Số ca nhập viện vì COVID-19 tại Mỹ tăng đột biến, kinh tế toàn cầu phục hồi khó khăn

20/11/2020 - 07:15

PNO - Số lượng bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 ở Hoa Kỳ tăng gần 50% trong hai tuần qua, buộc thống đốc các bang phải áp đặt các lệnh hạn chế mới nghiêm ngặt.

IMF: Phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn vì COVID-19

Giám đốc IMF, Kristalina Georgieva cho biết nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những thách thức trở lại sau cuộc suy thoái COVID-19 và cho rằng các quốc gia nên dỡ bỏ các rào cản thương mại về công nghệ y tế để hỗ trợ sự phục hồi.

“Trong khi một giải pháp y tế cho cuộc khủng hoảng hiện đã được đưa ra nhưng con đường kinh tế phía trước vẫn còn nhiều khó khăn và dễ bị thất bại” - Georgieva cho biết.

Các công ty dược phẩm lớn nghiên cứu vắc-xin COVID-19 đang cho các kết quả khả quan, trong bối cảnh toàn cầu tăng đột biến số ca nhiễm virus khiến một số quốc gia phải áp dụng lại các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.

Nền kinh tế thế giới tiếp tục bị giáng thêm một đoàn mạnh khi dịch COVID-19 tái bùng phát rộng rãi tại chấu Âu và Bắc Mỹ.
Nền kinh tế thế giới tiếp tục bị giáng thêm một đòn mạnh khi dịch COVID-19 tái bùng phát rộng rãi tại châu Âu và Bắc Mỹ

Giám đốc IMF nhấn mạnh: “Sự bùng phát trở lại của dịch bệnh là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng sự phục hồi kinh tế bền vững không thể đạt được ở bất cứ đâu trừ khi chúng ta đánh bại đại dịch trên toàn cầu”.

Đồng thời, Kristalina Georgieva kêu gọi các quốc gia tăng cường hợp tác để đảm bảo cung cấp đầy đủ vắc-xin, xét nghiệm và thuốc men, cũng như nỗ lực đa phương về sản xuất, mua và phân phối các giải pháp y tế - đặc biệt là ở các nước nghèo.

Tính đến nay, đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 1,3 triệu người thiệt mạng, đồng thời gây ra thiệt hại to lớn cho nền kinh tế thế giới. IMF dự kiến tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 4,4% trong năm nay trước khi tăng trở lại 5,2% vào năm 2021. 

Số ca nhập viện vì COVID-19 tăng đột biến tại Mỹ

Số lượng bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 ở Hoa Kỳ đã tăng gần 50% trong hai tuần qua, buộc các bang phải áp đặt các hạn chế mới để ngăn chặn sự lây lan đáng báo động của virus khi người dân nước này đang đối mặt với một mùa đông và các kỳ nghỉ lễ kéo dài.

Gần 79.000 người đã được điều trị liên quan đến COVID-19 tại các bệnh viện trên toàn quốc vào ngày 19/11, mức tăng kỷ lục kể từ khi đại dịch bắt đầu. Tuần qua, trung bình Mỹ ghi nhận hơn 160.000 trường hợp nhiễm mới SARS-CoV-2 hàng ngày.

Số ca nhập viện vì COVID-19 tăng đột biến tại Mỹ.
Số ca nhập viện vì COVID-19 tăng đột biến tại Mỹ

Diễn biến dịch bệnh ngày càng trầm trọng buộc thống đốc các bang tăng tốc ban hành các lệnh giới nghiêm, yêu cầu hàng loạt trường học và doanh nghiệp phải đóng cửa để làm chậm sự lây nhiễm cộng đồng.

Các biện pháp nghiêm ngặt đã bắt đầu có hiệu lực trên toàn quốc trong tuần này khi số người chết do COVID-19 của Mỹ vượt quá 250.000 người, đứng đầu thế giới.

Thống đốc Rhode Island Gina Raimondo thông báo tạm dừng các lớp học đại học trực tiếp, đóng cửa các quán bar và hạn chế quy mô kinh doanh của các nhà hàng và nhà thờ. Trong khi đó, Michigan đóng cửa các phòng tập thể dục, trường trung học, cao đẳng và các địa điểm vui chơi giải trí.

Châu Âu giảm bớt các lệnh hạn chế để tránh làn sóng lây nhiễm mới

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, cho biết EU phải dỡ bỏ các hạn chế COVID-19 một cách từ từ để tránh làn sóng lây nhiễm khác tấn công khu vực.

Bà Ursula von der Leyen phát biểu sau khi các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thảo luận về việc đẩy mạnh các nỗ lực xét nghiệm chung trong khối, nới lỏng các đợt đóng cửa khi làn sóng thứ hai của đại dịch đang đè nặng lên nền kinh tế châu Âu.

“Tất cả chúng tôi đã rút ra kinh nghiệm trong mùa hè rằng việc thoát khỏi một làn sóng COVID-19 là rất khó khăn và việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế quá vội vàng sẽ tác động rất xấu đến tình hình dịch tễ học trong mùa hè và mùa thu. Do đó, lần này chúng tôi sẽ đưa ra đề xuất dỡ bỏ các biện pháp giới nghiêm một cách từ từ và có sự phối hợp để tránh nguy cơ xảy ra một làn sóng lây nhiễm khác” - bà Ursula von der Leyen nói.

Hiện, châu Âu đã báo cáo khoảng 11,3 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 và gần 280.000 người tử vong. Đại dịch cũng đã đẩy EU vào cuộc suy thoái sâu sắc nhất.

Chung Thu Hương (theo Reuters và AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI