Phụ nữ Trung Quốc giận dữ vì... được nghỉ thai sản dài ngày

14/05/2022 - 11:47

PNO - Nhiều phụ nữ Trung Quốc tỏ ra lo lắng cho tương lai nghề nghiệp của mình nếu phải nghỉ thai sản dài ngày theo chính sách mới của một số địa phương.

 

- Ảnh: Reuters
Áp phích khuyến khích phụ nữ sinh nhiều con hơn - Ảnh: Reuters

Cuối năm 2021, khi một số địa phương ở Trung Quốc công bố kế hoạch kéo dài thời gian nghỉ thai sản bắt buộc đối với phụ nữ mang thai thì đối tượng mục tiêu này tỏ ra không mấy hào hứng. Nhiều phụ nữ Trung Quốc bày tỏ thái độ tức giận và bất mãn.

Sự phản kháng của phụ nữ với chính sách của chính quyền là một ví dụ minh họa rõ nét cho tình huống khó xử mà Trung Quốc đang phải đối mặt.

Năm ngoái, chỉ có 10,6 triệu đứa trẻ được sinh ra, một con số được cho là tương đương với tỷ suất chết thô ở quốc gia tỷ dân này. Lực lượng trong độ tuổi lao động cũng đang trên đà giảm sút trong khi số người đến tuổi nghỉ hưu lại tăng vọt. Tình trạng mất cân bằng nhân khẩu học này có nguy cơ cản trở mục tiêu và nỗ lực trở thành một quốc gia giàu có hơn của Trung Quốc.

Vì vậy, Trung Quốc khuyến khích phụ nữ sinh thêm nhiều con trở lại, khác với các chiến dịch giảm sinh khắt khe mà họ đã áp dụng trước đây. Tuy nhiên, họ lại gặp phải sự phản kháng của nhiều phụ nữ hiện đại ủng hộ nữ quyền ở Trung Quốc.

Một số địa phương ở Trung Quốc tăng thời gian nghỉ thai sản lên tới 6 tháng - Ảnh: Getty Images
Một số địa phương ở Trung Quốc tăng thời gian nghỉ thai sản lên tới 6 tháng - Ảnh: Getty Images

Chen Su, một nữ nhân viên văn phòng trẻ cho biết, cô đã từng hình dung cuộc sống của mình theo cách sẽ kết hôn và sinh con đẻ cái như cách mà bố mẹ cô đã từng sống. Thế nhưng từ khi được tiếp xúc với các tư tưởng về nữ quyền trong trường đại học, cô đã thay đổi quan điểm của mình về hôn nhân và cuộc đời.

“Không khác gì với việc bạn bị giam giữ trong một chiếc lồng vô hình khổng lồ”, cô nói với tạp chí Quartz.

Nhận thấy sự nghiêm trọng của vấn đề, từ năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã có động thái thúc đẩy việc sinh con của phụ nữ bằng cách đề ra một số chính sách mới có lợi hơn, trong đó chú trọng đến phúc lợi việc làm, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ.

Một trong những điểm thay đổi quan trọng trong chính sách thai sản mà nhiều chính quyền địa phương lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh và Hồ Bắc đã áp dụng từ tháng 11/2021 là tăng thời gian nghỉ thai sản cho sản phụ từ 98 ngày theo luật của chính quyền trung ương lên ít nhất 5 tháng nghỉ chăm con được hưởng lương. Tỉnh Chiết Giang thì mở rộng quyền lợi lên sáu tháng cho những phụ nữ sinh con thứ hai hoặc thứ ba. Một số địa phương khác thậm chí đang xem xét việc tăng thời gian nghỉ thai sản kéo dài lên tới một năm.

Thế nhưng, nhiều phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 30 lại lo sợ rằng, giải pháp kéo dài thời gian nghỉ thai sản như thế này sẽ khiến các nhà tuyển dụng không mặn mà lắm với việc tuyển dụng hay đề bạt lên các vị trí quản lý cao hơn cho nhân viên nữ.

Mặc dù luật pháp của Trung Quốc yêu cầu phải đảm bảo bình đẳng giữa nam và nữ trong môi trường công việc, thế nhưng trên thực tế, phụ nữ vẫn thường bị hỏi những câu hỏi mang tính cá nhân như tình trạng hôn nhân, kế hoạch sinh con, hoặc bắt phải cam kết nghỉ việc nếu mang thai...

“Như vậy, ngày nghỉ thai sản càng kéo dài thì cơ hội công việc dành cho phụ nữ sẽ càng ngắn lại”, cô Li Maizi, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ nói.

Phụ nữ Trung Quốc e ngại sẽ mất đi cơ hội việc làm nếu sinh con và nghỉ thai sản dài ngày - Ảnh:
Phụ nữ Trung Quốc e ngại sẽ mất đi cơ hội việc làm nếu sinh con và nghỉ thai sản dài ngày - Ảnh: VCG

Trung Quốc hiện đang áp dụng chương trình bảo hiểm thai sản do doanh nghiệp đóng góp cho người lao động của mình. Thế nhưng, nguồn bảo hiểm này chỉ chi trả cho 98 ngày nghỉ chính thức được quy định trong luật do chính phủ Trung Quốc ban hành, trong khi những ngày nghỉ còn lại do chính quyền địa phương quy định thì không được thanh toán.

Bên cạnh đó, có một thực tế phổ biến là nhiều doanh nghiệp, hay thậm chí là các cơ quan nhà nước, thường thích tuyển dụng nhân viên là nam giới hơn. Phụ nữ có thể kiện ra tòa nếu bị phân biệt đối xử trong công việc nhưng trên thực tế thì điều này lại có vẻ như bất khả thi. “Sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để làm điều này. Khả năng thắng kiện cũng rất thấp”, một nữ nhân viên cho biết.

Nguyễn Thuận (theo QZ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI