Phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thất nghiệp do đại dịch

21/07/2021 - 10:13

PNO - Báo cáo của Liên Hiệp Quốc hôm 20/7 cho biết, phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch toàn cầu, trong đó mất việc làm là vấn đề tồi tệ nhất.

Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết, trên toàn cầu, phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do mất việc làm trong đại dịch và chỉ có việc làm của nam giới mới có khả năng quay trở lại mức hồi năm 2019 trong năm 2021 này.

Phụ nữ đối diện với sự căng thẳng ngày càng tăng do áp lực cuộc sống  và công việc trong đại dịch
Phụ nữ đối diện với sự căng thẳng ngày càng tăng do áp lực cuộc sống và công việc trong đại dịch

Phụ nữ có nguy cơ bị cắt giảm việc làm và giảm giờ làm, giảm thu nhập do các hạn chế về COVID-19, đặc biệt là trong lĩnh vực lưu trú, dịch vụ ăn uống và sản xuất. Ngoài việc phải chịu đựng những tổn thất thu nhập đáng kể, phụ nữ cũng phải gánh phần lớn gánh nặng của việc chăm sóc gia đình, con cái…

Mặc dù dự báo tăng trưởng việc làm vào năm 2021 đối với phụ nữ cao hơn nam giới, nhưng vẫn không đủ để đưa phụ nữ trở lại mức việc làm trước đại dịch. Từ năm 2019-2020, có 4,2% việc làm của phụ nữ trên toàn cầu (tương đương 54 triệu việc làm) đã bị “đánh bay” vì đại dịch. Năm nay, dự kiến sẽ có ít hơn 13 triệu phụ nữ được tuyển dụng so với năm 2019, trong khi việc làm của nam giới được dự báo là phục hồi trở lại mức trước đại dịch.

Trong khi đó, một báo cáo khác ở châu Á cho thấy, đại dịch toàn cầu đã làm gia tăng căng thẳng và sự không an toàn cả về công việc lẫn cuộc sống, khiến phụ nữ rơi vào những cơn hoảng loạn bất chợt, không thể kiểm soát.

Các triệu chứng thường xuất hiện cùng lúc là tim đập thình thịch hoặc loạn nhịp, run rẩy và mờ mắt. Các triệu chứng khác bao gồm cảm thấy yếu ớt hoặc choáng váng, buồn nôn, khó thở; cảm giác như bị nghẹt thở, ớn lạnh hoặc nóng bừng, rã rời. Nó kéo dài khoảng 20-30 phút. 

Teresa Chan, nhà trị liệu tâm lý hành vi nhận thức tại Central Minds (Hồng Kông), cho biết: “Tôi đã nhận thấy sự gia tăng các vấn đề liên quan đến lo lắng và căng thẳng từ năm ngoái. Một số người trong số đó vẫn đang phải vật lộn với các cơn hoảng loạn đến ngày hôm nay”.

Theo Chan, khi nhận thấy cơn hoảng loạn này đến với mình, bước đầu tiên là cần tập trung vào hơi thở và cố gắng hít thở đều để làm chậm hơi thở.

“Cố gắng không để nỗi sợ hãi hoặc hoảng sợ bao trùm kiểm soát bạn, nhắc nhở bản thân rằng các triệu chứng, cảm giác khó chịu là phản ứng bình thường, tự nhiên đối với sự lo lắng; nó không thể gây hại cho bạn, và sẽ qua đi. Chúng ta không thể kiểm soát đại dịch và những bất trắc mà nó mang lại, nhưng chúng ta nên kiểm soát, chăm sóc bản thân”, Chan nói. 

Khánh Anh (theo The Guardian, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI