Ở nhà trông con

21/03/2023 - 12:01

PNO - Một bé gái khoảng 3 tuổi, nước mắt ngắn dài, trên má phải bị đỏ, in hình 5 ngón tay. Những ngày sau thì không thấy em bé ấy đến trường nữa...

Mới đây, câu chuyện về 2 cô giáo mầm non bạo hành em bé 17 tháng đến tử vong tại Hà Nội khiến những bà mẹ có con nhỏ không khỏi lo lắng. Một lần nữa, tôi hiểu vì sao ngày càng có nhiều bà mẹ quyết định nghỉ việc, ở nhà trông con.

Tầng chung cư nhà tôi có 6 đứa trẻ trong độ 1-3 tuổi và có đến 4 người “làm mẹ toàn thời gian”, 2 nhà còn lại thì nhờ được bà ngoại lên trông giúp. Lý do lớn nhất đều là không an tâm khi gửi con cho giúp việc hay cô giáo mầm non.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Minh Khanh (30 tuổi, từng là một nhân viên kế toán) kể: “Hết chế độ thai sản, mình không tìm được người nên gửi con ở lớp trong cùng tòa chung cư. Có 2 cô giáo mầm non tự mở lớp ở nhà. Học phí cũng không phải rẻ, tổng cộng là 4 triệu đồng/tháng, không giữ thứ Bảy, Chủ nhật.

2 lần con đi học về bị xước một vệt dài dưới cằm, cô giáo giải thích là do con tự cào, trong khi móng tay con đã được cắt gọn. Lớp không có camera, mình không biết được chuyện gì. Nhiều đêm nằm xót con quá, rồi đến khi con cứ ốm đau liên miên nên mình quyết định nghỉ việc, lo cho con”.

Khanh nghĩ, làm kế toán cho công ty tư nhân thì dễ tìm việc, chế độ công ty hiện tại cũng không tốt nên cô quyết định sẽ ở nhà thêm khoảng 8 tháng đến 1 năm nữa, đợi con cứng cáp hơn rồi mới gửi con đi nhà trẻ và đi làm lại.

Tôi nhớ câu chuyện của mình cách đây 3 năm. Khi đó, tôi gửi con tại một trường mầm non tư thục gần nhà. Một bữa đến đón con, tôi thấy trong trường rất ồn ào, đông người tụ tập, quát tháo lớn tiếng.

“Cô có dám đưa má của cô ra cho tôi tát không mà lại tát con tôi như thế này?” - người đàn ông vừa nói vừa chỉ trỏ vào mặt cô giáo tên H. của lớp con tôi. Cô giáo cúi gầm mặt, không dám nói gì. Một bé gái khoảng 3 tuổi, nước mắt ngắn dài, trên má phải bị đỏ, in hình 5 ngón tay.

Cô hiệu trưởng liên tục can ngăn, xin lỗi, mong ông bố ngồi xuống, bình tĩnh giải quyết. Phải hơn 10 phút sau đó, ông bố mới chịu ngồi xuống. Tôi không biết chuyện tiếp theo thế nào nhưng những ngày sau thì không thấy em bé ấy đến trường nữa.

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

Con trai tôi lúc ấy mới 3 tuổi, chưa biết nói rõ ràng chuyện gì xảy ra cho mẹ hiểu. Tôi chỉ lờ mờ nhận ra con sợ hãi cô giáo khi cứ sáng ngủ dậy là không dám đến trường. Mẹ đưa sang cô thì luôn gào khóc đòi mẹ thảm thiết. Con đi học đã hơn 5 tháng nhưng vẫn không quen cô. Đêm nằm ngủ thường giật mình khóc ngất lên.

Tôi đã nghĩ là do tâm lý của con và con mơ thấy ác mộng, nhưng có những chuyện không thể không để ý kỹ hơn được. Tôi đã quyết định chuyển trường cho con sang trường công lập nhưng rộng rãi và được nhiều mẹ trong cùng khu khen tốt hơn. “Tìm được cô giáo tốt thì con học trường nào cũng được. Còn gặp cô giáo “hổ báo” thì trường quốc tế cũng khiến con ám ảnh” - cô bạn Hoàng Phương nhắc lại kết luận mà chúng tôi đã cùng rút ra trước đó.

Bám theo tiêu chí phải tìm được cô giáo tốt nhưng Phương không yên tâm với môi trường nào khi đến thăm. Trường nào cũng nghe chuyện có bé này bé kia bị cô phạt hoặc đánh; còn đến được ngôi trường mẹ thích, con thích thì học phí đắt quá nên cuối cùng Phương cũng quyết định nghỉ việc ở nhà, kết hợp vừa bán hàng online vừa trông bé mới 18 tháng tuổi.

“Thôi, không cô nào bằng cô mẹ đâu” - tôi nói đùa trong buổi tụ tập. Ở tầng chung cư nhà tôi có nhiều cặp mẹ con “ở nhà trông nhau” nên vui hơn khi thường xuyên sang nhà nhau chơi và tâm sự. Nhưng có những tầng khác hoặc nhiều khu khác, lựa chọn nghỉ việc ở nhà trông con là một quyết định… cô đơn.

Cô đơn vì gần như chỉ có 2 mẹ con loanh quanh ở nhà, mẹ thiếu giao tiếp, con thiếu bạn chơi, thu nhập cũng không có. Những nhà ấy, nếu có người cha hiểu chuyện, biết trợ giúp cho mẹ thì còn đỡ; không thì thật dễ khiến mẹ rơi vào trầm cảm.

“Có những ngày con đang ngồi chơi bên cạnh, mình cứ lặng yên ngồi và suy nghĩ rất mông lung. Kiểu không hiểu mình đang làm gì, tương lai sẽ như thế nào, nghĩ đến bạn bè đang cố gắng vì sự nghiệp ở ngoài kia mà cũng áp lực lắm, chỉ muốn lao đi xin việc ngay. Nhưng rồi lại nghĩ về mấy cái lằn trên mông con, sợ cô giáo, sợ giúp việc, mình lại cố gắng để “hy sinh” tiếp vì con” - Nga (35 tuổi) gửi tin nhắn đến hội chị em.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Khi có con nhỏ, trạng thái lý tưởng nhất của các mẹ là có một công việc thoải mái về thời gian để vừa trông được con vừa làm việc. Nhưng nếu bắt buộc phải ở nhà trông con, không tìm được việc để làm, nhiều bà mẹ vẫn không để mình bị tụt hậu hay bị bỏ lại phía sau.

Minh Khanh là “tấm gương” cho chúng tôi trong việc thiết lập cuộc sống. Cô ở nhà trông con nhưng làm mọi thứ rất khoa học, rèn con vào nếp ăn, ngủ, sinh hoạt đâu ra đấy. Mỗi ngày, cô vẫn có thêm khoảng 2 tiếng để đọc sách, tự tập yoga tại nhà, tìm hiểu kiến thức chuyên môn và viết bài chia sẻ nhiều trên trang cá nhân về những bài học mới.

Cô nói: “Để tự tin thì mình không thể không học. Vẫn phải kết nối với thế giới và kết nối với chính mình”. Với Khanh, phụ nữ chỉ thiếu tự tin và chìm đắm trong khổ sở nếu thiếu kiến thức chứ không phải thiếu công việc hay thiếu tiền. Cũng chỉ khi người mẹ cảm thấy ổn về tinh thần thì mới nên ở nhà trông con, chứ nếu không sẽ rất dễ truyền những tiêu cực sang cho con.

Tôi nghĩ, vừa ở nhà trông con vừa cập nhật bản thân cũng là một lối sống đáng ngưỡng mộ. Sẽ không cô giáo nào tốt bằng “cô giáo mẹ”, nhưng chỉ khi mẹ tự tin, biết yêu thương và chăm sóc chính mình. 

Linh Nguyễn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI