Ở Sài Gòn tôi tìm thấy con đường

10/03/2024 - 06:09

PNO - Thành phố này như một giao lộ tấp nập ôm ấp ước mơ, hoài bão của những con người đặt chân đến rồi quyết định dừng chân, dựng xây cuộc đời...

Những ngày đầu đặt chân trên thành phố này, tôi là cô học trò quê, đi đâu cũng phải mang theo tấm bản đồ giấy. Tấm bản đồ mặt trước chỉ đường đi, mặt sau là sơ đồ các tuyến xe bus, đó cũng là một phần ký ức khó quên của thế hệ 8X đến TPHCM để đi học.

Mùa thi đại học năm ấy, địa điểm thi của tôi là một ngôi trường nằm ở quận 7. Thế là tấm bản đồ có hẳn một vệt bút dạ quang dài ngoằng nối từ chung cư Tân Sơn Nhì đường Ba Vân - Tân Bình đến đường Huỳnh Tấn Phát.

Khoảng trống phía trên tôi còn khi rõ lộ trình qua từng con đường Ba Vân - Trường Chinh - CMT8 - Nguyễn Thái Học - Cầu Ông Lãnh - Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành - Huỳnh Tấn Phát để không bị đi lạc trong một ngày quan trọng như thế.

Tôi nhớ tấm bản đồ khi ấy do gấp ra gấp vào nhiều quá, lại bị ướt mưa nhiều lần nên rách một mảng ngay điểm chính giữa tấm bản đồ - Ga Sài Gòn. Có những lần tôi tá hỏa khi ra ngoài mà quên đem theo quên bản đồ và cũng có những lần loay hoay không biết đi thế nào khi con đường hẹn không có trên bản đồ vì đã tên đường đã đổi.

Còn nhớ, có lần tôi và bạn hẹn nhau tại đường Hoàng Hoa Thám, nhưng đứng cả buổi vẫn không thấy nhau. Về sau mới biết tôi đứng quận Tân Bình còn bạn thì ở quận Bình Thạnh. Cả 2 quận đều có con đường mang tên Hoàng Hoa Thám.

Tôi cũng không quên ngày chen chúc, chờ đợi mãi mới có chỗ ngồi trên xe buýt để đi học ở Gò Vấp, mới ngồi chợp mắt một chút thì ngủ quên, mở mắt thấy mình đang ở Thủ Đức mà tim đập chân run.

Dần dần, từng con đường, từng góc phố nơi đây in dấu trong tâm trí để tôi không còn cảm thấy lạc lõng, cô đơn nơi thành phố này. Ành: tác giả và con gái gái trên đường phố quân 1 những ngày giáp Tết
Dần dần, từng con đường, từng góc phố đã in dấu trong tâm trí để tôi không còn lạc lõng, cô đơn. Nguồn ảnh: nhân vật cung cấp

Rồi tôi cũng trở thành cô sinh viên, nếm trọn mùi "đời sinh viên" trên mảnh đất này. Mỗi cuối tuần, nhóm chúng tôi lê la quán chè sinh viên Sư Vạn Hạnh, phố sách cũ Trần Nhân Tôn. Khi có việc, chúng tôi lại đứng các ngã ba, ngã tư phát tờ rơi. Đi học được 1 năm, lại là gương mặt thân quen, khách hàng thân thiết mua vé tháng, nên tôi thuộc vanh vách số các tuyến xe buýt.

Ở khu Cách Mạng Tháng Tám muốn về Đồng Nai thì đi xe bus 30 ra Suối Tiên rồi đón xe 602 là về tới quê. Ở khu quận 8 mà muốn đi “làng đại học" thì lên xe số 8. Từng con đường, từng góc phố nơi đây dần in dấu trong tâm trí, để tôi không còn cảm giác lạc lõng, xa lạ. 

Sài Gòn cũng là nơi tôi tìm được mảnh ghép cuộc đời mình. Đến giờ bạn bè tôi vẫn thường kể lại “duyên tiền định” của vợ chồng tôi. Nơi lần đầu  2 đứa gặp nhau là ngã tư Lạc Long Quân - Âu Cơ và cụ thể là ở chiếc cột điện chúng tôi tìm vị trí bắt mắt nhất để dán mảnh giấy “Nhận dạy gia sư”.

Tôi chờ mãi không thấy ai liên hệ tìm gia sư, chỉ có chàng trai hôm ấy đều đặn nhắn tin hằng tối. Cuộc hẹn đầu tiên của chúng tôi là tại nhà thờ Đức Bà, rồi đi dạo quanh công viên 30/4.

Từ những buổi hẹn hò, tôi lần đầu được biết không khí đêm giao thừa có pháo hoa, được đi đường hoa ngày tết… Rồi tôi tốt nghiệp, đi làm rồi lập nghiệp nơi thành phố này, gặp gỡ đồng nghiệp, bạn bè, đối tác đủ mọi tỉnh miền.

Thành phố này như một giao lộ tấp nập bao dung ôm ấp ước mơ, hoài bão của những con người đặt chân đến, rồi quyết định dừng chân, dựng xây cuộc đời nơi đây. 

Vậy là tôi, một cách vô cùng tình cờ và thi vị, mang lời tri ân cảm ơn Sài Gòn dạo khắp các con đường, góc phố.
Vậy là tôi mang dòng chữ tri ân "cảm ơn Sài Gòn" dạo khắp các con đường, góc phố. Nguồn ảnh: nhân vật cung cấp

Tết vài năm trước tôi được một người bạn tặng chiếc áo dài với họa tiết là dòng chữ “Cảm ơn Sài Gòn" cùng nhiều chữ tiếng nước ngoài rất đẹp. Tôi quyết định cùng chồng ra Quận 1 để chụp hình tết gia đình. Vậy là tôi, một cách vô cùng tình cờ và thi vị, mang lời tri ân thành phố này dạo khắp các con đường, góc phố.

Từ nơi xa lạ, sơ hở là lạc lối, tôi đã tìm thấy con đường phải đi nơi thành phố này. Ành: vợ chồng tác giả
Từ người xa lạ, sơ hở là lạc lối, tôi và chồng đã tìm thấy con đường phải đi ở thành phố này. Nguồn ảnh: nhân vật cung cấp

Khi khoe tấm ảnh chụp vợ chồng tại một giao lộ lên trang cá nhân với dòng trạng thái tếu táo “Biết đi đường nào", bạn bè tôi rất thích thú và có những bình luận hài hước.

Hỏi vậy thôi chứ tôi biết, từ ngày tôi chọn thành phố này là nơi tôi sinh sống và làm việc, từ ngày tôi chọn cho con mình nơi sinh ra và lớn lên thì còn con đường nào khác ngoài con đường “thống nhất" rồi tiến tới “đồng khởi" - con đường tôi sẽ cùng mảnh ghép của mình vun đắp những khởi tạo mới cho tương lai.

Thảo Thanh

 

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn, tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng: 

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất…

Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

 

 

 

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI