Phôi người nhân tạo và cuộc cách mạng trong khoa học di truyền

16/06/2023 - 19:46

PNO - Các nhà khoa học công bố nghiên cứu gây chấn động: phôi người được tổng hợp hoàn toàn trong phòng thí nghiệm từ tế bào gốc, không cần trứng hay tinh trùng.

Công trình được giới thiệu trong bài diễn văn của Giáo sư Magdalena Żernicka-Goetz, từ Đại học Cambridge và Viện Công nghệ California, vào ngày 14/6 tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu tế bào gốc quốc tế ở thành phố Boston, bang Massachusetts, Hoa Kỳ.

Một giá đỡ con lăn được sử dụng để nuôi phôi chuột tổng hợp trong thí nghiệm vào năm 2022 – Ảnh: Getty Images
Một giá đỡ con lăn được sử dụng để nuôi phôi chuột tổng hợp trong thí nghiệm vào năm 2022 – Ảnh: Getty Images

Bà Żernicka-Goetz phát biểu trong hội nghị: “Chúng tôi có thể tạo ra các cấu trúc tương tự phôi người bằng cách thiết kế lại tế bào gốc”. Nghĩa là sản phẩm phôi hoàn toàn nhân tạo, không có nguồn gốc từ tinh trùng hoặc trứng.

Các cấu trúc được tổng hợp không có tim đập hay nền tảng của bộ não, nhưng bao gồm các tế bào có thể hình thành nhau thai, túi noãn hoàng và chính phôi thai. Về ngắn hạn, không có triển vọng để các phôi nhân tạo này được sử dụng trong nghiên cứu lâm sàng, hoặc được cấy vào tử cung của các bệnh nhân hiếm muộn.

Các nhà khoa học cũng chưa rõ liệu những cấu trúc này có thể tiếp tục trưởng thành sau các giai đoạn phát triển nguyên sơ hay không. 

Trước đây, nhóm của bà Żernicka-Goetz và một nhóm cạnh tranh từ Viện Weizmann ở Israel đã chỉ ra, các tế bào gốc từ chuột có thể được thiết kế lại thành các cấu trúc giống như phôi thai nguyên sơ. Từ đó đến nay, đã có cuộc đua trong lĩnh vực di truyền học, hướng đến việc tạo ra phôi người nhân tạo.

Bà Żernicka-Goetz chia sẻ: “Mô hình con người của chúng tôi là cấu trúc mô phỏng phôi người đầu tiên hình thành tế bào màng ối và tế bào mầm, tiền thân của trứng và tinh trùng. Nó thật đẹp và được tạo ra hoàn toàn từ tế bào gốc”.

Nhưng các nhà khoa học cũng lo ngại sự phát triển trong lĩnh vực này đã vượt xa luật pháp nhanh như thế nào, Tiến sĩ Lovell-Badge cho rằng nếu phôi người nhân tạo cũng phát triển như phôi bình thường, thì chúng nên được đối xử bình đẳng. Nhưng luật pháp hiện tại không như vậy.

Còn có câu hỏi quan trọng hơn còn bỏ ngỏ, là liệu những cấu trúc này thật sự có khả năng phát triển thành sinh vật sống hay không. Phôi tổng hợp phát triển từ tế bào chuột được mô tả rất giống với phôi tự nhiên, nhưng khi được cấy vào tử cung chuột cái thì chúng không phát triển thành động vật sống.

Liên quan đến vấn đề này, bài báo của Guardian có nhắc đến việc các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc tạo ra được phôi tổng hợp từ tế bào khỉ, vào tháng 4/2023.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc muốn tiếp tục nghiên cứu liên quan đến phôi người, nhưng tránh hướng đi gây tranh cãi của ông Hạ Kiến Khuê (He Jiankui), nhà khoa học đầu tiên chỉnh sửa gen người từ giai đoạn phôi thai, đồng thời tránh rắc rối pháp lý liên quan đến “quy tắc 14 ngày”, giới hạn được cho là khoảng thời gian phôi chưa thể nhận thức và cảm thấy đau đớn.

Họ chọn giải pháp tổng hợp phôi khỉ, sự kiện được mô tả là bước tiến trên chặng đường kiến tạo sự sống mô phỏng con người hoàn toàn từ phòng thí nghiệm. Tương tự như công trình gần đây của nhóm chuyên gia Mỹ - Anh, nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy còn cả một chặng đường dài để các phôi nhân tạo có thể thật sự phát triển thành cơ thể sống.

Trường An (theo Guardian, Nature, The Conversation)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI