Nữ tiều phu gồng gánh nuôi chồng và hai con bạo bệnh trong rừng

09/12/2018 - 14:00

PNO - Lần lượt chứng kiến cảnh chồng cùng hai cậu con trai rơi vào cảnh bạo bệnh, người phụ nữ 52 tuổi ở Nghệ An chỉ còn biết nguyện cầu, căng mình mưu sinh bằng nghề đốn củi để kiếm miếng ăn cho cả gia đình.

Sáng sớm, bà Nguyễn Thị Minh (52 tuổi, trú xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) vội lo bữa cơm đạm bạc cho hai đứa cháu nội và người chồng đang nằm liệt giường rồi nhanh chân mang đồ nghề vào rừng kiếm củi như thường lệ. Gần 30 năm trước, bà Minh nên duyên vợ chồng với người đàn ông cùng xã Ngô Văn Bình (56 tuổi) qua mai mối của người quen.

Hoàn cảnh quá éo le, hai vợ chồng bà được hàng xóm cho mượn một mảnh đồi nhỏ nằm cách khu dân cư hơn 5km để dựng lều ở tạm, hành nghề kiếm củi mưu sinh qua ngày. Hàng chục năm trôi qua, căn chòi nhỏ tạm bợ được chắp vá từ những miếng tôn, mên, nứa và bùn đất đã rách nát, nắng xuyên vào đến tận giường.

Nu tieu phu gong ganh nuoi chong va hai con bao benh trong rung
Căn chòi tạm bợ đã dột nát nằm trong rừng keo là nơi cư trú của vợ chồng bà Minh suốt hàng chục năm qua.

Cuộc sống nằm cách biệt trong bìa rừng không điện, nước sạch…cứ thế trôi qua. Hai vợ chồng đã có hai cậu con trai song cậu con út bị thiểu năng trí tuệ nên không được học hành một ngày nào, đã 24 tuổi nhưng vẫn ngây ngô như đứa trẻ mới lên 2. Đã không ít lần cậu bỏ đi lang thang, ngủ trong rừng khiến hai vợ chồng cất công mang đèn đi tìm cả đêm.

Vỗ về hai đứa cháu nội mới lên 6 và 3 tuổi của mình trong nước mắt, bà Minh nói “Chỉ lo tôi không còn đủ sức khỏe, lỡ mai mốt ngã bệnh thì chồng, con và cháu ai lo đây”. Người phụ nữ 52 tuổi này cho hay, hoàn cảnh quá éo le nên anh Nguyễn Thọ Phong (28 tuổi, con trai bà Minh) phải nghỉ học từ sớm để đi bươn chải làm ăn.

Nu tieu phu gong ganh nuoi chong va hai con bao benh trong rung
Bà Minh bên hai đứa cháu nội của mình

“Chừng 7 năm trước, Phong lấy vợ, cưới nhau ở trong Nam chứ không dám đưa vợ về nhà vì nghèo quá. Đến khi sinh đứa thứ 2, vợ chồng nó đưa nhau về nhà, nhưng rồi thấy cuộc sống quá khổ nên được thời gian thì vợ nó cũng bỏ đi biệt tăm suốt cả năm qua”, bà Minh nói.

Ba năm trước, chồng bà Minh bị tai biến rồi nằm liệt giường cho đến nay. Cuộc sống vốn đã túng thiếu, nay lại càng bi đát hơn khi cả 5 miệng ăn trong nhà giờ chỉ trông chờ vào mấy đồng tiền đi kiếm củi của bà Minh.

Đôi mắt đỏ hoe, bà Minh nói: “Vợ nó bỏ đi được vài tháng thì nó mắc bệnh thoái hóa thần kinh não. Bác sĩ nói đây là căn bệnh hiểm nghèo, có thể sẽ mất dần nhận thức lẫn vận động nên lo sợ lắm. Giờ Phong đang được người thân ở trong miền Nam đưa đi chữa bệnh, mọi chi phí cũng đang nhờ anh em họ hàng vay mượn khắp nơi chứ gia đình không biết mượn ở đâu”.

Nu tieu phu gong ganh nuoi chong va hai con bao benh trong rung
Những vách ngăn bằng mên, bùn đất đã rách nát nhưng 5 thành viên trong gia đình bà Minh vẫn phải bám trụ trong căn nhà này

Anh Trần Khánh Lan (trú xã Đồng Thành) cho biết, không kể nắng hay mưa, bà Minh vẫn đều đặn lên rừng kiếm củi mỗi ngày rồi đem đi bán. Tuy chỉ được vài chục đến trăm nghìn đồng mỗi ngày từ công việc này, song đó là số tiền để bà thuốc men, lo cái ăn cho cả gia đình.

“Bố bệnh, mẹ bỏ đi, ông nội nằm một chỗ, chú ruột thì khờ khạo nên chẳng ai trông nom hai đứa trẻ cả. Những ngày hai đứa không đi học, chúng vẫn thường theo bà vào rừng đốn củi, có lúc nằm ngủ gật dưới gốc cây rất tội”, anh Lan nói.

Ngước nhìn căn chòi đang như muốn “rụng” xuống từng miếng, bà Minh cho hay chủ nhân miếng đất này đã nhiều lần yêu cầu bà trả lại đất để họ canh tác, song chưa biết dọn đi đâu ở nên bà đành năn nỉ xin ở thêm một thời gian nữa.

Nu tieu phu gong ganh nuoi chong va hai con bao benh trong rung
Hoàn cảnh quá khó khăn, bà Minh lo sợ sẽ khó có thể cho hai cháu nội của mình theo học trong thời gian tới.

“Khó khăn thì tôi đã nếm đủ từ nhỏ nên cũng quen rồi. Giờ tôi chỉ lo sợ mình ngã bệnh nữa thì chồng, con và các cháu sẽ như thế nào”, bà Minh nghẹn ngào nói.

Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Thành (huyện Yên Thành) cho biết, gia đình bà Minh có hộ khẩu tại xã Xuân Thành song không có nhà cửa nên phải sống nương nhờ trên đất rừng của người khác từ hàng chục năm qua. Hoàn cảnh gia đình bà Minh rất khó khăn khi cả chồng và các con đều bị bệnh, gia đình không có thu nhập gì nên hai đứa cháu có nguy cơ thất học rất lớn.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI