Hồi sinh chợ truyền thống, cách nào?

13/07/2025 - 07:05

PNO - Một số ý kiến cho rằng, chỉ chú trọng vào hoạt động thương mại của chợ truyền thống là không đủ, mà cần gắn với du lịch, văn hóa và gắn kết cộng đồng.

Ông Lê Trường Sơn – Phó tổng Giám đốc Saigon Co.op – cho biết, hiện nay, thương mại hiện đại trên quy mô cả nước mới chỉ chiếm khoảng 25% thị phần, trong khi 75% còn lại thuộc về kênh truyền thống như chợ và cửa hàng tạp hóa.

Chợ truyền thống tại TPHCM, trong đó có những chợ tại vị trí trung tâm như Bến Thành cũng đã xuống cấp - Ảnh: Nguyễn Quang
Chợ truyền thống tại TPHCM, trong đó có những chợ tại vị trí trung tâm như Bến Thành cũng đã xuống cấp - Ảnh: Nguyễn Quang

Trên thế giới, mô hình chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa vẫn phát triển mạnh, ngay cả ở các quốc gia phát triển như Singapore hay Seoul (Hàn Quốc). Tuy nhiên, việc hiện đại hóa chợ truyền thống gặp nhiều thách thức. Ông Sơn dẫn chứng, TPHCM từng giao Saigon Co.op nghiên cứu mô hình mới tại chợ Hòa Bình và một số chợ khác, nhưng cơ cấu sở hữu và hoạt động hiện tại khiến các đơn vị khó tham gia tái cấu trúc hoặc đầu tư phát triển.

"Ngày nay, chợ không chỉ đơn thuần là nơi mua sắm mà còn cần đáp ứng các yêu cầu về du lịch, văn hóa và gắn kết cộng đồng. Do đó, việc đầu tư bài bản và sự tham gia của các đơn vị chuyên nghiệp là rất cần thiết...", ông Lê Trường Sơn bày tỏ.

Về giải pháp quy hoạch chợ cho phù hợp với không gian đô thị mới, ông Sơn đề xuất hai nhóm chợ. Thứ nhất là nhóm đa năng, kết hợp mua sắm, văn hóa và phục vụ du lịch (ví dụ: chợ Bến Thành). Thứ hai là hóm địa phương, tập trung vào nhu cầu thiết yếu của cộng đồng, đặc biệt là công nhân, người thu nhập thấp. Ông Sơn nhấn mạnh: "Không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận thương mại hiện đại. Ở nhiều nước, quy hoạch chợ luôn đi kèm với phát triển khu dân cư”.

Theo ông Sơn, vấn đề cấp bách hiện nay là nâng cấp cơ sở hạ tầng vì nhiều chợ trung tâm như Bến Thành đã xuống cấp. Song song đó, cần tăng cường an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng. Ông gợi ý mô hình số hóa linh hoạt như Indonesia, thay vì áp đặt giải pháp, hãy để tiểu thương tự chọn công cụ số phù hợp để tối ưu quản lý hàng hóa và thanh toán.

Không phải người dân nào cũng có điều kiện vào siêu thị, trung tâm thương mại nên việc giữ lại chợ truyền thống và phát triển nó một cách bài bản rất quan trọng - Ảnh: Thanh Hoa
Việc giữ lại chợ truyền thống và phát triển nó một cách bài bản theo các chuyên gia là rất quan trọng - Ảnh: Thanh Hoa

Ông Nguyễn Bá Diệp – Đồng sáng lập MoMo, Phó chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam phía Nam – cho biết, tiểu thương là nhóm đối tượng vô cùng quan trọng, khi họ cung cấp hơn 80% hàng hóa cho toàn bộ thị trường Việt Nam. Riêng tại TPHCM, có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tiểu thương, và kênh phân phối truyền thống này hiện đang cung cấp khoảng 65% tổng lượng hàng hóa cho thành phố.

Tuy nhiên, sau dịch COVID-19, doanh thu của các cửa hàng và tiểu thương đều sụt giảm đáng kể. TPHCM đang định hướng số hóa hệ thống này, hỗ trợ tài chính và chuyển đổi công nghệ để giúp họ vượt qua khó khăn.

Chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu với hơn 220 tiểu thương và nhận thấy những vấn đề chính họ đang gặp phải như khó khăn trong quản lý tiền mặt của khách mua hàng, toàn bộ quy trình kinh doanh đều thực hiện bằng tay, muốn giao hàng thì phải chịu chi phí cao, gặp khó khăn về vốn mà không biết tiếp cận các nguồn vốn hợp pháp, đa số tiểu thương là những người làm thuê cho chính mình hoặc có trình độ công nghệ hạn chế, nên không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu.

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cho tiểu thương, ông Nguyễn Bá Diệp cho rằng, cần có chính sách truyền thông rõ ràng để tiểu thương hiểu được lợi ích của việc đóng thuế và chuyển đổi số. Nhiều tiểu thương vẫn còn e ngại vì chi phí hoạt động cao (ví dụ, thuê mặt bằng, tự trả lương cho bản thân), khiến họ lo ngại về việc phải đóng thuế. Họ sẽ chỉ tham gia khi thấy được lợi ích rõ ràng.

Đối với các quán ăn, quán kinh doanh cần thiết bị POS (thiết bị chấp nhận thẻ) để quản lý hàng hóa ra vào (trị giá khoảng 8-15 triệu VNĐ), nhà nước nên có chương trình cho vay trong vòng 12-24 tháng. Việc số hóa giúp giảm thất thoát khoảng 10% doanh thu (do nhân viên gian lận, mất mát), giúp họ hòa vốn nhanh chóng và có động lực chuyển đổi số.

Theo ông Nguyễn Bá Diệp, chuyển đổi số cần một giải pháp toàn diện, từ bán hàng, thanh toán, giao nhận, vận chuyển, hóa đơn đến tài chính. Tiểu thương cần được đảm bảo rằng sẽ không có những nghĩa vụ phát sinh bất ngờ (như truy thu thuế) vì họ thường có trình độ pháp luật hạn chế. Sự cam kết này sẽ giúp quá trình chuyển đổi số thành công hơn.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI