Rửa bồn cầu, người đàn ông bị hóa chất 'ăn' hai chân

06/10/2017 - 13:04

PNO - Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM tiếp nhận liên tục nhiều ca bỏng sâu do chất tẩy rửa bồn cầu. Các bác sĩ cho biết, bỏng chất tẩy rửa này còn nặng nề hơn cả bỏng axit.

Hóa chất đáng sợ không thua axít

Tháng 5/2017, anh Trần Bá Cường được chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM do hai chân bị bỏng nặng. Khi khai thác bệnh sử, thạc sĩ bác sĩ Trần Lê Hồng Ngọc, khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ của bệnh viện mới hay anh bị bỏng trong lúc chùi rửa bồn cầu.

Rua bon cau, nguoi dan ong bi hoa chat 'an' hai chan
Để tẩy vết ố vàng nhà vệ sinh, anh Cường ra chợ mua chai nước tẩy bồn cầu về để chà rửa. Trước khi chùi rửa, anh còn ý thức được mức độ nguy hiểm của loại hóa chất này nên đã mang găng tay, đi ủng bảo hộ, nhưng trong lúc chà rửa, anh sơ ý để nước bắn ngược vào người. 

Anh bị chất tẩy rửa này văng trúng, bỏng rát đùi. Tuy nhiên, anh nghĩ rằng xối nước để rửa lại sẽ hết nên không đến bệnh viện. Không ngờ những ngày sau đó, hai đùi anh bị bỏng khá sâu, người nhà đưa anh đến bệnh viện tỉnh, anh được chuyển tiếp lên Bệnh viện Trưng Vương vì vết thương nặng dẫn đến nhiễm trùng.

Trường hợp của anh Cường chỉ là một trong số ít nạn nhân của hóa chất rửa bồn cầu. Vì nhà có con nhỏ nên khi tẩy rửa bồn cầu, chị Tho đã rất cẩn thận trong lúc dọn dẹp nhà cửa. Tuy nhiên, chị không ngờ dù đã dội sạch hóa chất trên bồn cầu sau tẩy rửa nhưng con gái của chị khi sử dụng lại bị bỏng nặng ở mông do hóa chất ngấm vào.

Rua bon cau, nguoi dan ong bi hoa chat 'an' hai chan
Mặc dù anh Hải đến bệnh viện ngay khi bị chất tẩy rửa bồn cầu bắn lên người nhưng vết bỏng đã khá sâu vì anh bị bỏng kiềm.

Gần đây nhất, anh Phạm Văn Hải (31 tuổi, nhà ở TP.HCM) cũng đã bị bỏng nặng ở mặt vì chất tẩy rửa bắn vào mặt trong lúc tìm cách tẩy trắng sàn nhà vệ sinh. Thạc sĩ bác sĩ Trần Lê Hồng Ngọc cho biết: “Mặc dù bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Trưng Vương ngay sau khi vừa bị bỏng.

Diện tích bỏng thấp nhưng hóa chất đã thấm vào khá sâu khiến phần mặt bị bỏng sâu. Ngoài việc cắt lọc da tổn thương, sau khi điều trị xong có thể mặt của anh sẽ bị sẹo rất dữ phải ghép da để đảm bảo tính thẩm mỹ”.

Hầu hết những bệnh nhân này đều mua chất tẩy rửa bồn cầu gần nhà, không nhãn hiệu rõ ràng hoặc dung dịch tự sản xuất từ người bán.

Rua bon cau, nguoi dan ong bi hoa chat 'an' hai chan
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Lê Hồng Ngọc khuyến cáo khi cần tẩy rửa, người sử dụng nên mua những loại chất tẩy có xuất xứ, nhãn hiệu đáng tin cậy.

Đừng xem thường chất tẩy rửa bồn cầu

Theo bác sĩ Ngọc, bỏng chất tẩy rửa bồn cầu thường rất nặng. Đa số trường hợp bệnh nhân bị chất này bắn vào người thường chủ quan vì nghĩ rửa lại bằng nước thường sẽ xử lý được. Tuy nhiên, thành phần chính trong các chất này là dung dịch kiềm, axit hoặc benzen,… những chất gây phá hủy liên kết mô gây ra nhiều tổn thương nặng nề.

“Nhiều người nghĩ bỏng axit mới nguy hiểm, nhưng thật ra kiềm đáng sợ hơn. Axit khi bắn vào người thường chỉ gây cháy da tại chỗ, nhưng kiềm sẽ tàn phá từ từ, ban đầu dung dịch này chỉ gây đau rát nhẹ. Về lâu dài, chúng sẽ thấm sâu vào mô, cơ, xương,… thấm đến đâu kiềm sẽ tàn phá đến đó khiến tổn thương rất nhiều.

Sẹo từ dung dịch này gây ra cũng rất đáng sợ và khó điều trị. Đặc biệt, nếu bị chất tẩy rửa có kiềm bám vào mắt, người bệnh sẽ có nhiều nguy cơ bỏng giác mạc dẫn đến mù lòa.

Rua bon cau, nguoi dan ong bi hoa chat 'an' hai chan
Nếu không may bị chất tẩy rửa bồn cầu bắn vào người, nạn nhân nên rửa vùng tổn thương dưới vòi nước sạch càng lâu càng tốt, ít nhất từ 15-30 phút.

Nên chọn những loại nước tẩy rửa nhà vệ sinh chuyên dụng có thương hiệu, phổ biến, những loại tẩy rửa này các loại hóa chất đã được pha loãng, sẽ hạn chế được nguy cơ hơn các chất tẩy rửa bán tràn lan không nhãn hiệu”, bác sĩ Ngọc cho biết thêm.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM, đối với tất cả chất tẩy rửa, dung dịch nào cũng có thành phần hóa chất. Vì vậy tất cả loại tẩy rửa đều có nhiều nguy cơ gây tổn hại sức khỏe người sửa dụng.

Khi bị nước tẩy rửa bồn cầu văng trúng vào người, dù vết thương nhỏ cũng nên xối rửa nơi tiếp xúc bằng nước sạch, tốt hơn hãy để vết thương dưới vòi nước, xả rửa trực tiếp ít nhất 15-30 phút hoặc càng lâu càng tốt. Sau đó, hãy chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý vết thương.

Rua bon cau, nguoi dan ong bi hoa chat 'an' hai chan
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh khuyến cáo, khi đang điều trị bỏng, bệnh nhân nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không bôi, đắp bất kỳ loại chất khác vào vết thương.

“Xả rửa phần cơ thể tiếp xúc với chất tẩy rửa dưới vòi nước sạch sẽ pha loãng hóa chất, giảm tổn thương. Nạn nhân chỉ cần rửa bằng nước sạch, không đắp, bôi bất kỳ thứ gì lên nơi bỏng, vì nguy cơ tổn thương cao hơn nếu những như kiềm, axit,… trong chất tẩy rửa phản ứng với nhau, bỏng sẽ càng nặng hơn.

Sau điều trị, bệnh nhân chỉ nên bôi, uống các loại thuốc trị sẹo theo chỉ định của bác sĩ để phòng ngừa biến chứng về sau”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.

*Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI