Phường Phú Thọ Hòa - TPHCM: Gọi tên địa đạo trong thành phố

10/07/2025 - 20:29

PNO - Cái tên “Phú Thọ Hòa” gợi nhớ Di tích lịch sử cấp quốc gia: địa đạo Phú Thọ Hòa (tại số 139 Phú Thọ Hòa, phường Phú Thọ Hòa,TPHCM).

Phường Phú Thọ Hòa sau sáp nhập gồm toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Phú Thọ Hòa cũ và một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Tân Thành và phường Tân Quý.

Ở TPHCM, khi nhắc đến địa đạo, người dân thường nhớ đến địa đạo Củ Chi - di tích lịch sử, địa điểm tham quan thu hút du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, giữa lòng thành phố còn có một địa đạo quan trọng khác nhưng cho đến nay vẫn chưa được nhiều người biết đến: địa đạo Phú Thọ Hòa (có địa chỉ tại số 139 Phú Thọ Hòa, phường Phú Thọ Hòa, TPHCM).

Cổng vào địa đạo Phú Thọ Hòa. Ảnh: Quốc Thái. Nguồn: phunuonline
Cổng vào địa đạo Phú Thọ Hòa - Ảnh: Quốc Thái

Nếu như địa đạo Củ Chi đã được viết rất nhiều trong các tác phẩm văn chương về "đất thép thành đồng", thì địa đạo Phú Thọ Hòa gần như đã bị những người cầm bút lãng quên. Một trong những bài thơ hiếm hoi viết cho di tích này là của tác giả Hải Như (đăng trên báo Nhân Dân vào năm 2014):

"Phú Thọ Hòa - Cái tên chúng ta chẳng để ý đâu nhưng thực dân Pháp nhớ

Một cái tên làm nhức nhối kẻ thù xâm lược không cho chúng ngủ yên

Đừng chỉ nhìn địa đạo bên ngoài giờ đây cỏ hoang và đất sụt

Đất ở đây, cỏ ở đây chúng ta không được quên cũng biết vui buồn..."

Đôi dòng gói gọn mà vừa nhắc nhớ giá trị của địa đạo một thời vừa bùi ngùi trước di tích hôm nay. Tác giả Hải Như miêu tả: "Địa đạo đào bằng tay. Và tất nhiên đào về đêm khi chiều xuống/Tiểu đội tuần tiểu thù sáng sáng vào làng không hề biết mảy may/Một đại đội quân ta tập kết dưới hầm có đủ lương ăn chờ xuất kích/Từng tung ra những trận “đòn trời giáng” xuống Tân Sơn Nhất sân bay...."

Mô hình địa đạo Phú Thọ Hòa. Ảnh: Quốc Thái
Mô hình địa đạo Phú Thọ Hòa - Ảnh: Quốc Thái

Địa đạo Phú Thọ Hòa được xây dựng vào năm 1947, có chiều dài khoảng 10km. Đây cũng là địa đạo đầu tiên của thành phố. Từ trong lòng đất, bộ đội ta đã tiến hành nhiều cuộc tấn công, góp phần làm suy yếu quân lực địch. Hàng loạt chiến công còn được nhắc nhớ đến ngày nay: cuộc tấn công vào kho vũ khí Bảy Hiền, đồn bốt Cao Đài, đột nhập và phá hủy kho bom Phú Thọ...

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, địa đạo Phú Thọ Hòa là căn cứ chiến lược quan trọng và vững chắc cho lực lượng cách mạng. Những trận đánh, những chiến công được ghi vào sử sách bằng những con số, nhưng đó là xương máu và hy sinh của biết bao người chiến sĩ anh hùng. Những "đại đội quyết tử" năm xưa đã làm nổ tung hàng chục ngàn tấn bom đạn, hàng triệu lít xăng dầu, làm tiêu hao lực lượng quân thù...

Tháng 4/1966, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã dùng xe ủi đất phá hủy địa đạo và bao vây khu vực. Địa đạo Phú Thọ Hòa đã hoàn thành sứ mệnh sau gần 2 thập kỷ...

Địa đạo hôm nay. Ảnh: Tam Bình. Nguồn: phunuonline
Địa đạo Phú Thọ Hòa hôm nay - Ảnh: Tam Bình

Trong lần về thăm địa đạo Phú Thọ Hòa vào năm 1984, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhắn nhủ: "Phải dựng lại cuộc chiến đấu của những người đã hy sinh và còn sống, để giáo dục nhân dân thành phố nhất là thế hệ thanh niên về Phú Thọ Hòa, nơi đã có những người con yêu nước, yêu đồng bào, ghét kẻ thù ngoại bang đến xâm lược và những kẻ tôi tớ cho bọn xâm lược nước ta".

Một đoạn địa đạo dài khoảng 100m đã được khôi phục cho du khách tham quan - theo lời nhắn nhủ của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Địa đạo Phú Thọ Hòa được trùng tu năm 1985 và được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1996.

Phường Phú Thọ Hòa ngày nay ngoài di tích địa đạo còn có nhiều đình chùa, chợ truyền thống, chợ vải Phú Thọ Hòa...

Lam Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI