Rổ rá 'sút cạp'

05/03/2015 - 11:41

PNO - PN - “Vợ chồng rổ rá cạp lại” những tưởng sẽ nương tựa nhau đến cuối đời sau những sóng gió, bất hạnh; ngờ đâu rổ rá lại “sút cạp”, họ phải đáo tụng đình hơn thua, tranh giành tài sản...

edf40wrjww2tblPage:Content

Phiên tòa phúc thẩm dân sự TAND tỉnh Bình Định hôm ấy chỉ có hai người. Ông 70 tuổi, bà ngoài 50 tuổi. Họ ngồi hai góc. Người đàn ông trầm ngâm, co ro trong chiếc áo ấm đã cũ mòn, cố gắng thu người hết mức để tránh ánh mắt soi mói, ác cảm của người đã một thời từng đầu ấp tay gối. Còn bà, ngược lại, không ngừng rỉa rói: “Hứ, cái đồ già mà không nên nết”. Nhiếc móc đến đâu, bà không quên quét “đôi mắt mang hình viên đạn” sang ông đến đó.

Ông tên N.T., vợ mất, có bốn con. Bà tên N.T.H. cũng chồng chết, hai con trai một ở quê, một ở Mỹ. Họ quen biết nhau lâu rồi mới quyết định kết hôn vào năm 2005. Rồi ông đưa bà về sống ở nhà mình. Bà bỏ ra một chút ít tiền, công sức sửa sang lại gian bếp và mấy phòng trọ cho thuê. Sau chín năm hai tháng sống chung, cơm không lành canh không ngọt, bà quyết ly hôn.

Tháng 7/2014, TAND huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã tuyên xử: do nhà, đất đều là của ông T. tạo lập, bà H. chỉ bỏ chút ít tiền sửa sang phòng ốc, vườn tược, ông T. phải thối lại cho bà H. 1/2 giá trị tài sản chung của vợ chồng là gần 24 triệu đồng. Ông tự nguyện đưa thêm năm triệu đồng cho bà, gọi là đền bù công sức. Bà kháng cáo, yêu cầu ông phải tính cho bà khoản tiền “của chồng công vợ” trong thời gian bà làm vợ chín năm hai tháng, với mức tiền công 100 ngàn đồng/ngày cho mỗi ngày làm vợ.

Ro ra 'sut cap'

Ông T. và bà H. trong phiên tòa ly hôn phúc thẩm

Chủ tọa phiên tòa hôm ấy khuyên: “Ông bà nên suy nghĩ lại. Tuổi đã lớn rồi, cắn đắng so đo với nhau làm chi nữa, chi bằng về sống với nhau”. Nhưng bà nhất quyết không chịu tái hợp, vẫn nhất định đòi chồng cũ phải có bổn phận lo cho mình chỗ ở đến cuối đời vì lẽ: “Bởi ưng ông ấy nên tui mới xuất giá, nhà của chồng cũ tui đã giao lại cho con trai rồi, giờ sao về đó ở được. Nếu không ưng ông ấy, giờ này tui đã có nhà lầu xe hơi rồi. Tại vì ông ấy mà tui mang tiếng mang tai sang tận Mỹ. Con trai tui bên đó điện về mắng tui hoài”. Rồi bà lớn tiếng tranh luận, phân bua sôi nổi đến mức chủ tọa phiên tòa rất nhiều lần phải nhắc nhở bà nói ít lại, tòa hỏi gì thì trả lời cái đó.

Khác với thái độ chua ngoa của người vợ, ông chồng điềm đạm song rất kiên quyết. Mỗi lời ông nói như dao chém đá: “Bà ấy ưng tui thì về nhà tui ở, tui bỏ tiền ra sửa sang mọi thứ trong nhà. Cũng chỉ vì bà ấy bảo tui bán đất ở mặt đường quốc lộ mà tui không nghe nên mới kiếm cớ ly hôn. Thôi thì bà ấy ưng vậy, tui cũng chiều, có kiện lên cấp tỉnh tui cũng đi theo cho biết. Tui đã đưa thêm cho bà ấy năm triệu rồi, giờ tòa động viên đưa thêm nữa thì một xu nhất định tui cũng không chi. Tui còn phải nuôi mẹ già 90 tuổi, sáng giờ nhịn đói mà đi xe buýt vào tận đây. Tiền mồ hôi nước mắt chứ có phải lấy không của ai đâu”.

Xét thấy yêu cầu của bà H. đòi tiền công làm vợ mỗi ngày 100 ngàn đồng là quá vô lý nên tòa xử y án sơ thẩm. Thua kiện, bà H. ra về trong hậm hực, không ngừng tuôn hàng tràng ngôn từ độc địa về phía người chồng, dọa sẽ “túm tóc, kéo đầu”. Còn ông, cứ lầm lũi bước đi, dường như “miễn nhiễm” với ngôn từ của người đã từng là vợ. Chỉ phiền cho mấy anh cảnh sát tư pháp hỗ trợ phải chạy đi chạy lại nhắc chừng bà vợ: “Đề nghị bà im lặng giúp cho, phòng bên cũng đang xử án. Ở tòa chứ không phải ở nhà, không thể muốn nói gì thì nói”.

 THU NGUYỄN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI