Room - căn phòng đầy cảm xúc

29/02/2016 - 14:23

PNO - Dẫu không đồ sộ, hoành tráng như bảy bộ phim đề cử Oscar 2016 còn lại, Room  vẫn là tác phẩm xuất sắc, chạm đến trái tim người xem.

Room mang vẻ đẹp của sự tối giản. Từ một căn phòng, hay đúng hơn là một cái lán nhỏ, phim mở ra cả thế giới nội tâm và không gian bên ngoài con người. Người mẹ trẻ bị giam cầm bảy năm và cậu con trai năm tuổi sống chỉ biết “con và mẹ đều có thật”, còn “núi và biển lớn quá không có thật”, họ vẫn để trí tưởng tượng của mình bay qua ô cửa kính duy nhất mang đến ánh sáng từ nóc “căn phòng”.

Bộ phim bắt đầu bằng những tia sáng nhập nhoạng và lời kể chuyện của đứa con ru mẹ mình vào giấc ngủ: “Ngày xửa ngày xưa, trước khi con tới, mẹ cứ khóc hoài khóc hoài, và suốt ngày cắm đầu vào ti vi. Cho đến khi mẹ thành zombie. Nhưng rồi con rơi xuống từ thiên đường qua mái kính vào phòng. Và con đá mẹ từ bên trong “binh binh”.

Rồi con phi ra thảm với đôi mắt mở to. Rồi mẹ cắt dây và nói: “Chào Jack”. Buổi sáng hôm đó, sau khi thức dậy, cậu bé Jack (Jacob Tremblay) gửi lời chào từng đồ vật, từ cây đèn ngủ, chú rắn trứng, tủ đồ, chiếc thảm, cái ti vi, bồn rửa, toilet và cả căn phòng. Người mẹ (Brie Larson) và đứa con nhỏ có cuộc sống mà đồ vật như người bạn quen thân thiết như thế.

Room - can phong day cam xuc
Vai diễn người mẹ mang đến cho Brie Larson đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp. Nữ diễn viên sinh năm 1989 vừa đến Việt Nam tham gia những cảnh quay của phim King Kong 2

Câu chuyện con người bị giam giữ, cách ly khỏi đời sống bình thường trong nhiều năm mà bên ngoài không ai hay biết đã không còn là chuyện hiếm. Năm 2004, Nhật Bản có bộ phim Nobody Knows (Không ai biết) kể bằng phong cách “giả tài liệu”, dựa trên câu chuyện có thật về bốn đứa trẻ bị bỏ mặc suốt nhiều năm trong thành phố lớn. Câu chuyện của Room không còn là “cá biệt” hay quá xa lạ.

Bằng tài năng dẫn chuyện và sử dụng ngôn ngữ điện ảnh, nhà làm phim mau chóng đưa khán giả hòa nhập vào “căn phòng” bị cách ly. Người mẹ không có chiếc chìa khóa nào để có thể trốn thoát khỏi bốn bức tường, đứa trẻ năm tuổi chỉ có trải nghiệm rằng “người trong ti vi phẳng lì, họ được làm từ màu sắc” và mặc sức tưởng tượng về một thế giới “lạ kỳ”. Nhưng khán giả thì theo những thước phim cận cảnh, có thể tìm thấy nhiều chiếc chìa khóa để mở ra nhiều cánh cửa của Room từ thế giới quan riêng.

Bộ phim có cốt truyện đơn giản, với rất ít nhân vật và bối cảnh, nhưng đạo diễn đã khiến người xem nghĩ về phim đồng thời nghĩ về mình. Xem Room, cùng lúc khán giả được trải qua hai không gian đối lập - đóng và mở, tĩnh và động. Từ cực điểm của sự u tối trong căn phòng, người xem được “đẩy” ra cuộc sống náo động bên ngoài. Cả hai đều đâu có gì xa lạ, vậy mà phải đến khi biến cố xảy ra, chúng ta mới nhận thấy việc của mình là cần biết “nếm thử tất cả mọi thứ” như thế nào.

Có phải nhiều lúc trong cuộc đời, chúng ta cũng nhốt mình trong những căn phòng chỉ he hé ánh sáng? Như khi ta chìm đắm nhiều giờ trước ti vi, trước màn hình máy tính hay dán mắt vào điện thoại; hoặc trừu tượng hơn, là khi ta chỉ khăng khăng với một định dạng, định kiến nào đó của vật thể hay hiện tượng? Bộ phim nói với ngườ i xem, hãy bước ra ngoài chiếc hộp để biết thế giới còn có hai hay nhiều mặt, hoặc có khi đó là hình bát giác như mẹ con Jack nói với nhau.

Không chỉ truyền sự xúc động về tình mẫu tử, bộ phim còn là câu chuyện về sự kết nối của con người trong đời sống hôm nay. Có những người nhiều năm sống cạnh nhau mà chỉ có kết nối vật lý. Thay vào đó, họ kết nối nhiều hơn với đồ vật hoặc tự cô lập mình. Người đàn ông giam giữ hai mẹ con Jack là kẻ không ra gì, nhưng cũng có lúc mẹ hỏi Jack: “Con nghĩ sao nếu có người bắt Nick Già đi?”.

Vì nhiều năm tách biệt khỏi cộng đồng, mẹ con Jack khó kết nối trở lại với những người chung quanh, kể cả người thân của mình, nhưng họ vẫn nhớ tới “căn phòng”. Có những điều đã trải qua, chỉ còn trong ký ức, nhưng dù buồn đau hay tuyệt vọng thì cũng là một phần của cuộc đời mình.

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI