Quan hệ Nga-Mỹ xấu đến đâu sau khi Nga "chứa chấp" Snowden?

02/08/2013 - 22:15

PNO - PNO - Quyết định của Nga cấp quy chế tị nạn tạm thời cho cựu nhân viên CIA Edward Snowden đẩy quan hệ với Mỹ xuống đến mức thấp nhất trong nhiều năm nay và làm phức tạp thêm những nỗ lực đối phó với các thách thức chính trị.

Khi hành động “chứa chấp” Snowden của Nga được xem là một “cái tát vào mặt” Tổng thống Mỹ Barack Obama, Nhà Trắng đang cân nhắc liệu ông Obama có nên rút lui khỏi một hội nghị thượng đỉnh với Nga vào đầu tháng 9/2013, nhằm trả đũa Tổng thống Nga Vladimir Putin hay không.

Các chuyên gia nhận định rằng việc Washington đưa ra lời dọa dẫm như thế càng nhấn mạnh thêm những hậu quả có thể rất nghiêm trọng đối với bất kỳ triển vọng hòa giải giữa hai đối thủ thời Chiến tranh lạnh. Đó lại là nỗ lực nhằm giải quyết những vấn đề toàn cầu gai góc vốn vượt xa số phận của người đàn ông 30 tuổi đã tiết lộ những bí mật động trời liên quan đén các chương trình do thám của Mỹ và giờ đây đang chạy trốn sự truy tố của Washington.

Quan he Nga-My xau den dau sau khi Nga

Quan hệ Nga - Mỹ xấu đi sau khi Nga "chứa chấp" tội đồ của nước Mỹ là Edward Snowden (ảnh: BBC)

Người ta cũng thấy, hai người đàn ông đứng đầu hai cường quốc Mỹ và Nga không thể giải quyết tất cả khác biệt ngay cả nếu cuộc họp cấp cao được tổ chức như dự định. Bởi họ đểu là người có cá tính mạnh và những cuộc họp thượng đỉnh trước đó thường không đem lại kết quả.

Trong khi Điện Kremlin giảm nhẹ bất kỳ “va chạm” song phương nào, giới chức chính quyền Obama và các nhà lập pháp hàng đầu đã tỏ ý cho thấy mọi thứ đã không còn nguyên vẹn kể từ khi Nga cấp phép tị nạn một năm cho Snowden và cho phép người này rời sân bay Sheremetyevo ở Moscow sau hơn năm tuần “chôn chân” tại đây.

Ông Andrew Weiss, cựu cố vấn về Nga của nguyên Tổng thống Bill Clinton, phát biểu: “Bầu không khí chính trị ở Washington về Nga hiện rất đáng sợ. Sự phẫn nộ đối với Nga đang sôi sục trong bộ máy chính trị. Snowden là một chất xúc tác”.

Đứng đầu danh sách dài những khác biệt giữa Mỹ với Nga là việc Moscow ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc xung đột kéo dài hơn hai năm qua ở nước này, ngay cả khi Washington kêu gọi ông al-Assad từ chức. Khi Iran sắp chào đón việc nhậm chức của tân Tổng thống Hassan Rouhani, người tỏ ý sẵn sàng đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này, đang có những lo ngại ở Washington về việc Moscow sẽ “phá bĩnh” nỗ lực của các nước phương Tây trong việc kìm hãm tham vọng hạt nhân của Tehran.

Căng thẳng về vụ Snowden cũng có thể khiến Tổng thống Obama khó thúc đẩy các cuộc đàm phán về thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân mới với Nga. Moscow cho đến nay không tỏ ra quan tâm mấy đến ý tưởng này.

Dù chống khủng bố nổi lên như một điểm sáng trong quan hệ song phương, đặc biệt sau vụ đánh bom kép ở Boston, lĩnh vực này cũng bị ảnh hưởng. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố quyết định của Nga về Snowden “gây tổn hại lịch sử hợp tác về thực thi pháp luật” giữa Mỹ với Nga.

Chính quyền Obama hiện phải quyết định rằng họ cần bày tỏ sự phẫn nộ của mình đến mức nào. Nhưng những lựa chọn của họ có thể bị hạn chế, đặc biệt giữa lúc Washington cần tiếp tục sử dụng lãnh thổ Nga cho việc rút quân khỏi Afghanistan và vẫn hy vọng về sự hợp tác ngoại giao với Nga chống Iran.

Quan he Nga-My xau den dau sau khi Nga

Edward Snowden sẽ thuê nhà và tìm việc làm ở Nga (ảnh: Salon)

Quyết định đầu tiên chính là liệu ông Obama có nên gặp người đồng cấp Nga Putin ở Moscow vào tháng tới hay không.

Việc hủy bỏ cuộc gặp có thể không khiến Nga phản ứng mạnh. Nhưng đó sẽ là một câu chuyện khác nếu chủ nhân Nhà Trắng quyết định không tham dự hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo nhóm G20 sẽ diễn ra ở Saint Petersburg không lâu sau đó.

Một số nhà lập pháp Mỹ chỉ trích Moscow “đâm sau lưng” Washington và kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông mà Nga đăng cai tổ chức vào tháng 2/2014. Dù vậy dư luận đánh giá, việc này nếu có thì lại là một bước đi quá đà của Nhà Trắng.

Bất chấp căng thẳng gia tăng, không ai dự đoán về sự rạn nứt thực sự trong quan hệ giữa Washington và Moscow. Nhiều người tin rằng hai bên sẽ có một thời gian dạt ra xa nhau, nhưng cuối cùng sẽ gạn lọc bất đồng để ngồi lại với nhau.

Trong khi đó, các bài viết dựa trên những tiết lộ của Snowden vẫn tiếp tục xuất hiện. Tờ The Guardian của Anh ngảy 1/8 đưa tin chính phủ Mỹ đã trả ít nhất 150 triệu USD cho cơ quan tình báo GCHQ của Anh để được tiếp cận các chương trình tình báo.

Luật sư Anatoly Kucherena, người hỗ trợ Snowden, cho hay cựu nhân viên CIA đã tìm được chỗ ở tại nhà của một người Mỹ sau khi rời sân bay Sheremetyevo. Tiếp đó, Snowden sẽ thuê nhà và tìm việc làm.

HUY KHANG (Theo Reuters, BBC)


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI