Rối loạn cảm giác bàn chân: Dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm

05/12/2016 - 16:32

PNO - Các dấu hiệu bất thường ở bàn chân thường bị bỏ qua, trong đó có các triệu chứng ở bàn chân liên quan tới bệnh lý thần kinh như các rối loạn về cảm giác, hay các bất thường về vận động.

Chúng ta thường quan tâm, chăm sóc đôi bàn tay bởi chúng dễ nhìn thấy trong khi đôi bàn chân cũng quan trọng không kém, nhưng do thường mang giày dép, khó thấy nên ít được để ý hơn. Vì vậy, các dấu hiệu bất thường ở bàn chân thường bị bỏ qua, trong đó có các triệu chứng ở bàn chân liên quan tới bệnh lý thần kinh như các rối loạn về cảm giác (đau, tê, dị cảm hay mất cảm giác ở bàn chân) hay các bất thường về vận động (mỏi cơ, yếu cơ, liệt bàn chân).

Bệnh lý thần kinh liên quan tới bàn chân

Theo thạc sĩ - bác sĩ (BS) Lê Nguyễn Nhựt Tín, Phó khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, các bệnh lý thần kinh ảnh hưởng tới bàn chân chủ yếu do tổn thương hệ thần kinh ngoại biên hoặc những tổn thương chèn ép rễ thần kinh và dây thần kinh ở chân. Các bệnh lý thần kinh này có thể xảy ra cấp tính như bệnh viêm đa rễ và dây thần kinh cấp tính (hội chứng Guillain-Barre).

Các bệnh lý thần kinh ảnh hưởng tới bàn chân còn do các nguyên nhân mạn tính của bệnh thần kinh ngoại biên như: bệnh thần kinh trong các bệnh viêm nhiễm (bệnh phong, hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS), viêm đa động mạch, viêm khớp dạng thấp), bệnh thần kinh phối hợp với các rối loạn hệ thống và rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, tăng u rê huyết ở bệnh nhân suy thận, nghiện rượu và thiếu hụt dinh dưỡng) hay bệnh thần kinh di truyền (bệnh Charcot - Marie - Tooth).

Đã một tháng nay, chị T.N.B., 35 tuổi, ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM bị tê ngón chân cái, tê nhất là vào lúc đêm khuya hoặc sáng sớm. Bứt rứt khó chịu, chị thử lấy vật nhọn châm vào ngón chân, cũng không thấy đau nhiều; thậm chí khi đi làm móng, nhân viên của tiệm cắt trúng thịt làm ngón chân cái chảy máu, chị B. cũng không biết. Ngón chân cái bị nhiễm trùng, chảy mủ, người thân đưa chị đến khám. Tới lúc đó, chị B. mới được BS cho biết mình bị tổn thương thần kinh chi phối bàn chân; nếu đến khám muộn, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng, hoại tử và có nguy cơ bị cắt bỏ ngón chân.

Roi loan cam giac ban chan: Dau hieu cua nhieu benh nguy hiem
BS Triết đang kiểm tra mạch máu nuôi chân cho một bệnh nhân - Ảnh: Thanh Huyền

Cắt cụt chân vì biến chứng của đái tháo đường

Nguyên nhân gây tổn thương thần kinh ngoại biên bàn chân rất nhiều, trong đó phải kể đến biến chứng của bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). BS Trần Minh Triết, khoa Nội tiết - Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM từng tiếp nhận nhiều trường hợp bàn chân bị mất cảm giác, tổn thương nặng do ĐTĐ.

“Cách đây không lâu, có cụ bà ở miền Tây nhập viện trong tình trạng da bàn chân trái lột ra hết vì phỏng. Người nhà chia sẻ, ở quê, bà cụ quen đi chân trần vào bếp, đạp trúng than mà không biết (do ĐTĐ lâu ngày làm bà cụ mất hẳn cảm giác ở hai bàn chân). Mãi tới khi con cái phát hiện thì chân bà cụ đã bị hoại tử lan rộng, phải cưa một bàn chân để bảo toàn mạng sống”, BS Triết kể. Đến nay, ngoại trừ trường hợp chấn thương, tai nạn, biến chứng xảy ra ở bàn chân vẫn là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân ĐTĐ phải cưa chân (đoạn chi).

Theo BS Triết, rất dễ nhận biết biến chứng đa dây thần kinh do ĐTĐ. Ngoài tê chân, bệnh nhân còn cảm giác châm chích, dị cảm, thường là đối xứng ở hai bàn chân; nếu bệnh nhân quan sát bàn chân mỗi ngày, có thể thấy các nốt chai, phồng da, biến dạng hoặc vết loét ở bàn chân, hoặc màu sắc da thay đổi do các mạch máu nuôi bàn chân bị giảm mạnh.

Bệnh đa dây thần kinh ngoại biên có thể xảy ra ở người mắc ĐTĐ giai đoạn sớm nếu đường huyết quá cao, nhưng thường gặp ở những bệnh nhân ĐTĐ lâu ngày nhưng đường huyết không được kiểm soát tốt. Mỗi ngày, phòng khám Nội tiết của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám khoảng trên 200 bệnh nhân ĐTĐ, trong đó rất nhiều bệnh nhân ĐTĐ lâu năm, bị biến chứng ở bàn chân.

Đe dọa tính mạng nếu điều trị trễ

Theo các BS, khi bàn chân có các biểu hiện bất thường về cảm giác cũng như vận động thì nên đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tùy từng nguyên nhân gây bệnh, BS sẽ chỉ định cách điều trị khác nhau. Nếu do chèn ép rễ hay dây thần kinh thì phải phẫu thuật, kết hợp với điều trị nội khoa.

Với các bệnh thần kinh ngoại biên liên quan đến bệnh ĐTĐ hay suy thận thì đầu tiên phải điều trị tốt các bệnh nền, như kiểm soát tốt đường huyết hay tình trạng tăng u rê huyết; tiếp đó, bệnh nhân sẽ được cho các nhóm thuốc có tác dụng giảm đau, dinh dưỡng thần kinh hay tập vật lý trị liệu.

Cũng theo các BS, dù với nguyên nhân gì, một khi đã bị tổn thương thần kinh ngoại biên ở bàn chân thì bệnh nhân phải chú ý chăm sóc và giữ gìn bàn chân, bằng cách luôn đi giày dép, vệ sinh chân sạch sẽ, không nên cắt khóe móng chân (dễ bị chảy máu, nhiễm trùng mà không biết), tránh xoa dầu nóng (dễ gây phỏng da). Trên thực tế, có một số bệnh lý thần kinh ban đầu chỉ khu trú ở bàn chân, sau đó lan rộng cả hai chân hay toàn thân, thậm chí người bệnh có thể tử vong do bệnh lý ảnh hưởng tới hệ hô hấp và hệ tuần hoàn.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI