Mustang: Nữ quyền ở Oscar 2016

24/02/2016 - 11:50

PNO - Xem phim, người ta thấy xót xa trước sự đối lập giữa vẻ thanh xuân, xinh đẹp của những cô gái mới lớn, khát khao tự do...

Mustang: Nu quyen o Oscar 2016
Cảnh trong phim Mustang

Giữa mùa Oscar 2016 bị kêu ca phân biệt giới tính như mọi năm, bộ phim Pháp Mustang - một trong năm tác phẩm được đề cử hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất - dễ dàng gây được sự chú ý. Vì Mustang là phim duy nhất tranh giải do đạo diễn nữ thực hiện, đồng thời có sự khác biệt về nội dung, đề tài.

Trong khi bốn phim kia, Son of Saul (Hungary), Theeb (Jordan), A war (Đan Mạch) và Embrace of the Serpent (Colombia) xoay quanh các nhân vật nam, với những câu chuyện về chiến tranh, nạn diệt chủng, sự sinh tồn thì Mustang hướng tiếng nói về nữ giới. Phim phản ánh những bất công, hủ tục đối với phụ nữ Hồi giáo thông qua câu chuyện về năm chị em mồ côi (Sonay, Selma, Ece, Nur, Lale) trong một gia đình ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Phim mở đầu bằng những hình ảnh nghịch ngợm, hồn nhiên của mấy chị em trên biển với các bạn nam cùng lớp, sau bữa tiệc chia tay cảm động với một giáo viên sắp chuyển đế n thủ đô Istanbul sinh sống. Ở tuổi học trò vô tư, hành động trèo lên lưng cho bạn trai cõng là trò chơi vui, nhưng trong mắt những người lớn thủ cựu ở một làng quê xa xôi của Thổ Nhĩ Kỳ, đó là dấu hiệu của sự “lăng loàn”.

Hậu quả là về đến nhà, các chị em bị bà trách mắng, đánh đòn và tệ hơn là bị cách ly nhau, không cho ra khỏi nhà, không được đi học. Thay cho những bộ trang phục trẻ trung, hiện đại, các chị em phải khoác lên mình những bộ đồng phục sẫm màu; thay cho những buổi đến trường là những buổi dạy về may vá, nấu nướng. Bi kịch không dừng lại khi lần lượt từng cô gái bị ép gả. Không chịu nổi những hủ tục hà khắc, mấy chị em lên kế hoạch đi tìm tự do...

Được kể dưới góc nhìn của một đạo diễn nữ, Deniz Gamze Erguven, người sinh trưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ, từng nếm trải luật lệ Hồi giáo, Mustang mang lại nhiều cảm xúc với sự chân thật đến đau lòng. Xem phim, người ta thấy xót xa trước sự đối lập giữa vẻ thanh xuân, xinh đẹp của những cô gái mới lớn, khát khao tự do của họ với khung cảnh ngột ngạt, bức bí của bốn bức tường.

Họ bị những người bà, người bác cầm tù trong chính ngôi nhà của mình. Vào vai năm chị em là Elit Iscan (vai Ece), Günes Sensoy (vai Lale), Ilayda Akdogan (vai Sonay), Tugba Sunguroglu (vai Selma) và Doga Zeynep Doguslu (vai Nur), được ê kíp tuyển chọn từ hàng ngàn ứng viên. Tuổi đời của họ từ 14 đến 22, trong đó chỉ có Elit Iscan từng đóng phim, còn lại đều lần đầu đứng trước ống kính. Những gì các nữ diễn viên không chuyên trải qua trên phim có thể không phải là điều họ chịu đự g ngoài cuộc sống nhưng đó là những gì các em đã chứng kiến ở đất nước mình.

Mustang có dàn diễn viên Thổ Nhĩ Kỳ, ghi hình tại quốc gia này, lời thoại trong phim là tiếng Thổ, nhưng phim lại mang quốc tịch Pháp vì kinh phí 1,4 triệu euro do các nhà làm phim Pháp bỏ ra. Đạo diễn Deniz Gamze Erguven sinh ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ nhưng từ nhỏ đã theo gia đình sang Pháp sinh sống và học làm phim.

Trong nhiều lần trở về quê hương, nữ đạo diễn 37 tuổi này đã mắt thấy tai nghe những bất công mà phụ nữ Hồi giáo phải chịu đựng. Có cảnh là từ chuyện có thật, như đoạ n Selma bị chở vào bệnh viện kiểm tra trinh tiết sau đêm động phòng vì không chảy máu. Deniz Gamze Erguven nói các bác sĩ phụ khoa ở Thổ Nhĩ Kỳ cho cô biết mỗi mùa cưới có 50-60 trường hợp như vậy.

Deniz Gamze Erguven đem tất cả vào kịch bản, cùng sự chấp bút của biên kịch Alice Winocour vào hè năm 2012. Khi phim bấm máy được một thời gian, Deniz Gamze Erguven phát hiện mình có thai, gần như cùng lúc một trong những nhà đầu tư của phim quyết định rút vốn khiến nữ đạo diễn lao đao, phải tìm nhà đầu tư khác. Chỉ một tuần sau khi sinh con trai, Deniz Gamze Erguven trở lại trường quay để hoàn thành bộ phim.

Khi Mustang trình làng lần đầu tiên ở LHP Cannes 2015 ở hạng mục Director’s Fortnight dành cho đạo diễn có phim đầu tay, Deniz Gamze Erguven mới sinh em bé được ba tháng và người ta thấy hình ảnh giữa các buổi họp báo, có một nữ đạo diễn tranh thủ cho con bú.

Mustang sau đó giành giải Europa Cinemas Label tại LHP Cannes, rồi lập cú hattrick: Phim hay nhất, Phim đầu tay hay nhất và Diễn viên xuất sắc nhất tại giải Lumiere. Tại giải Cesar, phim cũng giành chín đề cử. Nhữ ng thành tích này là sự đền đáp xứng đáng cho Deniz Gamze Erguven - “bông hoa” hiếm hoi ở trường điện ảnh La Fémis của Paris - nơi mà lớp học làm phim của cô chỉ có mỗi cô và biên kịch Alice Winocour là nữ.

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI