Ông Joe Biden cải thiện mối quan hệ với NATO sau những bất đồng của cựu Tổng thống Trump

27/01/2021 - 16:05

PNO - Tổng thống Mỹ Joe Biden tái khẳng định cam kết của Mỹ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tạo tiền đề nối lại quan hệ đồng minh châu Âu.

Hôm 26/1, ông Biden nói chuyện qua điện thoại với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg để thông báo rằng Washington dự định làm việc với các đồng minh châu Âu về những mối quan ngại an ninh chung như vấn đề Afghanistan, Iraq và Nga.

Ông Joe Biden - lúc này là phó Tổng thống dưới thời Barack Obama, gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Munich, Đức vào tháng 2/2015
Ông Joe Biden - lúc này là Phó tổng thống dưới thời ông Barack Obama, gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Munich, Đức vào tháng 2/2015

Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố, ông Biden khẳng định Mỹ cam kết bảo vệ tập thể theo Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và “nhấn mạnh cam kết của bản thân ông trong việc tăng cường an ninh xuyên Đại Tây Dương”.

Stoltenberg - người đã mời ông Biden đến Brussels tham dự hội nghị thượng đỉnh của NATO vào một ngày chưa xác định trong năm nay - cho biết, hai người đã nhấn mạnh sự cần thiết phải “duy trì động lực tăng chi tiêu quốc phòng để giữ cho các quốc gia an toàn trong một thế giới bất ổn”.

Bản tin của NATO tiết lộ cả hai cũng đề cập đến "những tác động đối với an ninh chung trước sự trỗi dậy của Trung Quốc", một vấn đề không được đề cập trong tuyên bố của Nhà Trắng.

Ông Biden đã thực hiện một loạt các cuộc điện thoại với các đối tác thân thiết của Mỹ kể từ khi nhậm chức hôm 20/1, bao gồm cả với các nhà lãnh đạo của Canada, Anh, Pháp và Đức, trong nỗ lực sửa chữa các mối quan hệ căng thẳng vì cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" của người tiền nhiệm Donald Trump.

Nhưng các nhà quan sát cảnh báo rằng chính quyền của ông Biden sẽ khó trấn an các đồng minh, trước những lo ngại kéo dài rằng các ưu tiên an ninh của Washington có thể thay đổi mỗi khi một tổng thống mới nhậm chức.

Năm 2020, ông Trump cũng tuyên bố sẽ rút 12.000 lính Mỹ khỏi Đức - nơi Mỹ đã duy trì sự hiện diện an ninh quan trọng kể từ năm 1945, động thái này đã bị các nhà lập pháp lưỡng đảng ngăn chặn.Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump nhiều lần cáo buộc các đồng minh NATO, bao gồm cả Đức, không "chi trả tương xứng", và đe dọa rút Mỹ khỏi liên minh.

Cũng trong ngày 26/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nói chuyện với người đồng cấp Úc Linda Reynolds để tái khẳng định “sức mạnh lâu bền” của liên minh giữa Mỹ và Úc. Khẳng định tầm quan trọng của việc “duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở dựa trên luật pháp quốc tế hiện hành và các chuẩn mực trong một khu vực không có hành vi xấu xa”.

Cả hai bên không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng việc Mỹ và Úc đề cập đến một trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là dấu hiệu rõ ràng cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực, bao gồm cả sáng kiến ​​phát triển Vành đai và con đường, các yêu sách rộng lớn ở Biển Đông giàu tài nguyên.

Tấn Vĩ (theo SCMP, AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI