Quảng Nam sẽ thi tuyển ý tưởng quy hoạch khu vực Dinh trấn Thanh Chiêm

25/05/2024 - 12:56

PNO - Tỉnh Quảng Nam sẽ thi tuyển ý tưởng quy hoạch khu vực Dinh trấn Thanh Chiêm kết nối phát triển du lịch, tái hiện kiến trúc Dinh trấn Thanh Chiêm và xây dựng Bia chữ Quốc ngữ.

Ngày 24/5, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất cho UBND thị xã Điện Bàn tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch khu vực Dinh trấn Thanh Chiêm kết nối phát triển du lịch, tái hiện kiến trúc Dinh trấn Thanh Chiêm và xây dựng Bia chữ Quốc ngữ.

Theo các tài liệu khảo cứu, Dinh trấn Thanh Chiêm ra đời gắn với việc chúa Tiên Nguyễn Hoàng sai con là Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ dinh Quảng Nam năm 1602 và cắt vùng đất nam Hải Vân (thuộc huyện Điện Bàn xưa) nhập vào dinh Quảng Nam (1604).

Từ đó, Quảng Nam trở thành trung tâm chính trị, kinh tế lớn - “kinh đô thứ hai” ở Đàng Trong, sau thủ phủ Phú Xuân, và là hậu phương vững chắc cho Thuận Hóa; góp phần cùng với thủ phủ Phú Xuân giữ yên mặt bắc, phòng thủ mặt đông và mở cõi về phương Nam.

Đình làng Thanh Chiêm, nơi lưu dấu Dinh trấn Thanh Chiêm xưa_Ảnh: Cổng thông tin điện tử TX Điện Bàn.
Đình làng Thanh Chiêm, nơi lưu dấu Dinh trấn Thanh Chiêm xưa - Ảnh: Cổng thông tin điện tử TX Điện Bàn

Không chỉ quán xuyến hoạt động kinh tế ở vùng đất Quảng Nam, Dinh Chiêm còn là nơi điều hành hoạt động của Tuần ty và quan thủ ngự cai trị vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, một trung tâm kinh tế chính trị mới hình thành trên vùng đất phương Nam vừa kết nối vào lãnh thổ Đại Việt dưới thời các chúa Nguyễn.

Trong các thế kỷ XVII - XVIII, thông qua cảng thị Hội An, Quảng Nam trở thành cửa ngõ trọng yếu trong chính sách kinh tế đối ngoại của các chúa Nguyễn, là đầu cầu trao đổi thương mại, văn hóa với bên ngoài, du nhập Thiên Chúa giáo từ phương Tây vào Đàng Trong, tạo điều kiện cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ.

Cùng với Hội An, Thanh Chiêm là nơi đầu tiên ở Đàng Trong tiếp nhận các giáo sĩ phương Tây đến truyền giáo. Đây cũng là tiền đề và cội nguồn sâu xa cho việc ra đời chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XVII.

Trong đó, Thanh Chiêm là nơi các giáo sĩ Thiên Chúa giáo Dòng Tên bắt đầu công việc sáng tạo chữ Quốc ngữ của mình. Giáo sĩ Francisco de Pina (người Bồ Đào Nha) và giáo sĩ Alexandre de Rhodes (người Pháp) là những người có công hoàn thiện chữ Quốc ngữ…

Ngày 24/5/2017, Bộ VH-TT&DL công nhận xếp hạng cấp quốc gia đối với Di tích khảo cổ địa điểm Dinh trấn Thanh Chiêm (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn).

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI