Quên cỡ nào thì thành... bệnh?

18/11/2022 - 14:48

PNO - Nhận biết được các dấu hiệu bất thường của chứng hay quên để đi khám và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng.

Rất nhiều người trẻ đang trong độ tuổi học tập và lao động gặp phải các phiền toái lớn vì bỗng dưng mắc chứng hay quên. Việc hay quên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đôi khi chỉ do áp lực căng thẳng nhưng cũng có thể báo hiệu một bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến não bộ.

Các pha nguy hiểm vì… quên

Người trẻ mắc chứng hay quên có thể do các bệnh lý liên quan đến não bộ - ẢNH MINH HỌA
Người trẻ mắc chứng hay quên có thể do các bệnh lý liên quan đến não bộ (Ảnh minh họa)

Nhóm người mắc chứng hay quên phải kể tới đầu tiên là phụ nữ sau thời gian hậu sản. Chị P.T.B.P. (34 tuổi, ngụ tại quận 8, TPHCM) sinh con từ 8 tháng trước. Sau khi sinh, chị không thể tập trung làm việc và rất hay quên. Một lần đang nấu cháo, chị quên bẵng, khóa cửa đi siêu thị.

Ở siêu thị, chị thong thả lựa đồ, không hề nhớ mình đang nấu cháo. 2 tiếng sau chị trở về, mở cửa ra thấy mùi khét lẹt, khói mù mịt, trong bồn rửa chén là nồi cháo cháy đen. Chồng chị P. nói may mà anh về kịp và tắt bếp, nếu không thì đã xảy ra hỏa hoạn.

Chị P. còn vô số lần quên… đáng nhớ. Một lần, chị đang bế con mà lại đi vào phòng, ngó lên giường tìm con. Tới khi em bé trên tay cựa quậy, chị mới giật mình sực tỉnh. Vô cùng lo lắng về chứng hay quên của mình, chị quyết định đi khám bởi nếu tình trạng này còn tiếp diễn sẽ gây ra những hệ lụy vô cùng nguy hiểm.

Có những trường hợp trẻ tuổi hơn cả chị P. đã mắc chứng hay quên. P.V.Đ, đang là sinh viên năm 2, cho biết khoảng 1 năm nay, bỗng dưng bạn trở nên đểnh đoảng, đãng trí. “Tôi đi học mà bỏ quên ba lô sách vở ở nhà, khi đến trường mới nhớ ra” - Đ. tâm sự.

Ngoài ra, trên lớp, Đ. còn khó tập trung vào bài giảng. Bạn không thể ghi chép kịp bài giảng, phải dùng điện thoại quay video để về nhà xem lại.

Chứng hay quên của Đ. còn biểu hiện qua việc thường xuyên quên tắt đèn ở các phòng lúc không sử dụng, nấu ăn thì không nhớ đã nêm gia vị hay chưa… Vì không thể tập trung, kết quả học tập của Đ. giảm sút rõ rệt. Đ. từng được mẹ đưa đi khám tâm lý, tâm thần và được bác sĩ cho biết nguyên nhân là do yếu tố di truyền. Bà ngoại và dì của Đ. cũng bị mắc bệnh sa sút trí tuệ từ khi mới ngoài 40 tuổi.

Nguyên nhân nào gây ra chứng hay quên?

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM ghi nhận rất nhiều trường hợp người trẻ đi khám vì mắc chứng hay quên. Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Ngọc Quyên (Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM), trí nhớ được chia làm 2 dạng: ngắn hạn và dài hạn.

Trí nhớ dài hạn được lưu trữ ở tầng sâu hơn. Các kỹ năng lái xe, bơi, làm công việc nghề nghiệp… liên quan đến trí nhớ dài hạn. Ngoài ra, trí nhớ dài hạn còn là những ký ức gắn với sự khen thưởng. Khi bạn được khen thưởng, cảm thấy hạnh phúc, phần ký ức đó sẽ được lưu giữ lâu hơn trong não bộ. Trí nhớ ngắn hạn liên quan tới những hoạt động chúng ta làm để thích nghi và sinh tồn (hay gặp trục trặc bởi dễ bị xao nhãng, đặc biệt là ở trẻ em). 

Bác sĩ Quyên cho rằng, nếu chứng hay quên xảy ra với người trẻ ở độ tuổi lao động, đang gánh vác nhiều công việc và trọng trách xã hội, việc gặp chuyên gia y tế là vô cùng cần thiết. Những người này cần được khám, chẩn đoán xem nguyên nhân quên là do sinh lý của cơ thể hay do bệnh lý. 

Chứng hay quên có thể xảy ra ngay tức thì trong thời gian ngắn hoặc kéo dài hơn, lặp đi lặp lại làm giảm hiệu quả làm việc, học tập và tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ khi lớn tuổi. 

Khó ghi nhớ ở người trẻ là gợi ý của rối loạn tâm thần, rối loạn cảm xúc, trầm cảm, lo âu hoặc khi một người phải thường xuyên đối diện với căng thẳng kéo dài. Ngoài ra, tâm trạng không tốt, sợ hãi hay lo âu cũng có thể làm giảm khả năng tập trung, ghi nhớ ở cả người trưởng thành lẫn trẻ em.

Nếu nghi ngờ bản thân mắc chứng hay quên, hãy xem lối sống của bạn có phù hợp, được sắp xếp ổn thỏa hay chưa
Nếu nghi ngờ bản thân mắc chứng hay quên, hãy xem lối sống của bạn có phù hợp, được sắp xếp ổn thỏa hay chưa (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn chứng hay quên với bệnh Alzheimer. Alzheimer là bệnh lý thoái hóa thần kinh, thường gặp nhất trong nhóm sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, không phải cứ quên là bị Alzheimer. Quên còn có thể là biểu hiện sinh lý thông thường, không phải bệnh lý. Nếu quên do bệnh lý, đó là vì bệnh nhân bị suy giảm nhận thức. Nhóm suy giảm nhận thức được chia ra thành: liên quan đến trí nhớ và liên quan đến các phần nhận thức còn lại. Người bị suy giảm trí nhớ nhẹ chỉ cần được bác sĩ theo dõi và chẩn đoán, từ đó có kế hoạch điều trị căn nguyên gây bệnh.

Còn đối với bệnh Alzheimer hay các bệnh lý gây sa sút trí tuệ khác, người bệnh suy giảm các chức năng nhận thức, trong đó trí nhớ chỉ là một chức năng nhận thức. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động, cuộc sống thường nhật của bệnh nhân.

Trí nhớ, chức năng nhận thức là do não điều khiển. Bộ não được coi như trung tâm điều hành của cơ thể. Khi trung tâm điều hành bị trục trặc sẽ dẫn tới quên. 

Những bệnh lý gây ra tình trạng quên phải kể tới là bệnh lý mạch máu não (mạch máu nuôi não bị ảnh hưởng), viêm não. Ngoài ra, suy gan, suy thận gây ra các độc tố làm tổn thương não; tác dụng phụ của thuốc; tình trạng thiếu vitamin B12; rối loạn lo âu, trầm cảm… cũng là bệnh lý khiến chúng ta hay quên.

Trong những yếu tố nguy cơ của bệnh quên, có một số khắc phục được và một số không khắc phục được. Nhóm không khắc phục được là yếu tố gia đình, tuổi tác... Nhóm thay đổi được là phụ nữ ở giai đoạn hậu sản (sức khỏe suy giảm, người mẹ nghỉ ngơi không đủ dẫn tới khả năng tập trung kém), người uống rượu nhiều (rượu hại não, tương tác một số loại thuốc làm giảm khả năng lưu trữ trí nhớ), bệnh nhân suy thận, suy giáp, rối loạn lo âu, trầm cảm. Những bệnh nhân thuộc nhóm này chỉ cần điều trị dứt điểm các căn nguyên kể trên thì chứng hay quên cũng tự động mất đi.

Khi nào cần đi khám?

Đó là lúc chính bản thân hoặc bạn bè, gia đình bạn nhận ra hệ lụy từ việc quên gây ra. Bên cạnh đó, nếu trong gia đình có người thân bị sa sút trí tuệ, bạn cũng nên đi khám nếu thấy mình có dấu hiệu giảm trí nhớ. Ngoài ra, bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, người cứ lặp đi lặp lại một câu hỏi nhiều lần, đi lạc đường nhiều lần ở nơi rất quen thuộc, xuề xòa trong ăn mặc, trục trặc trong giao tiếp (gặp vấn đề khi tìm kiếm từ ngữ lúc nói chuyện)… cũng nên đi khám chứng hay quên.

Bác sĩ Quyên khuyến cáo, khi có dấu hiệu báo động kể trên, bạn hãy tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán, xác định căn nguyên của vấn đề nhằm có giải pháp phù hợp. Nếu chứng hay quên liên quan tới lối sống, giải pháp tốt nhất là tạo thói quen đi bộ nhanh 40 phút mỗi ngày, chơi cờ, học ngoại ngữ, đọc sách, học các kỹ năng mới, tham gia nhiều hoạt động giao tiếp xã hội, ngủ đủ giấc, lập thói quen làm việc theo thời gian biểu… Các hoạt động đó sẽ giúp cải thiện sự tập trung.

Nếu nghi ngờ bản thân mắc chứng hay quên, hãy xem lối sống của bạn có phù hợp, được sắp xếp ổn thỏa hay chưa. Từ đó, bạn sẽ nhận biết mình quên là do nguyên nhân khách quan hay chủ quan và kịp thời đi khám, điều trị. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI