Sầu riêng và mít hứa hẹn trở thành pin sạc điện thoại

07/03/2020 - 06:00

PNO - Theo nghiên cứu từ Úc, một số loại trái cây vùng nhiệt đới như sầu riêng và mít có thể thay đổi cách chúng ta sạc điện thoại thông minh hoặc xe điện trong tương lai.

Một nhóm các nhà khoa học do phó giáo sư Vincent G. Gomes tại Đại học Sydney, Úc dẫn đầu đã tìm ra cách biến lõi trái cây từ sầu riêng và mít thành bộ phận chính yếu trong các siêu tụ điện hiệu suất cao, hoặc các thiết bị lưu trữ năng lượng, từ đó có thể phát triển thêm thành những ứng dụng như pin cho thiết bị điện tử và vận chuyển.

Các tác giả viết trong báo cáo: "Các siêu tụ điện hứa hẹn cho việc lưu trữ năng lượng nhờ tính ổn định vượt trội trong chu kỳ và khả năng phóng điện tuyệt vời". 

Lớp ruột trắng bên trong mít và sầu riêng có thể được biến thành vật liệu cho pin siêu tích trữ năng lượng.
Lớp ruột trắng bên trong mít và sầu riêng có thể được biến thành vật liệu cho pin siêu tích trữ năng lượng.

Các siêu tụ điện có hai ưu điểm chính so với pin được sử dụng trong các thiết bị như điện thoại thông minh là có thể được sạc lại rất nhanh và sạc nhiều lần mà không làm giảm hiệu suất, không giống như pin lithium-ion dựa vào phản ứng hóa học để tạo ra năng lượng.

Mặc cho những lợi ích này, các siêu tụ điện không được sử dụng rộng rãi như pin vì chúng thường có mức trữ năng lượng thấp hơn và có giá khá cao. Gomes và nhóm của ông hy vọng sẽ khắc phục nhược điểm trên, bằng cách chuyển sang chất thải hữu cơ tương đối rẻ tiền từ mít và sầu riêng.

Các nhà khoa học mô tả chi tiết quá trình trích xuất các mẫu sinh khối từ "lõi xốp không ăn được của trái cây" - hoặc phần xơ trắng bao bọc múi - để biến chúng thành dạng vật liệu màu đen, rất xốp và siêu nhẹ như mô tả trong một bài báo được xuất bản trên Tạp chí Journal Of Energy Storage số tháng 2/2020.

Vật liệu aerogel hình thành khi làm bốc hơi cồn trong hỗn hợp gel silica.
Vật liệu aerogel hình thành khi làm bốc hơi cồn trong hỗn hợp gel silica.

Các nhà khoa học cho biết thêm do sự nóng lên toàn cầu và quá trình khai thác nhanh chóng làm cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch, cần phải phát triển các thiết bị lưu trữ năng lượng với mật độ năng lượng cao từ các nguồn thay thế.

Nhóm tác giả kết luận: "Chuyển đổi chất thải thực phẩm thành các sản phẩm giá trị gia tăng sẽ không chỉ cải thiện nền kinh tế nói chung mà còn giảm ô nhiễm môi trường".

Linh La (Theo Jakarta Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI