Mỹ sẽ không “hạ nhiệt” lập trường cứng rắn ở Biển Đông

13/11/2020 - 06:27

PNO - Theo các nhà phân tích quốc tế, dù ai là tổng thống, Washington cũng sẽ tiếp tục khẳng định quyền tự do hàng hải tại các vùng nước đang tranh chấp.

Nhiều năm qua, ông Joe Biden vẫn thường chỉ trích Bắc Kinh, công kích các hành động của Trung Quốc ở Hồng Kông và Tân Cương. Các chuyên gia cho rằng, Hoa Kỳ sẽ có cách tiếp cận ngoại giao dân sự hơn nếu ông Biden làm tổng thống, nhưng có thể vẫn cứng rắn tương tự Tổng thống Donald Trump trong các vấn đề như Biển Đông.

“Mở rộng” Thái Bình Dương

Phát biểu tại diễn đàn do Hiệp hội Phóng viên nước ngoài tại Philippines tổ chức hồi đầu tuần, giáo sư Jay Batongbacal - Giám đốc Viện Hàng hải và Luật Biển, Đại học Philippines - cho rằng nếu trở thành tổng thống, ông Biden sẽ gánh vác các vấn đề toàn cầu với tư thế và nền tảng của một nhà lập pháp kỳ cựu. 

Tại sự kiện này, ông Carl Thayer - giáo sư danh dự Đại học New South Wales (Úc), chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á - cũng cho hay áp lực sẽ giảm đi đối với các quốc gia trong khu vực dù họ chọn đứng về phía nào trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung. Ông nói, dưới thời Biden, các đồng minh của Mỹ gồm Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ “ít đối kháng hơn”.

Chiến hạm USS Blue Ridge (LCC-19) neo ngoài khơi Vịnh Manila năm 2019 - Ảnh: AP
Chiến hạm USS Blue Ridge (LCC-19) neo ngoài khơi Vịnh Manila năm 2019 - Ảnh: AP
 

Cả hai chuyên gia đều đánh giá Mỹ có khả năng tiếp tục chính sách quyền tự do hàng hải (FONOPS) ở Biển Đông, đồng thời tăng cường nỗ lực đưa quần đảo Kalayaan - hiện do Philippines kiểm soát - vào tuyến đường thủy đang tranh chấp này với mong muốn mở rộng định nghĩa của từ “Thái Bình Dương” trong Hiệp ước Phòng thủ tương hỗ Hoa Kỳ - Philippines (MDT). Theo hiệp ước được ký kết vào năm 1951, nếu có cuộc tấn công nào nhắm vào các đảo thuộc quyền tài phán của Philippines hoặc các lực lượng vũ trang, tàu bè, máy bay của nước này lập tức sẽ có sự phản kháng tương trợ lẫn nhau.

Theo ông Thayer, hiệp ước được ký kết trước khi Philippines đưa ra yêu sách đối với quần đảo Kalayaan, bao gồm cả đảo Pag-Asa, khu vực đang bị các tàu đánh cá và tuần duyên hạm của Trung Quốc tràn vào những năm gần đây. Dưới thời chính quyền Obama, quan điểm của Washington là không bảo đảm Hiệp ước MDT sẽ bao trùm khu vực này, bởi giới hạn của Thái Bình Dương được hiểu dừng lại ở bờ biển phía đông của Philippines. 

Lập trường trên đã thay đổi dưới thời Tổng thống Trump với phát ngôn của Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi tháng Bảy, rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông là phi pháp. Giáo sư Thayer cho biết thêm, ông Donald Trump không trực tiếp can thiệp nhiều vào các vùng nước tranh chấp mà ủy quyền toàn bộ cho bộ trưởng ngoại giao và tổng trưởng quốc phòng.

Hy vọng quan hệ Trung - Mỹ “ấm” hơn

Là người can dự vào vấn đề Trung Quốc từ những năm 1970, Joe Biden đã gặp ông Tập Cận Bình ít nhất tám lần trong suốt sự nghiệp chính trị kéo dài gần 50 năm của mình. Thậm chí, theo The New York Times, cả hai đã từng một lần chơi bóng rổ với nhau. Tuy nhiên, lập trường của ông Biden đối với Trung Quốc đã cứng rắn hơn trong mười năm qua. Trong cuộc vận động tranh cử, ông Biden đã chỉ trích nặng nề Bắc Kinh đối với vấn đề Hồng Kông và Tân Cương, gọi hành động đó là “vô lương tâm”.

Ông Biden cũng từng nói, Mỹ sẽ bất chấp vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Trung Quốc ở Biển Đông và rằng: “Chúng tôi đã cho oanh tạc cơ B-1 bay qua đó. Chúng tôi sẽ xử lý vấn đề này một cách rõ ràng. Họ phải chơi theo luật”.

Đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa chúc mừng chiến thắng được cho là thuộc về ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống. Trong buổi giao ban sáng 9/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói một cách nước đôi rằng, họ hy vọng chính quyền mới sẽ hành động theo cách thức cùng Bắc Kinh hướng về phía trước. Cơ quan này tuyệt nhiên không trả lời những câu hỏi liên quan đến thỏa thuận thương mại, những mong đợi cụ thể của Trung Quốc đối với chính quyền Biden và lập trường của Bắc Kinh về quan hệ với Washington.

Chỉ có các cơ quan truyền thông Trung Quốc là hồ hởi, phần lớn họ bày tỏ hy vọng mối quan hệ Mỹ - Trung có thể được thiết lập lại theo hướng “ấm” lên và đưa hai nước sang trạng thái tốt hơn. 

Quốc Ngọc (theo SCMP, NY Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI