Kiến ba khoang tấn công chung cư Sài Gòn, nhiều người nhập viện

29/06/2020 - 19:42

PNO - Sài Gòn đang vào mùa mưa, kiến ba khoang xuất hiện ngày càng nhiều khiến người dân ở khu chung cư, nhà cao tầng lo lắng, hoảng sợ.

Đang xem tivi bị kiến ba khoang tấn công

Một hộ gia đình trong chung cư bắt kiến ba khoang để xử lý
Một hộ gia đình trong chung cư ở Quận 9 bắt được nhiều con kiến ba khoang 

Những ngày qua, nhiều người dân ở quận 5, quận 9, huyện Bình Chánh, Nhà Bè hoang mang không hiểu vì sao trong nhà lại có kiến ba khoang, đã có người bị bỏng phải đến bệnh viện chữa trị.

Chị N.T.O. (37 tuổi, ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) cho hay cả gia đình đang xem tivi thì con trai chị nói bị đau, rát ở chân, sau đó phát hiện có kiến ba khoang trong nhà. Chị O. nhanh trí giữ tay con lại không cho gãi trên nốt bỏng, sợ vết thương do dịch của kiến ba khoang lan rộng. 

“Tôi dẫn con đi rửa vết thương rồi tìm xung quanh nhà thì hoảng hồn khi thấy ở phía sau tủ tivi có 4 con kiến ba khoang đang bò xung quanh. Tôi tiếp tục tìm ở các chậu cây ngoài ban công và phát hiện có khá nhiều kiến ba khoang nên tìm cách diệt. Không ngờ, sáng hôm sau tay và vai tôi cũng có những nốt bỏng như ở con trai mình. Những nốt bỏng này to và mưng mủ, lan ra ở các vùng da lân cận nên tôi và con đến Bệnh viện Da liễu TPHCM khám” - chị O. nói.

Cùng khu dân cư với chị O., chị P.T.A. (31 tuổi) bị kiến ba khoang… chui vào mũi gây lở loét, mưng mủ. Chị A. không ngạc nhiên khi "thủ phạm" là kiến ba khoang vì cứ tới mùa mưa, nhà chị thường xuất hiện loại kiến này: "Mỗi khi bật đèn trong nhà là chúng lại bay vào, vô tình bị kiến bò lên người nên tôi rất lo lắng. Tôi tìm cách diệt kiến ba khoang bằng thuốc diệt côn trùng cũng không ăn thua. Lần này, dù đóng cửa cẩn thận trước lúc chạng vạng, nhưng tôi vẫn bị kiến cắn, mụn nước vỡ ra mưng mủ rất khó chịu, vùng da ở chân và bả vai cũng bị bỏng".

Theo chị A., do có thói quen đọc sách trước khi ngủ nên chị chỉ bật đèn ở đầu giường, không mở đèn phòng ngoài, có thể kiến ba khoang theo ánh sáng đèn vào phòng ngủ rồi bò vào mũi khi chị ngủ quên. 

Vết thương trên người chị O. do kiến ba khoang tấn công
Vết thương trên người chị O. do kiến ba khoang tấn công

Tại một chung cư ở quận 2, chị T.M. (38 tuổi) cũng ăn không ngon, ngủ không yên khi cả hai con của chị (8 và 5 tuổi) đều liên tục than đau rát do kiến ba khoang đốt. 

Ban đầu, bé 5 tuổi thấy kiến ba khoang nên dùng tay… đập. Bị bỏng rát, theo phản xạ bé liền chà tay lên người khiến vùng đùi phải, hông cũng bị bỏng do tiếp xúc với dịch nhầy của kiến. Thấy em mình bị kiến tấn công, bé lớn cũng chạy vào giúp em diệt kiến, kết quả cả bàn tay của bé 8 tuổi bị mưng mủ, viêm da.

Chị M. lo lắng: “Năm nào cũng vậy, cứ gần đến mùa mưa là kiến ba khoang xuất hiện, tôi cũng đã nhắc các con đừng tiếp xúc với chúng, nhưng các bé không nhớ. Cư dân ở đây đã báo cho ban quản lý tòa nhà và tổ chức phun thuốc diệt kiến ba khoang. Tôi lo nhất là mỗi khi con học bài, kiến ba khoang cứ bám trên đèn rồi rớt xuống vở".

Vùng da tiếp xúc với kiến ba khoang sẽ bị bỏng rợp, nổi mụn nước,... gây ngứa ngáy khó chịu
Vùng da tiếp xúc với kiến ba khoang sẽ bị bỏng rộp, nổi mụn nước,... gây ngứa ngáy khó chịu.

Chỉ cần tiếp xúc với kiến ba khoang là tổn thương da

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trọng Hào - Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết: Từ giữa tháng 6/2020, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp người dân đến điều trị do bị kiến ba khoang tấn công. Khoảng một tuần nay, số lượng người đến khám tăng lên, ngày nào cũng có ca. Đa số bệnh nhân đều bị bỏng trên diện tích da lớn, có dịch mủ, viêm da,… thậm chí nhiễm trùng, lở loét gây đau nhức. 

Một trong những ca bị kiến ba khoang tấn công nặng nề nhất phải nhập viện Bệnh viện Da liễu TPHCM là trường hợp của chị N.T.K.L. (24 tuổi, ở chung cư tại quận 5, TPHCM). Bệnh nhân vào viện với cẳng chân, đùi bên trái phồng rộp, phù nề, chảy dịch vàng,... do vô tình đè lên kiến ba khoang. Sau đó, chị L. nghĩ mình bị dị ứng nên tự đi mua thuốc uống, bôi khiến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn. 

Các bác sĩ nhận định có thể chị L. hay làm việc trên máy tính đến giữa khuya nên ánh sáng từ màn hình máy tính đã "cuốn hút" kiến ba khoang.

Bác sĩ Lâm Bình Diễm - khoa Da liễu, Bệnh viện Quận 2 TPHCM cảnh tỉnh: Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12 – 15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Chất này chủ yếu gây bỏng da, có thể nhầm với tổn thương trong bệnh zona thần kinh.

Sở dĩ người dân gọi kiến ba khoang bởi thân chúng có màu đen, cam xen kẽ ba khoang rõ rệt.

Khi bị bỏng do kiến ba khoang, bệnh nhân sẽ cảm thấy hơi ngứa rát, căng da, đỏ da nhẹ. Sau đó vùng da này bị sưng nhẹ, đỏ thành vệt, mụn nước, hơi phù nề, mụn mủ. Nặng hơn có thể đau, rát, kèm theo sốt, khó chịu, nổi hạch. Nếu thương tổn gần mắt có thể gây sưng cả 2 mắt.

Đa phần người bệnh bị bỏng ở những vùng da hở như tay, chân, mặt, cổ. Nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ ít để lại sẹo. Nếu vô tình tiếp xúc với kiến ba khoang, nên rửa nơi tiếp xúc bằng nước sạch, dưới vòi nước, tránh chà xát vùng da vừa chạm vào kiến để hạn chế tổn thương nơi tiếp xúc. Da bị tổn thương do kiến ba khoang thường sẽ ổn sau 5-7 ngày, nhưng có những trường hợp nặng hơn gây nhiễm trùng bội nhiễm ngoài đau nhức, khó chịu, vết thương lâu lành, để lại sẹo xấu cho bệnh nhân.

“Bệnh nhân không nên tự ý đi mua thuốc bôi, đắp lá thuốc nơi bị bỏng, sẽ khiến vết thương nhiễm trùng nặng hơn. Tốt nhất, người bệnh tránh làm cho thương tổn lây lan sang vùng da khác mà hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng cách” - bác sĩ Diễm nói thêm.

Kiến ba khoang, ảnh internet
Kiến ba khoang. Ảnh: Internet

Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus (dân gian thường gọi là kiến ba khoang, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít…). Loài côn trùng này thường dài khoảng 1-1,5cm, màu đỏ nâu, hơi giống loài kiến thông thường. 

Khi phát hiện kiến ba khoang, người dân cần hạn chế đập, giết bởi sẽ gây dịch nhầy, nên gắp ra và phải đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được xử trí đúng cách.

Sử dụng lưới ngăn côn trùng để chặn kiến ở các cửa sổ và cửa ra vào, nên ngủ trong mùng đề phòng vô tình tiếp xúc kiến khi chúng bò lên giường, vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà, hạn chế bật nhiều đèn vì kiến ba khoang thường theo ánh sáng đèn để vào nhà khi đêm xuống,… 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI