Phim cổ trang Việt triền miên mắc lỗi phục trang

12/11/2015 - 15:24

PNO - Cứ mỗi khi có phim Việt lịch sử, nhất là lịch sử cổ trang ra rạp, lập tức xuất hiện những ồn ào về chuyện phục trang trong phim.

Sai sót về họa tiết, kiểu dáng hoặc tranh cãi về chất liệu, màu sắc thường là những điều được săm soi bàn tán. Câu chuyện này vẫn nối dài vì các nhà làm phim cứ liên tục mắc lỗi.

Quan nhà Nguyễn mặc áo có hình phim... Walt Disney

Những ngày này, để phim kịp ra rạp ngày 13/11 như đã định, ê kíp làm phim Mỹ nhân (hãng phim Giải phóng, đạo diễn Đinh Thái Thụy) phải gấp rút chỉnh sửa sai sót phục trang “chết người”: bổ tử trên phẩm phục của quan thời Nguyễn in hình... vua sư tử trong phim hoạt hình Walt Disney.

Phương án khắc phục là thêu hình sư tử trên miếng vải riêng rồi dùng kỹ xảo đắp lên chi tiết lỗi mỗi khi màn hình chiếu đến nhân vật Nguyễn Phúc Trung. Việc xử lý tình huống mang tính chữa cháy, chắp vá, nhưng vẫn tốt hơn nhiều nếu bộ phim do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đặt hàng này mang sai sót chết người ra rạp. Đó là do sự chủ quan, làm ẩu của người phụ trách phục trang.

Phim co trang Viet trien mien mac loi phuc trang
Phim co trang Viet trien mien mac loi phuc trang
Hình vẽ trang trí trên bổ tử được thể hiện rõ trong cuốn sách Việt Nam xưa qua 4.000 tranh - ký họa nhưng bị biến hóa thành hình vua sư tử trong phim Mỹ nhân do lỗi của khâu phục trang

Về mặt tư liệu, NXB Mỹ Thuật từng phát hành cuốn Việt Nam xưa qua 4.000 tranh - ký họa, trong đó có những hình vẽ về trang trí trên bổ tử khá rõ. Vậy nhưng sai sót xảy ra như cơm bữa, việc phát hiện chỉnh sửa kịp thời như Mỹ nhân thì là lần đầu tiên.

Phim truyền hình Về đất Thăng Long chi hết 300- 400 triệu đồng để may mới 200 bộ trang phục trong khi kinh phí làm phim truyền hình lịch sử dạng này chỉ khoảng 360 triệu đồng/tập.

Phim phát sóng, quần áo nhân vật bị chê bóng loáng, lòe loẹt. Trong khi đó , trang phục, phụ kiện của các nhân vật trong phim Thạch Sanh bị phản ứng về kiểu dáng, đường nét. Nhà sản xuất bộ phim này mất gần một năm và tốn khoảng 20% kinh phí làm phim (khoảng hai tỷ đồng) để may 800 bộ trang phục, cùng rất nhiều đạo cụ, binh khí.

Tuy vậy, người xem đánh giá phụ kiện đi kèm dành cho nhân vật chính như vòng đeo tay, vòng chân, áo giáp, rìu, dép... có đường nét quá tinh xảo, hiện đại so với không gian sống cổ xưa.

Phim lịch sử lấy bối cảnh cách đây cả ngàn năm hoặc quá xa xưa như hai phim trên bị bắt lỗi phục trang đã đành, phim dã sử như Mỹ nhân cũng không thoát. 200 bộ trang phục và các phụ kiện do năm nhà thiết kế hợp sức thực hiện trong phim này được khen ở điểm đậm màu sắc VN nhưng gây hoang mang vì họa tiết, hoa văn trang trí không rõ thời nào.

Trả giá đắt cho sai sót phục trang là bộ phim truyền hình Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long. Khi những hình ảnh về phim được tung ra, khán giả giận dữ khi thấy mão bình thiên của vua Lý có chùm tua trước trán giống hệt mão của các vị vua Trung Hoa.

Sai lầm này được nhà nghiên cứu Trần Quang Đức chỉ rõ trong buổi nói chuyện nhân dịp anh phát hành cuốn sách Ngàn năm áo mũ. Những người phụ trách trang phục cho phim tiết lộ, toàn bộ phác thảo về trang phục đều do phía Việt Nam thực hiện, phía Trung Quốc may nên có một số chi tiết đối tác tự ý đưa vào.

Hiếm hoi lắm mới có những bộ phim lịch sử hoặc lịch sử cổ trang được đánh giá cao phần phục trang, chẳng hạn Long thành cầm giả ca, Khát vọng Thăng Long, Thầu Chín ở Xiêm.

Những bộ trang phục trong các phim trên không chỉ đẹp mà còn góp phần làm toát lên tính cách nhân vật. Nhìn nhận về phản ứng của công chúng đối với phục trang phim lịch sử, cổ trang, đạo diễn (ĐD) Đào Bá Sơn cho rằng: “Đòi hỏi của khán giả là chính đáng, vì phim lịch sử phải làm tương đối đúng”.

Sự sáng tạo phải từ cái thật

Các ĐD khi bắt tay vào làm phim lịch sử, cổ trang đều đau đầu chuyện bối cảnh, phục trang. Nếu bối cảnh còn có thể “ăn gian” dựng “giả mà như thật” được, thì với quần áo, phụ kiện của nhân vật, người làm phim khó qua mặt người xem hoặc làm hài lòng 100%.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI