Mẹ bỏ nhà xuống phố nhặt ve chai chăm con, chờ điều kỳ diệu

13/09/2018 - 19:00

PNO - Tai nạn khiến cậu con trai của bà Toóng rơi vào cảnh sống thực vật suốt 7 năm qua. Đó cũng là thời gian bà rời xa gia đình để ở bệnh viện chăm con, nhặt ve chai mưu sinh với hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến.

Sau bữa cơm vội, bà Vi Thị Toóng (52 tuổi, trú xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cẩn thận nhờ người nhà bệnh nhân cùng phòng trông chừng hộ cậu con trai đang nằm tại Bệnh viện Quân y 4 rồi nhanh chóng ra gốc cây ở khuôn viên lấy chiếc bao tải của mình để tiếp tục công việc. Dáng người nhỏ nhắn, đen sạm nhưng bà vẫn tỏ ra khá nhanh nhẹn khi vòng qua một số tuyến đường quanh bệnh viện để tìm kiếm ve chai.

Hình ảnh người đàn bà khắc khổ lùng sục trong các ngõ ngách tìm kiếm ve chai mưu sinh đã quen thuộc với người dân nơi đây. Cảm động trước tình cảnh của mẹ con bà, nhiều người tìm cách “dúi” khi ít bánh kẹo, thức ăn, hoa quả… khi thì gom ve chai mang đến cho bà như một sự động viên, khích lệ bà Toóng tiếp tục nuôi hy vọng.

Me bo nha xuong pho nhat ve chai cham con, cho dieu ky dieu
Bà Toóng đi khăp nơi tìm nhặt ve chai mỗi ngày để kiếm thêm tiền trang trải, ăn uống.

Quệt vội những giọt mồ hôi, bà Toóng kể, Lương Văn Khăm (28 tuổi, con trai bà Toóng) vốn là thanh niên khỏe mạnh, học giỏi nhất trong số 4 anh chị em. Bảy năm trước, vụ tai nạn giao thông đã khiến cậu bị chấn thương sọ não. Dù đã được chữa trị ở nhiều nơi nhưng không có tiến triển.

Những con trâu bò, rồi đến những đàn dê, đàn gà lần lượt được gia đình đem bán để lấy tiền chữa trị cho Khăm. Tài sản trong nhà dần cạn kiệt nhưng người con ấy vẫn nằm bất động.

“Giờ nhà chẳng còn gì nữa. Ngày ngày tôi tranh thủ thời gian để đi loanh quanh nhặt ve chai bán kiếm thêm tiền ăn uống. Ngày nào may thì được vài chục ngàn đồng, cực nhất là những ngày mưa gió, đi mệt mà không kiếm được gì”, bà Toóng nói.

Me bo nha xuong pho nhat ve chai cham con, cho dieu ky dieu
Thương hoàn cảnh éo le của bà Toóng, ông Mai tìm cách gom góp ve chai thêm cho bà trên mỗi chuyến xe ôm của mình.

Cầm mớ giấy bìa đem đến bỏ vào túi cho bà Toóng, ông Dương Xuân Mai (42 tuổi) cho biết ông chạy xe ôm ở cổng Bệnh viện Quân y 4 từ hơn 20 năm qua. Cảm động trước tình mẫu tử của bà Toóng, nhưng hoàn cảnh không cho phép, nên ông chỉ giúp được bằng cách vừa chạy xe ôm vừa nhặt góp các loại giấy vụn, chai lọ trên đường hoặc khách bỏ lại đem góp cho bà.

“Bà ấy đã quá quen thuộc với người dân nơi đây rồi. Nhiều người thường xuyên đem cơm, hoa quả hay gói bánh cho bà ấy để khích lệ tinh thần”, ông Mai nói.

Cầm hơn 30.000 đồng là tiền bán ve chai sau một ngày đi lượm lặt, người đàn bà 52 tuổi lại vội vã đến khu chợ cạnh bệnh viện mua mấy hộp sữa rồi quay trở về chăm cậu con trai.

Me bo nha xuong pho nhat ve chai cham con, cho dieu ky dieu
Bà Toóng bám bệnh viện chăm sóc cậu con trai sống cảnh thực vật suốt 7 năm qua.

“Đến giờ rồi, tôi phải cho con nó ăn, kẻo đói”, bà Toóng nói rồi cầm chiếc kim tiêm cỡ lớn cẩn thận hút nước cháo loãng bơm vào ống nhựa thông qua mũi con trai. Khi ống nhựa bị tắc, đứa con khẽ rên, bà tạm dừng, dùng tay vuốt nhẹ lên ngực con, rồi tiếp tục công việc.

Các động tác ấy được bà Toóng thực hiện một cách thuần thục. Ghé vào tai cậu con trai, bà nói “Con có nghe mẹ nói không. Hôm nay mẹ kiếm được nhiều tiền lắm” rồi quay sang nắn bóp chân tay cho con.

Người thân muốn thay phiên chăm sóc Khắm để bà Toóng về nhà nghỉ ngơi ít hôm nhưng bà không chịu. Bà muốn ở bên con mỗi ngày để chuyện trò, chăm sóc, chờ điều kỳ diệu sẽ đến với cậu con trai của mình.

Me bo nha xuong pho nhat ve chai cham con, cho dieu ky dieu
Bà Toóng vui mừng với số tiền dù ít ỏi sau mỗi ngày nhặt ve chai.

“Con ở mô tôi ở đó. Đã 7 năm rồi tôi chưa về thăm dân bản nữa, không biết lâu ni thế nào”, bà Toóng nói và cho biết đã quen cảnh một mình ở bệnh viện những ngày lễ, tết. Điều khiến bà buồn nhất là 3 đứa con còn lại ở nhà lần lượt cưới vợ, gả chồng nhưng bà không thể về chung vui và chúc phúc mà phải “bám” ở bệnh viện.

Cậu con trai nằm điều trị trong tình trạng liệt tứ chi, sống cảnh thực vật nhiều năm, không ít người khuyên nhủ bà Toóng đưa con về nhà cho đỡ cực nhưng bà một mực lắc đầu. “Khổ mấy tôi cũng chịu được nhưng bỏ con thì nhất định không. Bác sĩ cũng nói rõ bệnh tình của con rồi, nhưng tôi vẫn hy vọng con có thể tỉnh lại”, bà Toóng nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI