Em kết hôn được 4 năm, có một bé gái 3 tuổi, hiện đang sống chung với gia đình chồng. Suốt thời gian qua, em liên tục cảm thấy ức chế và tủi thân vì vấn đề tài chính trong gia đình.
Chồng em là trưởng phòng một doanh nghiệp, thu nhập hơn 40 triệu đồng/tháng. Điều khiến em đau lòng là thu nhập của chồng hầu như chỉ để lo cho gia đình anh. Chồng em rất thoải mái chi tiêu, mua sắm cho ba mẹ và em gái, em trai nhưng luôn tính toán với em và con. Em nhắc chồng mua quần áo cho con, chồng gắt “trẻ con mau lớn mua làm gì nhanh chật, phí”. Còn với em thì “em ở nhà chăm con có đi đâu mà mua”. Điện thoại em hư, chồng đưa điện cũ chồng đang sử dụng cho em, rồi mua điện thoại mới cho chồng. Còn em gái chồng đòi điện thoại và laptop với lý do “học online, tra cứu tài liệu…” là anh ấy trang bị ngay. Em muốn mua sắm gì cho hai mẹ con hầu như đều phải xin bên ngoại.
Ngoài ra, hằng tháng chồng em còn trích 5 triệu đồng trả nợ giúp ba mẹ (vay cho em trai kế xây nhà), cũng như lo toàn bộ sinh hoạt trong gia đình, chi tiêu cho ông bà, chi phí khám sức khỏe, thực phẩm bổ sung… Muốn mua quần áo, giày dép... đến việc đi du lịch, ông bà cũng thoải mái xin tiền chồng em. Chồng em mua cho mẹ anh ấy 1 chiếc va li để đi du lịch thì bà không chịu, đòi 3 chiếc 3 kích cỡ khác nhau để “đi mỗi nơi khác nhau dùng cho tiện” cùng vô số khoản chi không tên khác.
Chưa kể, chồng em còn lo lắng từ A đến Z cho em trai: cưới vợ, hỗ trợ trả nợ, xin việc làm… Còn với em gái đang là sinh viên, chồng em rất cưng, chu cấp bất cứ thứ gì cô ấy cần.
Khi em nói ra sự bất công này, chồng quy chụp em “tính toán, ích kỷ”. Em đã nhiều lần trao đổi thẳng thắn với chồng. Em cũng chủ động lập kế hoạch chi tiêu cụ thể và đề xuất chồng góp vào khoản chung của gia đình nhỏ mỗi tháng 5-7 triệu đồng. Tuy nhiên, chồng em không đồng ý, luôn viện cớ “tiền có dư đâu” để từ chối. Điều đó khiến em cảm thấy mình và con bị bỏ rơi, không được quan tâm.
Em đã nhiều lần nghĩ đến việc ly hôn nhưng lại hy vọng sau này sẽ đỡ hơn hoặc sinh thêm đứa nữa chồng sẽ ý thức trách nhiệm hơn. Nhưng 4 năm rồi, em và con vẫn luôn bị bỏ lại phía sau.
Em không biết mình có thể chịu đựng được đến bao giờ. Em phải làm sao để chồng em nhận ra và thay đổi? Liệu có ai từng phải ly hôn vì lý do này và em có nên tiếp tục hy vọng vào sự thay đổi của chồng? Em cảm ơn chị.
huongthunguyen2205@...
Ảnh minh họa: Pexels
Em huongthunguyen2205 thân mến,
Đọc thư em, Hạnh Dung rất chia sẻ những gì em đang trải qua. Việc chồng em liên tục từ chối đóng góp chi tiêu cho gia đình nhỏ, thậm chí đổ lỗi hay nói rằng “không có dư tiền” trong khi vẫn chi tiêu cho ba mẹ và các em anh ấy, đây không chỉ là vấn đề về tiền bạc mà còn là biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng và thiếu gắn kết trong hôn nhân. Cảm giác chán nản, tủi thân, ức chế của em là hoàn toàn dễ hiểu và chính đáng.
Trong thực tế, bất đồng tài chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ly hôn. Rất nhiều cặp vợ chồng đã phải đi đến quyết định này vì lý do tương tự. Sự thiếu quan tâm đến người bạn đời cũng như bất mãn tích tụ sẽ bào mòn tình cảm, dẫn đến những suy nghĩ về ly hôn.
Việc chồng em liên tục từ chối tham gia vào kế hoạch tài chính, không nhìn nhận những nhu cầu thiết yếu của vợ con cho thấy sự ưu tiên lệch lạc và thiếu trách nhiệm của anh ấy với gia đình nhỏ. Điều đó có thể dẫn đến sự suy giảm, mất mát niềm tin sâu sắc và tạo ra khoảng cách không thể hàn gắn giữa vợ chồng. Khi em đã nhiều lần trao đổi, thậm chí đưa ra kế hoạch cụ thể mà chồng vẫn không hợp tác, em cần nhìn nhận lại mối quan hệ này một cách nghiêm túc. Liệu em có thể tiếp tục cuộc hôn nhân mà bản thân luôn cảm thấy bị bỏ rơi và em có thể chịu đựng điều này mãi không?
Có thể hiện tại em chưa biết đáp án cho những câu hỏi trên, nhưng cảm giác ức chế, mệt mỏi tích tụ lâu ngày khiến em mệt mỏi, chán nản là thật. Cảm giác này kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của em mà còn tác động tiêu cực đến con cái.
Nếu em vẫn muốn cứu vãn cuộc hôn nhân, hãy chuẩn bị cho một cuộc trò chuyện thẳng thắn và dứt khoát với chồng. Hãy chọn thời điểm, không gian thích hợp nói rõ những cảm xúc của em và những hậu quả nghiêm trọng nếu tình trạng trên tiếp diễn.
Em có thể đề xuất tìm đến một người thân "có tiếng nói" với chồng hoặc chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình. Một người thứ ba khách quan có thể giúp chồng em nhìn nhận rõ hơn về trách nhiệm của mình và những tổn thương anh ấy đang gây ra.
Em cũng cần chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất. Nếu mọi nỗ lực đều không có kết quả, việc cân nhắc đến một con đường khác có thể là giải pháp tốt hơn cho mẹ con em. Em có thể đi làm, bắt đầu tích lũy tài chính riêng. Đồng thời, em hãy tìm hiểu về quyền lợi nếu phải ly hôn: quyền nuôi con, phân chia tài sản, cấp dưỡng con cái. Việc có kiến thức sẽ giúp em tự tin hơn trong trường hợp phải đưa ra quyết định khó khăn.
Một cuộc sống bình yên, được yêu thương, quan tâm, tôn trọng là điều mọi người vợ đều xứng đáng được hưởng.
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn