Tích cực số hóa để sản phẩm làng nghề vươn xa

12/07/2025 - 06:34

PNO - Những thành công ấn tượng gần đây như việc Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tham gia phiên quay phát trực tiếp (live stream) và bán được 54 tấn vải thiều Lục Ngạn hay Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên (cũ) của TP Hà Nội giúp người dân bán hàng online đạt doanh thu 4.000 tỉ đồng trong 5 tháng là vài ví dụ cho thấy, việc chuyển đổi số giúp các làng nghề truyền thống “đổi đời”.

Đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử

2 năm trước, khi các làng nghề ở huyện Phú Xuyên gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm, ông Lê Văn Bính - khi đó là Chủ tịch UBND huyện, nay là Bí thư Đảng ủy xã Phượng Dực, TP Hà Nội - đã cùng một số cán bộ lãnh đạo UBND huyện Phú Xuyên xây dựng nền tảng truyền thông số. Chính ông đã lập và làm quản trị viên (admin) trang trên Facebook (fanpage), lên kịch bản và quay video hướng dẫn người dân bán hàng online.

Các phiên live stream bán hàng được UBND huyện Phú Xuyên (cũ), TP Hà Nội tổ chức hằng tuần tại các làng nghề ẢNH: M.T.
Các phiên live stream bán hàng được UBND huyện Phú Xuyên (cũ), TP Hà Nội tổ chức hằng tuần tại các làng nghề - Ảnh: M.T.

Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, các làng nghề ở huyện Phú Xuyên như khảm trai Chuyên Mỹ, mộc Tân Dân, da giày Phú Yên đã bước đầu liên kết thành các cụm, hợp tác với các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin làm video, xây dựng kênh bán hàng, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Amazon, TikTokShop. Trong 2 năm, có trên 500 hộ tham gia sàn TMĐT, đưa doanh thu bán hàng trực tuyến (online) từ 147 tỉ đồng (năm 2023) lên 1.100 tỉ đồng (năm 2024). Đặc biệt, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, doanh thu từ bán hàng trực tuyến trong toàn huyện đã vượt 4.000 tỉ đồng.

Ngày 29/6, trong sự kiện Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn, ông Phạm Văn Thịnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - đã cùng cộng sự trực tiếp tham gia phiên live stream quảng bá vải thiều trên một sàn TMĐT. Chỉ sau 6 giờ, ban tổ chức phiên live stream đã bán được 54 tấn vải, trong đó có cả những đơn đặt hàng từ Mỹ, Úc, Nhật Bản.

Không có một công thức chung cho việc chuyển đổi số làng nghề. Ở TPHCM, nhiều chủ hộ trong làng nghề trồng mai vàng Bình Lợi đã chủ động lập kênh trên các mạng xã hội YouTube, Facebook, TikTok, lập trang web để quảng bá sản phẩm, dịch vụ đi kèm (cho thuê mai, nhận dưỡng mai).

Ở TP Hà Nội, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm Bát Tràng đã đưa sản phẩm lên trang web, sàn TMĐT, cửa hàng trên TikTok để tiếp cận nhiều khách hàng hơn; áp dụng việc thanh toán qua mã QR để mang lại sự tiện lợi cho cả người bán lẫn người mua; phối hợp với các công ty du lịch tổ chức tour tham quan làng nghề, lập bảo tàng nghề gốm và đưa các bộ sưu tập hiện vật lên không gian số...

Ở TP Huế, làng nón lá Tây Hồ kết hợp bảo tồn nghề với du lịch: tổ chức các lớp dạy cho du khách, chiếu phim kể chuyện nón lá trên nền nhạc cung đình.

Chuyển đổi số phải song hành năng lực sản xuất

Chuyển đổi số mở ra cánh cửa hy vọng cho các làng nghề truyền thống, nhưng quá trình này không hề suôn sẻ. Ở làng nghề lụa Vạn Phúc, TP Hà Nội, một số hộ kinh doanh lập fanpage, website, mở gian hàng trên sàn TMĐT, đầu tư thiết bị để live stream, bán hàng. Tuy nhiên, phần lớn hộ vẫn bán hàng theo cách truyền thống, nghĩa là chờ khách du lịch đến tham quan và mua hàng trực tiếp. Dù chính quyền địa phương đã quy hoạch tuyến phố đi bộ, gắn mã QR tại các gian hàng, nhưng do truyền thông yếu nên mô hình “phố lụa thông minh” chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Phiên phát sóng trực tiếp giới thiệu các sản phẩm làng nghề của UBND huyện Phú Xuyên (cũ), TP Hà Nội - ẢNH: SƠN TÙNG
Phiên phát sóng trực tiếp giới thiệu các sản phẩm làng nghề của UBND huyện Phú Xuyên (cũ), TP Hà Nội - Ảnh: Sơn Tùng

Ở làng nghề gốm Bát Tràng, các cơ sở đã biết quảng bá sản phẩm trên sàn TMĐT, mạng xã hội và doanh thu từ bán hàng trực tuyến chiếm khoảng 30% tổng doanh thu. Nhưng theo ông Đặng Đình Túc - Trưởng ban đại diện Câu lạc bộ Làng nghề gốm sứ Giang Cao, xã Bát Tràng (cũ) - nhận thức và cách tổ chức bán hàng trên các sàn TMĐT của các chủ cơ sở vẫn còn hạn chế, việc chuyển đổi số chưa đồng đều giữa các cơ sở.

Bà Nguyễn Thị Hương - Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - đánh giá, khó khăn lớn nhất trong việc chuyển đổi số ở các làng nghề là xây dựng nội dung số. Để giới thiệu sản phẩm, kỹ năng nghề, văn hóa làng nghề và sản phẩm của các nghệ nhân một cách hấp dẫn, nội dung số cần phản ánh đúng giá trị của sản phẩm. Điều này đòi hỏi một đội ngũ nhân sự vừa am hiểu sản phẩm, vừa nhạy bén với công nghệ số và có cách tiếp cận mới lạ.

Việc ứng dụng số khiến chi phí đội lên nhưng lại khó tính ra cụ thể bao nhiêu, ở khâu nào nên người dân e ngại. Theo bà, việc quảng bá rầm rộ có thể dẫn đến tình trạng không sản xuất kịp để đáp ứng lượng đơn đặt hàng lớn, làm mất uy tín của làng nghề, mất khách hàng. Do đó, chuyển đổi số phải gắn liền với năng lực sản xuất.

Bà Cao Bích Thủy - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, Đào tạo phát triển làng nghề Việt Nam - cho rằng, cần có các hình thức phổ biến hiệu quả để nghệ nhân và cơ sở sản xuất hiểu cũng như nắm vững các kỹ năng bán hàng trực tuyến. Nếu họ không thể tự thực hiện, cần có mô hình hỗ trợ như tổ chức gian hàng chung, nhóm vận hành chung.

Người dân trong các làng nghề tra cứu xu hướng trên Google, tham gia các nhóm truyền thông xã hội để xác định thị trường mục tiêu và phát triển thị trường ngách. Các cơ sở, hộ trong làng nghề cần nghiên cứu thị trường, nhận dạng thương hiệu cho sản phẩm kinh doanh trực tuyến, xây dựng và phát triển cửa hàng trực tuyến, thiết lập các quy trình thanh toán, vận chuyển để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tòng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng sản phẩm làng nghề Việt Nam - nhận định, các làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam chưa có chiến lược marketing rõ ràng khi tiếp cận thị trường quốc tế do thiếu thông tin. Để nâng cao năng lực marketing xuất khẩu, các làng nghề và doanh nghiệp cần sử dụng các nền tảng TMĐT và mạng xã hội để quảng bá, tiếp cận khách hàng toàn cầu; nghiên cứu thị trường để nắm bắt xu hướng tiêu dùng và tìm kiếm thị trường tiềm năng; tổ chức các khóa đào tạo về marketing và xuất khẩu cho người lao động.

Mai vàng Bình Lợi bán chạy nhờ YouTube

Mỗi buổi chiều, anh Bùi Ngọc Đức - chủ vườn mai Hữu Đức, Giám đốc Công ty TNHH Mai Vàng, xã Bình Lợi, TPHCM - đều ra vườn mai quay video, đăng lên YouTube quảng cáo sản phẩm và dịch vụ. Mỗi video đều có vài ngàn đến vài chục ngàn lượt xem (view) nên lượng cây bán ra ngày càng nhiều.

Anh Nguyễn Trúc Linh  (bìa trái) - nông dân làng mai Bình Lợi, TPHCM - hướng dẫn các nông dân khác quay video quảng bá  sản phẩm  - ẢNH: THU LÊ
Anh Nguyễn Trúc Linh (bìa trái) - nông dân làng mai Bình Lợi, TPHCM - hướng dẫn các nông dân khác quay video quảng bá sản phẩm - Ảnh: Thu Lê

Anh cho biết, từ nhiều năm trước, khi bắt đầu kinh doanh mai vàng, anh đã xác định mạng xã hội là kênh quảng bá tốt nhất. Do đó, anh lập trang web maivangtet.com, langmaibinhloi.vn và fanpage. Anh tự học cách chụp ảnh, quay video, tự dẫn chương trình, viết mô tả hấp dẫn để thu hút khách hàng. Ngoài giới thiệu sản phẩm, các video của anh trên YouTube còn hướng dẫn cách chăm sóc mai, cách để cây ra hoa đúng tết nên đã thu hút sự quan tâm của những người kinh doanh và yêu mai. Nhờ đó, lượng khách hàng ngày càng mở rộng. Hiện tại, công ty anh bán được 90% sản phẩm qua hình thức online.

Anh Nguyễn Trúc Linh - nông dân của làng mai Bình Lợi - cũng lập kênh YouTube khoảng 6 năm nay là do nhận thấy diện tích trồng mai toàn xã hơn 500ha nhưng làng mai chủ yếu được biết đến nhờ báo chí và lời truyền miệng, chưa có nhiều người quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Từ khi lập kênh YouTube, nhiều khách hàng ở miền Bắc biết đến anh, đặt hàng. Ngoài kinh doanh mai vàng, anh còn được bà con nông dân nhờ quay video giới thiệu sản phẩm lên YouTube.

Ông Phạm Hoàng Minh - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi - cho hay, vài năm gần đây, hội cùng chính quyền địa phương có nhiều hoạt động khuyến khích nông dân làng mai thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ nông dân lập gian hàng trên các sàn TMĐT; tổ chức các lớp tập huấn về live stream, quay video đăng YouTube, lập fanpage để giới thiệu và bán sản phẩm.

Chưa quảng bá tốt hàng thủ công mỹ nghệ

Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã tăng từ 2,23 tỉ USD (năm 2019) lên 3,5 tỉ USD (năm 2023). Chưa đạt doanh thu cao so với nhiều ngành nhưng lợi nhuận từ xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ lại gấp 5-10 lần so với nhiều mặt hàng xuất khẩu khác. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ còn hạn chế về năng lực marketing và chưa tận dụng hiệu quả các kênh quảng bá, bán hàng trực tuyến.

Muốn phát triển bền vững, các làng nghề cần nâng cao chất lượng nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh; chủ động mở rộng thị trường và giá trị sản phẩm. Về phía quản lý, cần đào tạo đội ngũ thực thi, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tích hợp công nghệ thông tin vào thủ tục hành chính, đẩy mạnh kiểm soát gian lận thương mại và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường TMĐT.

Tiến sĩ Tôn Gia Hóa - Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam

Tăng cường ứng dụng thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo

Nếu không bắt nhịp với số hóa như các ngành nghề khác, ngành thủ công mỹ nghệ sẽ bị bỏ lại phía sau. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp tự động hóa quy trình, giảm phụ thuộc vào nguồn nhân lực, cải thiện khả năng phân tích, dự báo, cá nhân hóa dịch vụ, từ đó tiết kiệm thời gian nghiên cứu, sản xuất, nâng cao hiệu quả vận hành và phát triển sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo giúp khách hàng được trải nghiệm quy trình sản xuất, từ khâu khảo sát nguyên liệu đầu vào, tổ chức sản xuất, trình diễn sản phẩm đến khâu sử dụng và bảo quản. Đây là cơ hội để các làng nghề chuyển mình, tiếp cận khách hàng một cách sáng tạo, hiệu quả hơn.

Cao Bích Thủy - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, Đào tạo phát triển làng nghề Việt Nam

Chuyển đổi số để giữ nghề, dạy nghề, lan tỏa văn hóa

Chuyển đổi số không làm mất bản sắc mà còn giúp làng nghề gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống. Nội dung số cho phép nghệ nhân ghi lại toàn bộ quy trình làm ra sản phẩm, từ đó quảng bá cho cộng đồng. Học sinh, sinh viên có thể học nghề từ xa, tìm hiểu các kỹ thuật có nguy cơ thất truyền, hiểu hơn giá trị văn hóa mỗi sản phẩm của làng nghề.

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam hiện có 6 chương trình hỗ trợ làng nghề, trong đó có chương trình “Chấn hưng làng nghề và chương trình đổi mới sáng tạo”. Chúng tôi đã tổ chức nhiều hội thảo, kết nối các nhà công nghệ, phối hợp đào tạo cho các làng nghề nhằm giúp họ tiếp cận công nghệ mới. Trong các hội nghị thường niên về khuyến công, hiệp hội đều lồng ghép nội dung chuyển đổi số bởi đó là hướng đi tất yếu để các làng nghề cạnh tranh và tồn tại.

Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khoa học, Công nghệ phát triển làng nghề Việt Nam

Minh Tâm (ghi)

Ngọc Minh Tâm - Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI