Phập phồng sống dưới những “túi bom nước” - Bài 2: Thiếu tiền - Bài ca muôn thuở

05/10/2021 - 07:12

PNO - Hồ chứa nước, đập thủy điện, thủy lợi là nỗi ám ảnh của người dân nhiều địa phương ở miền Trung mỗi mùa mưa bão về. Nhiều hồ, đập lại đang xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ gây thảm họa.

>> Phập phồng sống dưới những “túi bom nước”: Bài 1: Vẫn điệp khúc hạn và ngập

Đập bị thấm, tràn xả lũ bị nứt

Tỉnh Quảng Bình hiện có 153 hồ chứa, 193 đập dâng thủy lợi. Trong đó, 54 hồ chứa đang bị hư hỏng, xuống cấp; 38 đập bị thấm (15 đập bị thấm nặng); 22 tràn xả lũ bị nứt, hư hỏng (13 tràn hư hỏng nặng); 28 mái đập bị biến dạng, sạt lở... Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Quảng Bình đang quản lý, khai thác 17 hồ chứa nước và ba đập dâng thủy lợi, còn lại do UBND các huyện giao cho các tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác.

 

Một vị trí tràn xả lũ ở hồ Cửa Nghè, xã Hạ Trạch, H.Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bị hư hỏng nặng - ẢNH: THUẬN HÓA
Một vị trí tràn xả lũ ở hồ Cửa Nghè, xã Hạ Trạch, H.Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bị hư hỏng nặng - Ảnh: Thuận Hóa

Hồ chứa Trung Thuần ở xã Quảng Thạch, H.Quảng Trạch được xây dựng từ năm 1980, tưới tiêu cho gần 200ha lúa của các xã Quảng Thạch, Quảng Lưu, Quảng Phương. Nhiều hạng mục công trình nay đã xuống cấp, gây mất an toàn cho hàng trăm hộ sống phía dưới chân đập. Đặc biệt, mái thượng lưu được gia cố bằng đá lát khan bị xói lở nặng, mái hạ lưu bị thấm nước, tường chắn sóng bằng đá xuống cấp, cửa van cống áp lực bị rò rỉ nước, máy đóng mở nước đã hỏng… Hiện chưa có hệ thống giám sát vận hành và thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho hồ và vùng hạ du. Trong khi đó, mặt đập lại hẹp, gây trở ngại cho công tác ứng cứu khi công trình gặp sự cố.

Tình trạng hư hỏng tại hồ chứa Cửa Nghè ở xã Hạ Trạch, H.Bố Trạch còn nghiêm trọng hơn. Ông Nguyễn Hải Long - Cụm trưởng Cụm Thủy nông Bắc Bố Trạch - cho biết: “Hồ Cửa Nghè hiện đang hỗ trợ hồ Vực Sanh tưới tiêu cho khoảng 150ha lúa của hai xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch.

Hồ được xây dựng từ năm 1990, đến nay chưa được sửa chữa, nâng cấp nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Hồ chưa có thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du, chưa có hệ thống giám sát vận hành nên khi mùa mưa đến, chính quyền địa phương cũng như người dân rất sợ đập vỡ. Hồ này đã được UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí kinh phí đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để sửa chữa, nâng cấp nhưng chưa triển khai thực hiện”.

Theo ông Trần Xuân Tiến - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình - để bảo đảm an toàn hồ đập, phòng ngừa, hạn chế rủi ro xảy ra trong mùa mưa lũ, chi cục đã tham mưu các đơn vị và địa phương tập trung các biện pháp như tăng cường giám sát vận hành và giám sát sự cố có sự tham gia của người dân. Về lâu dài, chi cục sẽ tiếp tục đề xuất các bộ, ngành hỗ trợ nguồn kinh phí để tu sửa, gia cố các hồ, đập hư hỏng nghiêm trọng; tập trung lực lượng, phương tiện đẩy nhanh tiến độ đối với các hạng mục đang thi công.

Khu tái định cư thôn 2, xã Phước Hòa, H.Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam vắng ngắt vì đa số nhà cửa đã xuống cấp trầm trọng, thanh niên bỏ đi làm xa xứ - ẢNH: NGUYỄN DƯƠNG
Khu tái định cư thôn 2, xã Phước Hòa, H.Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam vắng ngắt vì đa số nhà cửa đã xuống cấp trầm trọng, thanh niên bỏ đi làm xa xứ - Ảnh: Nguyễn Dương

Tại tỉnh Quảng Trị, tình hình xem ra ít lo ngại hơn. Đầu tháng 8/2021, UBND tỉnh đã cho thi công khắc phục sự cố sụt lún ở đập tràn xả lũ Nam Thạch Hãn giai đoạn 3, yêu cầu hoàn thành trong tháng 9/2021. Công trình này được xây dựng từ năm 1978, bị sụt lún vào tháng 10/2017 do mưa lũ. Ngoài ngân sách tỉnh, UBND tỉnh còn huy động kinh phí từ nhiều nguồn để sửa chữa, nâng cấp 12 hồ, đập ở các huyện. UBND tỉnh cũng đề ra nhiều phương án để hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có mưa lớn dẫn tới sự cố vỡ đập, hồ.

Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh này hiện có 56 hồ chứa thủy lợi, sáu hồ thủy điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng hơn 2 tỷ m³ nước. Trong đó, có tám hồ chứa loại lớn, còn lại là hồ chứa loại vừa và nhỏ. Trong quá trình hoạt động, có một số hồ chứa thủy lợi, thủy điện bị hư hỏng hạng mục phụ trợ, đập đất có hiện tượng sạt trượt mái và thấm nhẹ, các thiết bị cơ khí xuống cấp, một số công trình đường và công trình trên kênh chưa được đầu tư nâng cấp. 

Đầu tháng 12/2020, đã xảy ra vụ sạt lở đất, đá cách vai trái chân đập thủy điện Hương Điền (thị xã Hương Trà) từ 60 - 200m, đoạn thuộc lưu vực sông Bồ với khối lượng sạt lở lên đến 5.000m³. Rất may, vụ sạt lở không gây tắc nghẽn dòng chảy, không gây ảnh hưởng đến an toàn Nhà máy Thủy điện Hương Điền. 

Điệp khúc… “tiền đâu”

Theo ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An - tỉnh này có 1.061 hồ, đập, đứng đầu cả nước về mặt số lượng.  Trong đó, có 97 hồ, đập chứa nước lớn được giao cho các doanh nghiệp quản lý, số còn lại được giao cho các địa phương, tuổi thọ đa phần trên 40 năm. Do được xây theo lối thủ công nên hiện nhiều hồ, đập xuất hiện tình trạng hư hỏng, xuống cấp.

“Bình quân việc sửa chữa, nâng cấp một hồ, đập nhỏ tốn khoảng 10 tỷ đồng; hồ, đập lớn tốn hàng chục tỷ đồng. Kinh phí thiếu nên các địa phương không thể nâng cấp, sửa chữa” - ông Nguyễn Trường Thành nói.

Đập Mục Lục tại xã Thanh Chi, H.Thanh Chương tưới tiêu cho 50ha ruộng lúa, cung cấp nước cho bốn trạm bơm đầu nguồn. Do được xây từ năm 1988 nên đập thủy lợi này đã bị xuống cấp, lòng đập bị bồi lắng, cống xả của đập bị sụt lún, nhiều hàm ếch. Lãnh đạo xã Thanh Chi cho biết, con đập này đã không đảm bảo được vai trò tích trữ nước; mỗi khi mưa xuống, nước chảy tuột, còn mùa khô thì thiếu nước. UBND xã đã nhiều lần đề xuất phương án nâng cấp, sửa chữa đập Mục Lục nhưng chưa có kinh phí để thực hiện.

Một cán bộ Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An cho biết, chi cục đã kiến nghị bố trí nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp 84 hồ chứa xung yếu trong giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí hơn 530 tỷ đồng, gồm 14 hồ ưu tiên sửa chữa cấp bách với kinh phí 172 tỷ đồng. Vừa rồi, UBND tỉnh đã phải bố trí hơn 30 tỷ đồng để gia cố tạm thời một số công trình bị hư hỏng trước mùa mưa lũ.

Vị cán bộ này cho hay, hằng năm, các địa phương, đơn vị quản lý hồ, đập thủy lợi phải kiểm tra thực trạng công trình, sau đó căn cứ vào hiện trạng của công trình để xây dựng phương án phòng, chống bão lũ cho địa phương, trong đó bao gồm phương án xử lý sự cố, huy động nhân lực, địa điểm di dời người dân nếu xảy ra sự cố, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. 

Thuận Hóa - Phan Ngọc - Nguyễn Dương
(Còn nữa)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI