Ông Lý Huy Sáng cho rằng, việc sáp nhập đơn vị hành chính sẽ tạo ra một giai đoạn chuyển tiếp, với những xáo trộn về thủ tục và cơ chế. Nhưng, DN không thể chờ đợi mà cần chủ động tái cấu trúc bộ máy, số hóa quy trình, đào tạo lại nhân sự, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Ông Trần Kim Thành - Giám đốc Công ty TNHH Anora Hospitality - cho rằng, sự chuẩn bị về nhân sự là yếu tố sống còn của DN, trong đó cần tuyển đúng người, huấn luyện nhanh và giữ người bằng văn hóa DN. Để không bị loại khỏi cuộc chơi, DN phải ứng dụng công nghệ, xem chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc.

Ông Trần Quang Bửu - Chủ tịch Tập đoàn Melody - cho rằng, ngành logistics sẽ phải liên tục cập nhật chính sách mới để đảm bảo tính kết nối và linh hoạt trong chuỗi cung ứng. Ông Nguyễn Trần Khánh Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hàng hóa Phim Chính - nhận định, việc quy hoạch lại trung tâm logistics, kho bãi và hạ tầng kết nối liên tỉnh đến cảng, sân bay là yêu cầu cấp thiết để giảm chi phí và nâng sức cạnh tranh khu vực.

Sau sáp nhập, TPHCM có tổng diện tích hơn 6.772km², dân số 14 triệu người. Quy mô diện tích, dân số này mở ra cơ hội cải cách môi trường đầu tư, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ông Lương Văn Tín - Giám đốc vận hành Công ty Dandelion Việt Nam (Droppii) - cho rằng, Nghị quyết 57-NQ/TW (về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo) là “phao cứu sinh” cho những người khởi nghiệp (startup) trong ngành công nghệ. Việc sáp nhập địa giới hành chính tạo điều kiện tích hợp dữ liệu, giảm rào cản pháp lý, tăng tốc quy trình phối hợp giữa DN với cơ quan nhà nước.
Ông cho rằng, việc tái cấu trúc DN lúc này thể hiện bản lĩnh, tư duy dài hạn và năng lực thích ứng; nếu chậm chuyển mình thì sẽ bị bỏ lại.

Thành Luân - Thanh Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI