Phía sau người đàn ông hạnh phúc

06/10/2018 - 06:00

PNO - Ít ai ngờ, phía sau người đàn ông được mệnh danh là hạnh phúc nhất cơ quan, lại là muôn vàn nỗi niềm...

Phia sau nguoi dan ong hanh phuc

Ảnh minh họa.

Tôi 33 tuổi, được xem là người có cuộc sống mãn nguyện nhất cơ quan. Không những có vợ xinh xắn, đảm đang cùng 2 đứa con một trai một gái, tôi còn là người được nhận nhiều dự án nhất so với đồng nghiệp. Chức trưởng phòng và là nghiên cứu sinh chuyên ngành kinh tế dù mới ngoài 30 của tôi cũng là một “thành tích” khiến mấy đàn anh đồng nghiệp bóng gió ghen tị. Có thể nói, cuộc sống của tôi là điều khiến nhiều người mơ ước. Nhưng ít ai biết, phía sau người đàn ông được coi là hạnh phúc như tôi, lại là những áp lực đè nặng.

Mỗi ngày, đón tôi ở cửa nhà không phải là người vợ dịu dàng với vòng tay đợi sẵn như lời đồn đại mà luôn là một gương mặt cau có, ngón tay chỉ thẳng vào mặt và gào lên: “Anh làm cái quái gì mà giờ này mới về? Anh cầm cặp đi luôn đi!”. Vợ tôi không bao giờ chịu hiểu cho khối lượng công việc quá nhiều mà chồng mình đang gách vác, cùng quãng đường xa hơn 12km từ nhà đến cơ quan thường xuyên tắc đường... Vì thế mà ngày nào tôi cũng phải ỉ ôi xin lỗi, năn nỉ vợ để được ăn cơm nhà. Không hiếm lần tôi phải xách vali ra nhà nghỉ ngủ chỉ vì về muộn và vợ bỗng dưng khó ở.

Thế nhưng vợ tôi quả là người biết giữ hình ảnh trước công chúng. Bởi dù cho ở nhà vợ chồng “choảng nhau” tan nát, vợ cầm dao đuổi đánh chồng, con cái khóc um nhà... thì người ngoài vẫn chẳng hay biết gì. Facebook của vợ tôi luôn thể hiện gia đình êm ấm, cô ấy dịu dàng với những hình ảnh, câu nói ngọt ngào. Đôi khi tôi thấy sợ hãi trước sự “sống ảo” quá đà của vợ!

Phia sau nguoi dan ong hanh phuc

Ảnh minh họa.

Khi tức giận vợ tôi có thể thốt ra những câu chê chồng không ngượng miệng như "anh chẳng là cái thá gì". Bởi dù suốt ngày cắm mặt vào công việc nhưng tiền tôi kiếm về chẳng nhiều như chồng người ta. Cô ấy còn đay nghiến chồng vô tâm, dù tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng không vừa lòng vợ. Việc dạy học cho con, vợ cũng phó thác cho tôi bởi mỗi tối cô ấy còn đi tập gym để phấn đấu có thân hình “quấn giẻ rách cũng đẹp”. Nhiều khi ăn cơm tối xong, tôi mệt rũ, chỉ muốn thảnh thơi nằm nghỉ một lúc, nhưng hai đứa con choảng nhau khóc ầm nhà, tôi lại phải kìm nén hết sức để phân xử.

Áp lực từ bố đẻ cũng khiến đôi vai tôi thêm nặng. Suốt ngày ông gọi điện nhắc nhở, đốc thúc tôi phải làm gì đó cho sự nghiệp riêng. Bởi bố luôn kỳ vọng quá nhiều, muốn tôi phải học cao, thăng tiến thật xa, kiếm được nhiều tiền. Chuyện mồ mả, giỗ chạp - nghĩa vụ của con trai trưởng cũng được ông nhắc đến thường xuyên. Dù bố khiến tôi mệt mỏi, nhưng lời nào ông nói cũng đúng, tôi chỉ biết dạ vâng gật đầu.

Phia sau nguoi dan ong hanh phuc

Ảnh minh họa.

Mỗi ngày mở mắt ra là muôn ngàn áp lực có tên, không tên như thế ập lên đầu tôi, nhưng không thể kêu than bởi đã phải khoác cái áo đàn ông sức dài vai rộng, mạnh mẽ.

Có khi tôi cảm thấy bế tắc vô cùng và muốn được chia sẻ. Nhưng chỉ cần nói mình mệt mỏi, kêu buồn một chút là vợ đã “nhảy ngay vào họng” bằng bài ca muôn thuở: “Có ai sướng bằng anh nữa không mà kêu? Em đây ngày ba bữa cơm nước, lo cho cả cái gia đình này từ a đến z còn chưa kêu nữa thì anh kêu gì? Anh lúc nào cũng chỉ biết đến công việc. Có mỗi cái việc kiếm tiền ấy thì tập trung mà làm đi, kêu gì. Người giàu họ không bao giờ kêu đâu, chỉ có những người nghèo, hay thất bại mới kêu thôi!”. Những lời vợ nói còn nhiều lắm, cứ như được lập trình sẵn, luôn khiến tôi phải ngưng thở trong vài giây để tìm oxy.

Hôm nay trong bữa ăn trưa, tất thảy đồng nghiệp lại nhốn nháo nửa đùa nửa thật: “Cả cái cơ quan này sướng nhất là anh T., không phải lo nghĩ áp lực gì cả. Mặt nào cũng được, từ vợ con cho đến công việc, học hành. Thôi mỗi người mời “quý ông hạnh phúc” một chén nào!”. Nghe mấy lời ấy, tôi lại nghẹn ngào cười trừ, chẳng biết phải trả lời thế nào, cố kìm nén nỗi lòng để tiếp mỗi đồng nghiệp một chén. Khổ nỗi, tôi có uống được nhiều đâu nhưng vì thể diện nên không từ chối được. Dù biết chắc tối nay về nhà mà nồng nặc mùi rượu, vợ sẽ lại sắp sẵn vali “mời anh đi đâu thì đi”.

Chẳng mấy khi được chia sẻ, tôi viết tâm sự ra đây, một lần muốn cởi bỏ tấm áo buộc phải mạnh mẽ của mình. 

Hoàng T. (Hà Nội)

Có đến 42% nam giới cho biết áp lực lớn nhất của họ là làm người trụ cột trong gia đình. "Lo cho gia đình", "sợ mất việc", "áp lực bị so sánh"... tựu chung đều là nỗi lo mang tên "TRỤ CỘT". Dĩ nhiên, để là trụ cột cần phải đáp ứng được nhiều tiêu chí, từ khỏe mạnh đến có một công việc tốt, thu nhập cao, phẩm chất, bản lĩnh của người đàn ông thực sự... 

Áp lực, trách nhiệm khiến những người đàn ông oằn vai. Trong khi đó, cảm xúc vốn được xem như đặc quyền của phái yếu, còn phái mạnh phải luôn mạnh mẽ. Cách nghĩ này khiến cánh mày râu phải chối bỏ những cảm xúc “bẩm sinh” của con người, không được yếu mềm, không dám tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Áp lực chồng chất đẩy người trụ cột vào trầm cảm và nhiều hệ lụy tâm sinh lý khó lường.

Báo Phụ  nữ TP.HCM mở diễn đàn "Áp lực đàn ông, phụ nữ biết không?" để là nơi giãi bày, chia sẻ những mệt mỏi, muộn phiền cũng là nơi phân tích sâu hơn những góc khuất bên trong các quý ông, để chị em phụ nữ hiểu hơn, cảm thông, sẻ chia hơn với người đàn ông mang gánh lo toan đang ở cạnh mình.

Bài vở tham gia diễn đàn, bạn đọc gửi về email: tinhyeuhonnhan@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI