Ở chung cư cao tầng cũng bị kiến ba khoang “tấn công”

26/10/2021 - 06:52

PNO - Dù ở căn hộ tầng cao, có người trong một buổi tối bắt được cả mấy chục con kiến ba khoang trong phòng. Bác sĩ cho biết, nhiều người bị kiến ba khoang cắn nhưng nhầm lẫn với bệnh zona.

Mở cửa sổ hứng gió không ngờ “đón” kiến ba khoang

Bà P.T.H., 60 tuổi, ngụ tại tầng 22 của tòa chung cư trên đường Phạm Hữu Lầu, quận 7, TPHCM, cho biết khoảng một tuần nay bất an vì trong nhà xuất hiện rất nhiều kiến ba khoang.

Do nhà ở tầng cao, gần sông, thoáng mát nên bà mở cửa sổ lấy gió trời. Tuy nhiên, tối chuẩn bị đi ngủ bà bỗng thấy vài con côn trùng trên trần nhà rơi thẳng xuống giường. Nhìn kỹ bà phát hiện đây chính là kiến ba khoang liền cẩn thận lấy khăn giấy chụp lại, đem bỏ vào bồn cầu rồi dội nước.

Kiến ba khoang. Ảnh: Internet
Kiến ba khoang - Ảnh: Internet

Chỉ trong một lúc, bà H. kiểm tra thì bắt được hơn chục con kiến ba khoang trong phòng ngủ. Cả đêm đó bà không dám chợp mắt vì sợ kiến ba khoang bò lên người. Hôm sau, con gái bà H. phải mua chiếc mùng tự bung cho mẹ. Kể từ đó, mỗi khi chập choạng tối bà H. đóng kín hết cửa, nằm ngủ trong mùng.

Cũng ngụ tại một chung cư (đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh), chị Đ.T.H.T., 35 tuổi, chia sẻ mình bị phỏng rộp da bàn tay khi rút đồ đụng trúng kiến ba khoang đậu trên quần áo. Chị ngó lên giàn phơi thấy còn có rất nhiều kiến ba khoang, liền lấy chai thuốc xịt muỗi phun lên thì chúng rơi lã chã xuống sàn, đếm cũng gần 20 con.

Từ đó trở đi, chị T. rất cẩn thận, đeo găng tay cao su mỗi khi rút quần áo trên giàn phơi xuống, tỉ mỉ kiểm tra trên quần áo có kiến ba khoang không rồi mới gập cất vào tủ.

Bà H. cho biết tối ngủ phải nằm mùng vì sợ kiến ba khoang “tấn công”
Bà H. cho biết tối ngủ phải nằm mùng vì sợ kiến ba khoang “tấn công”

Còn chị T.T.T.V., 40 tuổi, ngụ tại tầng 20 một chung cư gần kênh Lò Gốm, quận 6, cũng rất hoảng sợ vì sự xuất hiện của kiến ba khoang trong nhà. Mùa dịch nên nhà chị hạn chế xài điều hòa, tận dụng tối đa gió trời cho thông thoáng. Mặt khác, nhà chị ở tầng rất cao nên xưa nay cũng không có muỗi. Thế nhưng cách đây ba ngày, cứ chiều tối là kiến ba khoang lại bay vào nhà, bâu lên bóng đèn, mẹ con chị đeo găng tay bắt được cả 20 con.

Trong chung cư, đã có một số người bị chất độc của kiến ba khoang gây phỏng da nên ai cũng lo lắng. Ban quản lý chung cư đã đưa ra giải pháp là phun xịt thuốc ở các vùng cỏ cây rậm rạp, khuyến cáo dân cư chiều tối hãy đóng kín cửa sổ. Nếu mở cửa thì cửa ban công và cửa sổ nên lắp lưới chống côn trùng. 

Nhầm lẫn bệnh zona với tổn thương do kiến ba khoang

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết cứ vào mùa mưa là kiến ba khoang lại xuất hiện. Trong tuần qua, đã có cả chục bệnh nhân gọi điện cho bác sĩ xin được tư vấn về những tổn thương do kiến ba khoang gây ra. Sáng 22/10, một phụ nữ đã đặt lịch khám cho mẹ mình vì cho rằng bà bị nổi zona trên mặt, sau gáy, uống thuốc ba ngày mà không bớt. 

Sau khi trao đổi và quan sát bệnh nhân qua hình thức online, bác sĩ Vân Thanh chẩn đoán tổn thương ở vùng trán, mặt, miệng và sau gáy của cụ bà không phải zona mà do viêm da tiếp xúc với dịch của kiến ba khoang. Sở dĩ bệnh nhân bị phỏng rộp lan ra là do gãi, tay cọ quẹt nên chất dịch của kiến ba khoang lan ra các vùng da trên cơ thể.

Bác sĩ lưu ý, thương tổn do zona sẽ gây đau, còn kiến ba khoang thì không đau mà ngứa rát. Thường bị zona sẽ thấy đường đi của thương tổn nằm ở 1/2 cơ thể, còn do kiến ba khoang thì dịch độc dính chỗ nào bệnh nhân sẽ bị viêm da tiếp xúc chỗ đó.

Vùng da tiếp xúc với kiến ba khoang sẽ bị bỏng rộp, nổi mụn nước,... gây ngứa ngáy khó chịu.
Vùng da tiếp xúc với kiến ba khoang sẽ bị bỏng rộp, nổi mụn nước... gây ngứa ngáy khó chịu

Kiến ba khoang không còn xa lạ với người dân thành phố nữa nhưng đôi khi chúng ta vẫn xử lý sai cách, hoặc con nít không biết lấy tay bắt, đập kiến thì vùng da tiếp xúc dễ bị phỏng rộp lên do dịch độc từ kiến dính vào. Nhiều người không chủ động bắt hay đập kiến nhưng lúc ngủ chẳng may đè lên thì da cũng bị tổn thương. 

Mọi người nên phòng ngừa kiến ba khoang bằng cách chiều tối đóng kín cửa, hoặc mở cửa sổ thì nên có lưới chống côn trùng. Kiến ba khoang rất thích đèn nên khi chiều tối sẽ theo ánh đèn bay vào nhà. Khi bắt kiến ba khoang phải đeo găng tay, không nên đập kiến kẻo dịch độc từ kiến dây ra. Nếu nhà có kiến ba khoang thì nên ngủ mùng, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh. 

Chẳng may bị dính độc từ kiến ba khoang hãy sơ cứu bằng cách để vùng da bị tiếp xúc dưới vòi nước chảy (tuyệt đối không kỳ cọ, chà xát). Tiếp theo, hãy liên lạc bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và hướng dẫn cách điều trị.

Vết tổn thương do kiến ba khoang gây ra bôi thuốc kháng viêm khoảng một tuần là ổn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời thì vết thương sẽ lâu lành, để lại sẹo tăng sắc tố. Vùng bị tổn thương ở gần mắt còn có nguy cơ lan vào trong mắt gây viêm kết mạc. 

Thanh Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI